1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biển Đông được nêu như thế nào tại tuần lễ Cấp cao ASEAN 21?

(Dân trí) - Sau thất bại tại AMM-45 hồi tháng 7, điều khiến dư luận quan tâm nhất hiện nay là tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với một số nước thành viên ASEAN sẽ được nêu thế nào và có được đưa ra trong tuyên bố chung của Cấp cao ASEAN 21?

Biển Đông được nêu như thế nào tại tuần lễ Cấp cao ASEAN 21?
Tranh chấp tại Biển Đông được cho là sẽ làm nóng nghị trình Cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị liên quan.


Ngay trước khi khai mạc cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN tại cung Hòa bình ở Phnom Penh, nơi diễn ra các hoạt động của ASEAN trong tuần lễ Cấp cao 21, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã gặp gỡ các nhà báo và tỏ ra thận trọng khi được hỏi về vấn đề Biển Đông.

“Chúng tôi mong muốn có thể cùng nhau giải quyết vấn đề này”, ông nói sau khi khẳng định việc các bên liên quan gặp nhau và nói chuyện với nhau đã là một động thái tích cực.

Ông Surin đưa ra tuyên bố trên sau khi một quan chức ngoại giao Trung Quốc nói với truyền thông quốc tế rằng không nên để Cấp cao ASEAN 21 bị lu mờ bởi tranh chấp Biển Đông. Theo nhà ngoại giao này, hiện nay “tình hình ở Biển Đông đã được kiểm soát” và các quốc gia liên quan “có thể tự giải quyết” những khác biệt.

Đây cũng là quan điểm của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh khi bà nói rằng cuộc tranh chấp biển đảo ở Biển Đông "không nguy hiểm hay rối ren" như dư luận từng quan ngại.

Theo bà Phó Oánh, “trên thực tế trong vài năm qua, Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông đã kiểm soát thành công tranh chấp và không để tranh chấp tiếp tục gia tăng”. Vì vậy, vấn đề Biển Đông hoàn toàn có thể kiểm soát thông qua các phương thức hòa bình.

“Khu vực này có thể kiểm soát và đối phó với khủng hoảng thông qua đối thoại và đàm phán, nhằm mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực. Chỉ với những điều kiện như vậy mới có thể hợp tác phát triển kinh tế”, nữ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu giữa những tuyên bố có phần chừng mực của Tổng thư ký Surin với tuyên bố "như đinh đóng cột" của các nhà ngoại giao Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, dư luận không khỏi đặt nghi vấn về nội dung cuối cùng sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung.

Những tranh cãi chưa từng có về biển đảo trên Biển Đông gần đây đã khiến Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) diễn ra hồi tháng 7 vừa qua không ra được thông cáo chung, sự cố lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử 45 năm của khối.

Vì vậy, việc các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đưa ra những tuyên bố khác nhau về mức độ đồng thuận trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông đang tạo ra những gam màu trái ngược, khiến số người e ngại khả năng nước chủ nhà Campuchia, Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2012, sẽ bị gây sức ép để đưa ra  tuyên bố kết thúc hội nghị theo hướng có lợi nhất cho Trung Quốc.

Lo ngại này càng tăng lên khi trong tuyên bố mới nhất tại hội nghị đang diễn ra, bà Phó Oánh kêu gọi các nước ngoài khu vực, ám chỉ Mỹ, nên đứng ngoài câu chuyện của Trung Quốc và ASEAN về Biển Đông.

“Giải quyết tranh chấp phải chờ đàm phán giữa các nước trực tiếp liên quan. Trung Quốc và ASEAN tự tin có thể duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biển tranh chấp. Chúng tôi hy vọng rằng các nước ngoài khu vực đặt niềm tin vào chúng tôi. Nếu bạn muốn giúp đỡ, xin làm điều đó một cách tích cực, chứ không nên can thiệp hay kích động”, bà Phó Oánh kêu gọi.

Tuyên bố của bà Phó Oánh ám chỉ tới việc trước đó cả Mỹ và Nhật Bản đều tuyên bố sẽ nêu vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo luật quốc tế tại các hội nghị của ASEAN. 

“Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của luật quốc tế trong giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ tại các hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác đối thoại”, các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết trước thềm Cấp cao ASEAN 21.

“Cần có một công ước đối phó với các hoạt động hàng hải tại khu vực biển Hoa Đông nhằm ngăn chặn đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc leo thang”, Tư lệnh phụ trách các hoạt động hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, kêu gọi trong bài diễn văn đọc tại Washington hôm 17/11, trong đó ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề ra công ước về hoạt động hàng hải trong khu vực.

Lo ngại kịch bản AMM-45 có thể tái diễn, Tổng thư ký Surin đã cố gắng làm dịu tình hình khi cho rằng những tranh cãi công khai như hồi tháng 7 sẽ không lặp lại.

“Tôi không nghĩ sẽ có đối đầu. Tôi không nghĩ sẽ xảy ra bất đồng quá mức”, ông Pitsuwan nêu rõ. 

Về phần mình, Campuchia cũng mới chỉ đưa ra tuyên bố chung chung.

“Các Ngoại trưởng ASEAN đã thảo luận về những vấn đề này trong cuộc gặp không chính thức hồi tháng 9/2012 bên lề Đại hội đồng LHQ, và đồng ý cần tiếp tục làm việc, thảo luận với nhau về việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Huon trả lời khi được hỏi liệu vấn đề Biển Đông và sự cố bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham sẽ được nêu ra theo hướng nào.

Cũng theo Quốc vụ khanh Campuchia , các Ngoại trưởng đã đồng ý giao cho Thái Lan, với tư cách là điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, tiếp tục giữ vai trò trung gian thúc đẩy đối thoại giữa hai bên. Tuy nhiên, ông Kao Kim Huon không nói rõ là vấn đề Biển Đông có nằm trong tuyên bố chung mà các Ngoại trưởng sẽ trình lên Cấp cao ASEAN ngày 18/11 hay không.

Việt Giang