1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

ASEAN học được gì từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp?

(Dân trí) - Theo tờ Jakarta Post, cuộc khủng hoảng Hy Lạp không chỉ làm khó cho châu Âu mà còn là lời nhắc nhở cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào thời điểm hiệp hội đang tiến rất gần mục tiêu thành lập cộng đồng và hội nhập tiền tệ.

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đang là lời nhắc nhở cho ASEAN (Ảnh:
Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đang là lời nhắc nhở cho ASEAN (Ảnh: Agenda)

Trong bài viết đăng trên báo Jakarta Post số ra mới đây, tác giả Kiki Verico, thuộc Đại học Kinh tế Indonesia, đã đưa ra những nhận định sâu sắc về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp hiện nay, cũng như những bài học mà ASEAN có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng và khu vực đồng euro.

Theo tác giả, cuộc khủng hoảng Hy Lạp như một lời nhắc nhở cho ASEAN trong quá trình tiến tới hội nhập tiền tệ, rằng ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói chung luôn phải có sự cân bằng giữa lợi ích khu vực và quốc gia.

Đối với ASEAN, có ít nhất 5 bài học cốt lõi cần được rút ra từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp:

Thứ nhất, một liên minh tiền tệ chỉ hiệu quả nếu tỷ giá hối đoái của một nước có lạm phát cao được neo vào một loại tiền tệ lạm phát thấp, một cơ chế được gọi là lợi thế "buộc tay người".

Thứ hai, di chuyển lao động được sử dụng như một trong các yếu tố điều chỉnh trước những cú sốc tiền tệ. Thật không may, như đã thấy trong trường hợp gần đây của EU, người Hy Lạp thất nghiệp không thể tự do tìm việc ở các nước thành viên EU khác.

Thứ ba, mở cửa kinh tế. Tuy nhiên, một nền kinh tế mở hơn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, không có nghĩa sẽ giúp nền kinh tế ổn định hơn mà trên thực tế khiến nó tiếp xúc nhiều hơn với các cú sốc bên ngoài.

Thứ tư, tăng nguồn thu thuế tại quốc gia có nền kinh tế phát triển để cân bằng và dịch chuyển sang quốc gia có nền kinh tế đang trên đà suy thoái. Điều này sẽ khiến ngân sách chung của cả khu vực được cân bằng. Nhưng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, do khu vực bao gồm những quốc gia khác nhau với trình độ phát triển không đồng đều, thậm chí quá chênh lệch, chứ không chỉ đơn thuần là các tỉnh trong một nước.

Cuối cùng, cần phải có sự tương quan tích cực về hội nhập tiền tệ khu vực và các lĩnh vực khác để giảm chi phí điều chỉnh trước bất kỳ cuộc khủng hoảng tiền tệ nào. Đây là những vấn đề tương lai sắp tới của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong quá trình chuyển đổi ASEAN từ giai đoạn hội nhập cơ bản đến hội nhập tiền tệ.

Từ những bài học trên, các quốc gia thành viên trong ASEAN cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho một số hành động chiến lược trong cả ngắn hạn và dài hạn để ngăn chặn những tác động có thể xảy ra tương tự như cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đang gây ra cho Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) hiện nay.

Trong số các bước cần chuẩn bị, việc xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định để đảm bảo cho một thị trường tài chính năng động là yếu tố có tính quan trọng hàng đầu, nếu không muốn nói là quyết định, đối với sự phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.

Ngoài ra, các nước cũng cần dự đoán và ngăn ngừa bất ổn tài chính lây lan bằng cách xác định ưu tiên những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ khu vực, thay vì song phương. Việc nghiêm túc quản lý lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái ở mức an toàn cũng cần hết sức được chú trọng. 
 
Đức Vũ
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!