1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Bộ não” đứng sau chương trình tên lửa liên lục địa Triều Tiên

(Dân trí) - Là nhà khoa học với hơn 20 năm kinh nghiệm, ông Kim Jong-sik đã trở thành nhân vật quan trọng bậc nhất trong chương trình tên lửa cùa Triều Tiên, đặc biệt trong việc phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân.

Nhà khoa học Kim Jong-sik (vòng tròn) cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát một vụ phóng tên lửa (Ảnh: Reuters)
Nhà khoa học Kim Jong-sik (vòng tròn) cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát một vụ phóng tên lửa (Ảnh: Reuters)

Theo ông Michael Madden, nhà nghiên cứu hàng đầu về giới tinh hoa của Triều Tiên và đang làm việc với 38 North - trang web chuyên khai thác các thông tin về Bình Nhưỡng, nhà khoa học tên lửa Kim Jong-sik là “nhân vật đầu não” trong chương trình tên lửa của Triều Tiên hiện nay.

Là chuyên gia kỹ thuật với hơn 20 năm kinh nghiệm, ông Kim Jong-sik chính là nhân vật quyền lực, góp phần phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với khả năng gắn thêm đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Ông Kim Jong-sik đã được trao huân chương cao quý nhất của nhà nước Triều Tiên, Huân chương Kim Jong-il, cho vai trò hàng đầu của ông trong ngành công nghiệp vũ khí của Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-sik thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các vụ thử tên lửa (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-sik thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các vụ thử tên lửa (Ảnh: Reuters)

“Ông ấy rất quan trọng và gần như là người quan trọng nhất trong các vụ thử tên lửa cũng như các vấn đề liên quan tới ngành công nghiệp quốc phòng của Triều Tiên. Ông ấy chính là người đã giúp Triều Tiên phát hiện ra các vấn đề kỹ thuật cũng như đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật (trong chương trình tên lửa)”, ông Madden nói.

Theo chuyên gia Madden, nhà khoa học Kim Jong-sik, khoảng hơn 50 tuổi, đạt được vị trí cao như hiện tại nhờ sự đóng góp của ông vào việc phóng thành công tên lửa không gian Unha-3 hồi tháng 12/2012.

Ông Kim Jong-sik bắt đầu được cất nhắc từ sau thành công của vụ phóng tên lửa không gian năm 2012. (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-sik bắt đầu được cất nhắc từ sau thành công của vụ phóng tên lửa không gian năm 2012. (Ảnh: Reuters)

“Triều Tiên đã thử phóng tên lửa không gian vào tháng 4/2012 và tên lửa này đã thất bại sau 10 giây rời bệ phóng. Vì thế, một số người đã bị sa thải. Tới tháng 12/2012, Kim Jong-sik đã trở thành cái tên hàng đầu sau khi vụ phóng thử diễn ra thành công. Ông ấy đã thăng tiến từ vị trí của một người bình thường cho tới khi trở thành một trong những nhân vật hàng đầu. Chỉ khoảng một năm rưỡi sau đó, ông ấy đã bất ngờ được ngồi vào vị trí phó giám đốc bộ phận công nghiệp vũ khí của Triều Tiên”, ông Madden cho biết.

Đi lên bằng năng lực thực sự

Ông Kim Jong-sik là nhà khoa học với hơn 20 năm kinh nghiệm, đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa tại Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-sik là nhà khoa học với hơn 20 năm kinh nghiệm, đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa tại Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia Madden, ở Triều Tiên, các chức danh phó giám đốc thường có quyền lực hơn so với các giám đốc thực sự. Mặc dù có nhiều người được bổ nhiệm làm phó giám đốc các cơ quan tại Triều Tiên, nhưng ông Kim Jong-sik là chuyên gia kỹ thuật duy nhất được giao trọng trách tiếp quản vị trí này.

“Có nhiều người nắm giữ vị trí này (phó giám đốc) nhưng họ có những trách nhiệm khác. Họ thậm chí không làm việc trong văn phòng mà làm việc ở một nơi khác. Trong khi đó, ông Kim Jong-sik lại là người trực tiếp tham gia vào công việc (phát triển tên lửa), vì ông là kỹ sư về hàng không và đã từng tham gia vào các lĩnh vực liên quan tới tên lửa, không gian, động cơ tên lửa”, ông Madden cho biết thêm.

Hình ảnh ông Kim Jong-sik (thứ hai từ phải qua) trong bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố gần đây (Ảnh: KCNA)
Hình ảnh ông Kim Jong-sik (thứ hai từ phải qua) trong bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố gần đây (Ảnh: KCNA)

Khi Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên hồi tháng 7, và tuyên bố đưa toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn, các kênh truyền thông của Bình Nhưỡng đã nêu tên Kim Jong-sik là một trong số các trợ lý thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-sik cũng chính là người đã tham gia vào vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ 2 của Triều Tiên hồi tháng 7, cũng như vụ phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản gần đây.

Ôgn Kim Jong-sik (ngoài cùng bên phải) tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới một cơ sở tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Ôgn Kim Jong-sik (ngoài cùng bên phải) tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới một cơ sở tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Không phải là người xuất thân từ dòng tộc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Kim Jong-sik được trọng dụng hoàn toàn nhờ vào năng lực của ông trong việc phát triển chương trình tên lửa của Triều Tiên. Chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phát hiện và đưa ông từ một nhân vật ít người biết đến cho tới vị trí hàng đầu tại Triều Tiên như hiện nay.

“Ông Kim Jong-sik được như ngày hôm nay chính vì những thành tích của ông ấy, chứ không phải vì ông ấy là họ hàng của ai đó, như một hiện tượng thường thấy ở Triều Tiên. Ông Kim Jong-un thực sự rất giỏi trong việc cất nhắc những người không có các mối quan hệ thân quen truyền thống”, chuyên gia Madden cho biết.

Thành Đạt

Theo Dailymail