1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là trụ cột của Chính sách Hướng Đông

(Dân trí) - Tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj khẳng định, khẳng định Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là một trong những trụ cột của Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.

Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là trụ cột của Chính sách Hướng Đông

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj trước buổi hội đàm

Tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vào sáng nay 25/8/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj khẳng định, chính phủ mới của Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là một trong những trụ cột của Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-26/8/2014, theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược với Ấn Độ; ủng hộ chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và việc Ấn Độ tăng cường kết nối với khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; khẳng định Chính phủ mới của Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là một trong những trụ cột của Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.

Hai bên bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước trong thời gian qua, nhất là trên các lĩnh vực trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược như chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ và văn hóa giáo dục.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể như thương mại, nông nghiệp, ngân hàng, quốc phòng an ninh, thương mại, du lịch…phấn đấu đưa kim ngạch thương mại đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020.

Tổng thống Ấn Độ sắp thăm Việt Nam

Trong cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Phía Việt Nam hoan nghênh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam sắp tới của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.

Hai bên cũng nhất trí cần phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hóa, giáo dục, Đối thoại An ninh - Quốc phòng và Tham khảo Chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước, Tiểu ban hỗn hợp thương mại, Tiểu ban hợp tác về khoa học công nghệ, Nhóm công tác chung về giáo dục đào tạo và công nghệ thông tin...

Tại buổi hội đàm, hai bên cũng trao đổi vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm

Tại buổi hội đàm, hai bên cũng trao đổi vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm

Hai bên cam kết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư trên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Việt Nam hoan nghênh các công ty và doanh nghiệp Ấn Độ sang hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như năng lượng, thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp chế biến, xây dựng, dược phẩm. Hai bên hoan nghênh hàng hãng không Ấn Độ Jet Airways dự kiến mở đường bay thẳng giữa hai nước vào tháng 11 năm 2014 và cho rằng việc mở đường bay thẳng giữa hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch.

Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; khẳng định tiếp tục phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như hợp tác ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Việt Nam và Ấn Độ cũng trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông; nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS-1982), thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, sớm xây dựng và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử COC. Việt Nam đánh giá cao việc Ấn Độ khẳng định tiếp tục hợp tác lâu dài về thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã đồng chủ trì khai mạc Hội thảo Mạng lưới học giả ASEAN - Ấn Độ tổ chức tại Hà Nội.

Nam Hằng