1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Đức: Schengen tan rã, đồng euro trở thành vô giá trị

Theo truyền thông Đức, rất có thể quy chế Schengen của EU sẽ trở nên vô nghĩa dẫn đến đồng tiền chung châu Âu euro cũng trở thành vô giá trị.

Châu Âu bối rối trước làn sóng người tị nạn

Tờ báo Đức Der Spiegel vừa đưa ra nhận định, 2016 có thể là một trong những năm quan trọng nhất cho tương lai của Liên minh châu Âu, và tương lai dành cho Thủ tướng Angela Merkel không phải là đáng mừng khi nước Đức sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn.

Bài báo viết, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, có những vấn đề mới đang bổ sung thêm vào danh sách dài các vấn đề chưa được giải quyết.

Ông Juncker cảnh báo về một cuộc "khủng hoảng niềm tin" ở châu Âu, dẫn đến quan hệ trong nội bộ EU ngày càng trầm trọng hơn bởi dòng người tị nạn. Một số quốc gia khác, trong đó có Pháp và Italia đã nói rằng, cuộc khủng hoảng di cư là vấn đề của Đức.

Ngoài ra, còn có vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia chưa phải là thành viên EU nhưng được Liên minh châu Âu cho rằng, Ankara cần đóng vai trò quan trọng trong việc giảm số lượng người tị nạn.

Để làm điều này, chính quyền của ông Recept Tayip Erdogan cần nhận được từ EU 3 tỷ euro, nhưng Italia phản đối quyết định đó. Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, không loại trừ khả năng là Berlin sẽ phải tự mình đối phó với vấn đề một cách độc lập.

Báo Đức: Schengen tan rã, đồng euro trở thành vô giá trị - 1

Châu Âu đang hết sức đau đầu với vấn nạn người di cư

Giới chuyên gia Hoa Kỳ thấy rằng, Thủ tướng Đức Angela Merkel rõ ràng đã đánh giá quá mức khả năng của nước này trong vấn đề khủng hoảng di cư và sự mỏi mệt của bà đang ảnh hưởng tới toàn bộ chính sách của Đức.

Quyết định của bà Merkel tiếp nhận dân tị nạn từ Trung Đông hồi năm 2015 đã không được tán đồng ở ngay nước Đức, cũng như ở phần còn lại của châu Âu. Chỉ số uy tín của nữ Thủ tướng giảm xuống đến 49% trong tháng 11 so với 67% hồi tháng 8 năm ngoái.

Hàng loạt vụ tấn công, quấy rối tình dục hơn 500 phụ nữ xảy ra ở Cologne vào đêm giao thừa do người nhập cư gây ra và những vụ trả thù ngược nhằm vào họ đã cho thấy rằng, Đức không thể đối phó với cuộc khủng hoảng di dân, đất nước này đang bị quá tải và yếu đi.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Đức vẫn tuyên bố rằng, sự ổn định của đồng tiền chung châu Âu có liên quan mật thiết đến Hiệp ước Schengen, bởi "…không thể có chung một đồng tiền duy nhất mà lại không có khả năng qua lại biên giới các nước một cách tương đối tự do".

Báo Đức: Schengen tan rã, đồng euro trở thành vô giá trị - 2

Người di cư nhồi nhét trên những con tàu nhỏ, bất chấp nguy hiểm trên Địa Trung Hải

Hiệp ước Schengen quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên. Đối với công dân nước ngoài chỉ cần có visa của 1 trong số các thành viên Schengen là được phép đi lại trong toàn bộ khu vực này. Việc các nước siết chặt vấn đề qua lại biên giới cũng tức là đình chỉ Hiệp ước Schengen.

Bà Angela Merkel nói thêm rằng việc hạn chế qua lại biên giới tự do sẽ dẫn đến tình trạng thị trường thống nhất của liên minh châu Âu sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Vì vậy, là một trong những trung tâm của EU và là nền kinh tế lớn nhất của Liên minh, Berlin ủng hộ quyền được di chuyển tự do.

Với tuyên bố trên của bà Merkel, Mỹ lo rằng, làn sóng người di cư sẽ còn gây ra thảm họa với châu Âu trong một thời gian dài nữa, một khi EU không có khả năng đối phó với hàng loạt vấn đề đang đổ vào họ, sự thống nhất của khối trong thời gian tới có thể bị phá vỡ.

Schengen trở nên vô nghĩa thì euro cũng trở thành vô giá trị

Người Mỹ cho rằng, những hậu quả tai hại mà nước Đức đang phải đối mặt là hoàn toàn có thể đoán trước, rõ ràng Berlin quá ngây thơ khi cho rằng dòng chảy không hạn chế người di cư sẽ không tạo ra vấn đề gì, nên châu Âu cần phải thắt chặt hơn chính sách với người tị nạn.

Ngày 13-1 vừa qua, báo The Daily Mail đưa tin rằng, trong bài phát biểu ở thành phố Mainz của Đức, Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận rằng châu Âu đã trở nên dễ bị tổn thương, vì giới chức EU không thể bảo đảm trật tự và kiểm soát tình hình với những người tị nạn,

Bài báo của Der Spiegel cho rằng, chính phủ Đức có vẻ "bi quan hơn là lạc quan". Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, làn sóng tị nạn tiếp theo sẽ buộc các nước Liên minh châu Âu phải phục hồi các trạm kiểm soát thường trực ở biên giới với các nước khác trong EU.

Nếu trong tương lai gần, biên giới bên ngoài EU không được bảo vệ một cách đáng tin cậy, các barie sẽ mọc lên khắp nơi theo nguyên tắc domino, từ nam đến bắc. Trong trường hợp này, hệ thống Schengen sẽ bị chôn vùi, và có lẽ cùng với nó là các thành tựu khác của châu Âu.

Báo Đức: Schengen tan rã, đồng euro trở thành vô giá trị - 3

Hàng đoàn người tị nạn hành trình đi bộ xuyên châu Âu

Hôm 18-1, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã tuyên bố rằng, chính quyền nước này bắt đầu tăng cường kiểm soát tất cả những người nhập cảnh và do đó tạm thời hạn chế hiệu lực của thỏa thuận Schengen.

Theo ông Faymann, Áo sẽ "làm như Đức, tăng cường kiểm soát biên giới và trục xuất người tị nạn". Ông nhấn mạnh rằng những người tỵ nạn đã không được phép đi tiếp tới Đức nên bây giờ cũng sẽ không được phép vào Áo.

Ông Faymann nói rằng khi qua biên giới sẽ cần phải mang theo thẻ nhận dạng. "Nếu EU không bảo vệ biên giới bên ngoài của mình, sẽ phải xét lại vấn đề Schengen. Khi đó, mỗi nước trong EU phải kiểm soát biên giới quốc gia của mình" - Thủ tướng Áo tuyên bố.

Ngày 16-1, ông Horst Seehofer, Thủ tướng của Bavaria, người đứng đầu đảng "Liên minh xã hội-Kito" trong liên minh cầm quyền của Đức đã đưa ra tối hậu thư cho bà Angela Merkel: Nếu trong hai tuần, trật tự trên biên giới Đức không được lập lại, ông sẽ nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp của Đức.

Báo Đức: Schengen tan rã, đồng euro trở thành vô giá trị - 4

Nhưng người tị nạn đã vấp phải những hàng rào thép gai lạnh lùng

Sau những vụ người nhập cư tấn công phụ nữ Đức ở Cologne và phụ nữ Thụy Điển, bản thân những cố gắng khắc phục tình hình với người tị nạn có thể là nguồn gốc mạo hiểm chính trị. Thực trạng này cắt giảm cơ hội để châu Âu thống nhất nỗ lực đối phó với khủng hoảng.

Điều đó còn có nghĩa là những thay đổi rất lớn trong cách các quốc gia châu Âu cộng tác với nhau và với phần còn lại của thế giới. Căng thẳng ngày càng dâng cao trong quan hệ với Đức ở những nước châu Âu khác đang xói mòn nguồn gốc chính trị và mối liên kết của hiệp hội này.

Theo người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, nếu các nước EU siết chặt kiểm soát biên giới thì Hiệp ước Schengen sẽ trở nên vô nghĩa, dẫn đến sự lưu thông của đồng euro cũng trở nên vô giá trị.

Theo Huy Bình

Đất Việt