1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Áp lực "cơm áo gạo tiền" quá lớn, giới trẻ Trung Quốc ngại sinh con

Thanh Thành

(Dân trí) - Xu hướng người trẻ tuổi ngại sinh con vì áp lực "cơm áo gạo tiền" quá lớn đang khiến dân số già hóa và đặt ra thách thức lớn với một quốc gia được xem là công xưởng của thế giới như Trung Quốc.

Áp lực cơm áo gạo tiền quá lớn, giới trẻ Trung Quốc ngại sinh con - 1

Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đã giảm mạnh trong những năm gần đây (Ảnh: SCMP).

Giới trẻ Trung Quốc không quá bất ngờ khi số liệu thống kê mới công bố cho thấy đất nước của họ là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Trên thực tế, hầu hết đều hiểu xu hướng ngại sinh con ngày càng tăng ở Trung Quốc. Với những người trẻ và thế hệ Z (người sinh từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2000), việc sinh con đặt ra gánh nặng tài chính quá lớn. Vì vậy, hầu hết đều có quan điểm rằng, để duy trì chất lượng cuộc sống thì cần sinh ít con hoặc không sinh.

"Thành thật mà nói, tôi không muốn yêu đương, kết hôn và có con", Zhang Jie, một nhân viên kinh doanh 31 tuổi của một công ty thương mại tư nhân nhỏ cho biết. Zhang hiện sinh sống và làm việc ở Quảng Châu và vừa chia tay bạn gái sau 4 năm hẹn hò. "Với tầng lớp lao động như chúng tôi, việc nuôi dạy một đứa trẻ ở thành phố ngày càng vượt quá khả năng", anh nói thêm.

Bà ngoại của Zhang có 10 người con (sinh ra trong những năm 1950-1960). Đến thế hệ thứ 2, chỉ có người dì lớn của Zhang Jie sinh 3 người con vào những năm 1970, trong khi 9 người còn lại bị hạn chế bởi chính sách một con, được áp dụng từ năm 1979 đến năm 2015.

Và nay, trong số 11 anh em họ của Zhang, chỉ có hai người đã sinh 2 con, còn tất cả những người còn lại chỉ sinh một con, mặc dù chính phủ đã cho phép sinh 2 con. "Tôi thấy tất cả đều gặp áp lực "cơm áo gạo tiền" quá lớn, đều phải nhờ bố mẹ giúp chăm sóc con cái, xin tiền tiết kiệm của bố mẹ để mua sắm và thậm chí là cần trợ cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày", Zhang nói về những người anh em họ của mình.

"Nói thật, nhìn họ tôi sợ hôn nhân chứ đừng nói đến chuyện có con. Đó là lý do tôi và bạn gái chia tay", Zhang nói thêm.

Câu chuyện trên phản ánh rõ ràng quan điểm sống của nhiều người trẻ Trung Quốc hiện nay với việc kết hôn và sinh con. Theo kết quả điều tra dân số lần thứ 7 (tiến hành vào năm 2020) mới được công bố, trong năm 2020, có 12 triệu trẻ được sinh ra ở nước này, giảm so với con số 14,65 triệu vào năm 2019, đánh dấu mức giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 thập niên qua. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc cũng giảm xuống còn 1,3 trẻ em/phụ nữ, thậm chí còn thấp hơn của Nhật Bản (1,369 vào năm 2020).

Tình trạng đô thị hóa, với chi phí sinh hoạt cao ở các thành phố cùng với tỷ lệ nợ cá nhân cao được xem là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ ngại có con. Những bài viết về gánh nặng tài chính và những thách thức liên quan đến việc sinh con luôn tràn ngập mỗi ngày trên các mạng xã hội của Trung Quốc. Hệ quả thực tế là tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc năm ngoái đã giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 8,13 triệu người.

Theo một cuộc khảo sát mới nhất của HSBC vào năm 2019, tỷ lệ nợ trên thu nhập của thanh niên Trung Quốc sinh trong những năm 1990 lên mức đáng kinh ngạc 1.850%. Ngay cả ở các vùng nông thôn, nhiều người gặp khó khăn trong việc nuôi dạy một đứa trẻ với mức thu nhập trung bình ở địa phương.

"Hầu hết bạn bè của tôi vẫn độc thân và sống ở các thành phố hạng nhất", Stela Peng, ngoài 30 tuổi, một phụ nữ sống ở Thâm Quyến, cho biết. "Phải nói thẳng rằng, chúng tôi không quan tâm đến vấn đề dân số già hóa vì chúng tôi vẫn có rất nhiều khoản vay phải trả hàng tháng, và đây thực sự là biện pháp tránh thai hiệu quả nhất".

Dân số Trung Quốc đang già hóa với tốc độ chưa từng có do chính sách một con. Điều tra dân số năm 2020 cho thấy, số người trong độ tuổi lao động (15-59) lại giảm gần 7% trong khi số người già trên 60 tuổi tăng hơn 5% và hiện chiếm 18,7% dân số. Năm 2050, dự báo, sẽ có hơn 500 triệu người từ 60 tuổi trở lên, dự kiến chiếm gần 1/3 tổng dân số dự kiến vào thời điểm đó. Tỷ lệ sinh chậm và dân số già hóa thật sự dẫn đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.