1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo động nguy cơ chiến tranh hạt nhân

(Dân trí) - Một mặt các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đang dần dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng mặt khác lại đang ngấm ngầm tăng cường phát triển các loại tên lửa cũng như đầu đạn mới, đẩy cao nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự.

Đó là đánh giá của Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI ). Bản báo cáo hàng năm về lực lượng quân sự toàn cầu của SIPRI cho biết, do ngày càng có nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân, nên nguy cơ sử dụng những loại vũ khí đó ngày càng tăng.

 

“Đáng lo là ở chỗ các nước bắt đầu nhận thấy những loại vũ khí này có thể sử dụng được, trong khi dưới thời Chiến tranh lạnh họ xem chúng chỉ là vũ khí để ngăn chặn”, Ian Anthony, chuyên gia hạt nhân làm việc tại viện SIPRI cho biết.

 

Trong báo cáo năm nay, lần đầu tiên SIPRI coi CHDCND Triều Tiên là một trong những quốc gia hạt nhân của thế giới, do vụ thử hạt nhân dưới lòng đất của nước này hồi tháng 10 năm ngoái. Mặc dù chưa thể xác định rõ Bình Nhưỡng đã phát triển được vũ khí hạt nhân thực sự hay chưa, nhưng dựa vào kho plutonium viện này vẫn ước tính, Bình Nhưỡng có thể đã sản xuất khoảng 6 quả bom nguyên tử.

 

Iran cũng là một thành viên tiềm năng trong câu lạc bộ hạt nhân, nếu họ quyết định chuyển chương trình làm giàu uranium vì mục đích dân sự sang mục đích quân sự, Anthony nhận định. “Iran có thể xuất hiện trong danh sách này, nhưng ít nhất là 5 năm năm nữa”.

 

Các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan, và Ấn Độ đều đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, theo hầu hết các chuyên gia, Israel cũng đang sở hữu chúng.

 

Bản báo cáo còn ước tính đến đầu năm 2007 các cường quốc hạt nhân đã có 11.530 đầu đạn sẵn sàng phục vụ cho các tên lửa và máy bay. Riêng Nga và Mỹ chiếm hơn 90% trong số này: 5.614 đầu đạn đối với Nga, và Mỹ là 5.045.

 

Theo các thoả thuận song phương thì cả hai nước Nga và Mỹ đều đang cắt giảm kho vũ khí của mình, nhưng lại đang phát triển vũ khí mới để hiện đại hoá lực lượng quân đội. Anh, Pháp, cùng Trung Quốc cũng có kế hoạch triển khai các loại vũ khí mới.

 

Ấn Độ, Pakistan và Israel mỗi nước đều có hàng chục đầu đạn hạt nhân, nhưng được biết kho vũ khí của họ chỉ được triển khai một phần nào đó.

 

“Ấn Độ và Pakistan cả hai đều được cho là đang mở rộng khả năng tấn công hạt nhân của mình, trong khi Israel dường như đang đợi xem động thái của Iran sẽ như thế nào”, Viện nghiên cứu cho biết. 

 

Năm ngoái, Mỹ vẫn là nước chi tiêu cho quốc phòng lớn nhất thế giới, “mở hầu bao” khoảng 529 tỷ USD cho lực lượng quân sự của mình. Trong khi đó Trung Quốc vượt qua Nhật trở thành nước hào phóng chi cho quốc phòng hàng đầu của châu Á.

 

Sở dĩ Mỹ chi tiêu vượt con số 505 tỷ USD năm 2005 chủ yếu là do các “hoạt động quân sự tốn kém” ở Iraq, Afghnistan.  “Sự tăng vọt trong chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ đã là một trong những nhân tố gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế nước này kể từ năm 2001”, SIPRI nhận định.

 

Xét về ngân sách chi cho quốc phòng, sau Mỹ là Anh và Pháp. Trong khi đó Trung Quốc vươn lên vị trí thứ tư thế giới với gần 50 tỷ USD. Nhật xếp ở vị trí thứ năm với 43,7 tỷ USD.

 

Cũng theo SIPRI, Nga chi 34,7 tỷ USD cho quốc phòng và đã dùng nguồn tài nguyên năng lượng để lấy lại lòng tự tôn dân tộc, lấy lại ảnh hưởng đối với “các nước láng giềng và cực đại hoá sức mạnh địa lý – chính trị của mình”.

 

Việc mua bán vũ khí trên thế giới cũng không ngừng gia tăng kể từ năm 2002. Trung Quốc, Ấn Độ là hai nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ, Nga là hai nhà xuất khẩu chính.

 

5 nước thuộc Trung Đông cũng nằm trong top 10 nước nhập khẩu vũ khí. “Trong khi báo chí truyền thông tập trung vào những vụ vận chuyển vũ khí đến Iran, chủ yếu là từ Nga, thì các vụ vận chuyển từ Mỹ, tới các nước châu Âu, tới Israel, Ả rập Xê-út và tiểu các vương quốc Ả rập thống nhất đã tăng lên rất nhiều”, SIPRI tiết lộ.

 

Trang Thu

Theo AP