1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bị Nga ruồng rẫy, Metis-M1 "tỏa sáng" nhờ…IS và phiến quân Syria

Sau khi 3 xe tăng-pháo Thổ Nhĩ Kỳ bị phiến quân Syria dùng Metis-M1 tiêu diệt, tổ hợp tên lửa chống tăng này đã được biên chế trong quân đội Nga.

Nga quyết định trang bị tổ hợp 9K115-2 Metis-M sau khi… phiến quân đối lập Syria và IS chứng minh hiệu quả trên chiến trường
Nga quyết định trang bị tổ hợp 9K115-2 Metis-M sau khi… phiến quân đối lập Syria và IS chứng minh hiệu quả trên chiến trường

Nga trang bị Metis-M1 sau 12 năm chuyên xuất khẩu

Truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ Bộ quốc phòng nước này cho biết, sau mấy năm thử nghiệm thành công và thậm chí đã xuất khẩu ra nước ngoài, Bộ Quốc phòng Nga mới quyết định trang bị các tổ hợp tên lửa chống tăng 9K115-2 Metis-M1 cho quân đội nước mình.

Trước đó, Metis-M1 chỉ để xuất khẩu, vì loại vũ khí này bị coi là quá nhẹ để chống thiết giáp hiện đại, nhưng thực tiễn chiến đấu đã cho thấy tính hiệu quả và tính linh hoạt của nó, vì vậy Bộ Quốc phòng Nga đã điều chỉnh quan điểm của mình và quyết định trang bị Metis-M1 cho quân đội.

Theo chuyên gia Viktor Murakhovski, Metis-M1 được thiết kế bởi văn phòng thiết kế Instrument. Do trọng lượng và kích thước hạn chế, đây là hệ thống duy nhất thực sự có thể di chuyển trên chiến trường mà không cần phương tiện ô tô chuyên chở.

Trong điều kiện đó, Metis-M1 lại nổi trội hơn các hệ thống cùng tính năng như "Kornet", "Fagot" hay "Konkurs", bởi trọng lượng của chúng lớn hơn Metis-M1, vì còn có thiết bị phóng và container chở tên lửa. Đó là lý do tại sao chúng được coi là các hệ thống cơ động theo điều kiện.

Theo đại diện của nhà phát triển Metis-M1 là Cục thiết kế KBP, tổ hợp tên lửa chống tăng này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm, thiết kế đơn giản, dễ vận hành và giá thành của loại tên lửa chống tăng này là tương đối thấp.

Cận cảnh tổ hợp tên lửa chống tăng 9K115-2 Metis-M1
Cận cảnh tổ hợp tên lửa chống tăng 9K115-2 Metis-M1

Tổ hợp tên lửa chống tăng 9K115-2 Metis-M gồm ba thành phần chính: bệ phóng 9P151; kính ngắm hồng ngoại 1PBN86-VI và tên lửa chống tăng 9M131, thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang chiến đấu trong vòng 15-20 giây, tốc độ 3-4 phát/phút với kíp chiến đấu 1-2 người.

Metis-M1 có tầm bắn và khả năng xuyên giáp tốt hơn do với “người tiền nhiệm” Metis-M, với tầm bắn hiệu quả khoảng 2km. Nó được thiết kế để có thể xuyên phá được bất cứ hệ thống giáp bảo vệ của tất cả các xe tăng trên thế giới, nhưng trọng lượng lại giảm đáng kể so với phiên bản trước đó.

Về mặt lý thuyết, Metis-1M được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại xe tăng chiến đấu chủ lực, được trang bị hệ thống giáp bảo vệ đa lớp, cũng như xe bọc thép hay công sự phòng thủ của đối phương, có thể xuyên giáp phản ứng nổ và giáp đồng nhất có độ dày từ 900mm-950mm.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Ivan Konovalov nói rằng Metis-M1 của Nga vượt trội tổ hợp Mỹ FGM-148 Javelin do tập đoàn Raytheon và Lockheed Martin sản xuất về tốc độ, bởi vũ khí của Mỹ cần có 30 giây để nắm bắt được mục tiêu, mà Metis-1M chỉ cần một nửa thời gian đó.

Nhờ IS thử chất lượng Metis-M1 bằng tăng-pháo Thổ Nhĩ Kỳ

Tổ hợp tên lửa chống tăng Metis-M1 được coi là có tính năng cơ động rất cao. Theo chuyên gia quân sự Nga Victor Murakhovski, Metis-M1 hiện là hệ thống tên lửa chống tăng duy nhất, thực sự có thể di chuyển trên chiến trường mà không cần phương tiện ô tô chuyên chở.

Quyết định về việc biên chế tổ hợp tên lửa chống tăng mới đã được giới chức lãnh đạo quân đội Nga nhất trí vào tháng 11-2015, nhưng mới được phê duyệt trước ngày Chiến thắng 9-5. Suốt 12 năm qua, tổ hợp này chỉ được sản xuất để xuất khẩu cho nước ngoài.

“Metis-M1 là hệ thống tên lửa chống tăng cơ động duy nhất được chế tạo ở Nga trong thời gian gần đây” - biên tập viên tạp chí “Kho vũ khí Tổ quốc” của Nga là ông Viktor Murakhovski nhấn mạnh rằng, trải qua thực tiễn chiến đấu ở nhiều khu vực, Metis-M1 đã chứng minh được tính năng ưu việt.

Ông cũng giải thích rằng hệ thống này còn được gọi là tổ hợp "pháo bỏ túi" của các sư đoàn bộ binh, vì nó có thể di chuyển trên mọi địa hình chiến trường mà không cần bất kỳ thiết bị chuyên chở hay mang vác đặc biệt nào.

Điều này đã được chứng minh bằng thực tế trên chiến trường, mà mới đây nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, nhưng không phải là do quân Nga hay Syria mà là do chính các tay súng đối lập và khủng bố IS đã hủy diệt xe tăng và thiết giáp của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháp pháo của pháo tự hành T155 Firtina Thổ Nhĩ Kỳ bật tung khỏi thân xe sau khi trúng đạn
Tháp pháo của pháo tự hành T155 Firtina Thổ Nhĩ Kỳ bật tung khỏi thân xe sau khi trúng đạn

Cũng như Kornet-E, Metis-M đã được Nga xuất khẩu số lượng lớn sang Syria. Tất nhiên, không ít vũ khí này đã rơi vào tay IS và phe đối lập để chống lại chính Quân đội Syria. Ngoài ra, có nguồn tin cho rằng Bulgaria đã cung cấp 6 bộ Metis-M cho phiến quân đối lập, thông qua Mỹ.

Metis-M được ghi nhận sử dụng lần đầu tiên ở Syria vào ngày 7/3/2012 khi Quân đội Syria tự do (FSA) sử dụng nó để hạ một máy bay MiG-23MS của Không quân Syria. Sau đó, chúng còn hủy diệt rất nhiều kho tàng, xe tăng T-72, xe bọc thép của quân chính phủ.

Mới đầu tháng 5 vừa qua, Lực lượng phiến quân đang giao tranh ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đã tung đoạn clip ghi lại hình ảnh tổ chức này sử dụng tên lửa chống tăng Metis-M do Nga sản xuất tấn công hủy diệt liên tiếp ba xe tăng và pháo tự hành của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đoạn clip cho thấy rõ lực lượng phiến quân đã tiêu diệt thành công ít nhất ba mục tiêu là 2 chiếc xe tăng Sabra và pháo tự hành T155 Firtina của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tháp pháo của khẩu pháo tự hành T155 Firtina đã bị hủy diệt khủng khiếp và bắn văng ra xa.

Có thể khẳng định rằng, việc tổ hợp tên lửa chống tăng vốn trước đây bị Nga xem nhẹ được trang bị chính thức cho quân đội nước này có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng phiến quân đối lập và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trên chiến trường Syria.

Xem clip Metis-M1 bắn hạ xe tăng, pháo tự hành Thổ Nhĩ Kỳ:

Theo Thiên Nam

Đất Việt