1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

9 năm sau cuộc chiến - Mỹ để lại bãi lầy ở Afghanistan

(Dân trí) - Ngày 7/10/2001, Mỹ và Anh phát động cuộc chiến Afghanistan. Nhưng sau đúng 9 năm, rất ít người Afghanistan nhớ hay bận tâm để ngày kỷ niệm cuộc chiến này, cho dù nó đã mang đến những thay đổi cho cuộc sống nhiều người - cả tốt hơn hay tồi tệ hơn.

 
9 năm sau cuộc chiến - Mỹ để lại bãi lầy ở Afghanistan  - 1
Một binh sĩ Mỹ chuẩn bị đi tuần tại tỉnh Kandahar, Afghanistan.
 
Hôm qua, không buổi lễ nào được chính quyền Afghanistan tổ chức. Báo chí địa phương đưa vài dòng tin ngắn về những gì đã xảy ra 9 năm qua, trong đó có cả những nỗ lực của Hội đồng Hòa bình tìm kiếm hòa giải với Taliban - lực lượng đã nắm quyền kiểm soát đất nước trước khi xảy ra cuộc chiến.

Trong mắt vài người dân địa phương, đất nước bị chiến tranh tàn phá ghê gớm này cũng có những dấu hiệu nào đó về sự cải thiện, gần 9 năm sau khi tiến trình tái thiết được khởi động. Trong khu thương mại ở thủ đô Kabul, Sayed Jalah đứng sau một quầy hàng may. “Gần chục năm trước, tôi đã rời Afghanistan đến Pakistan để lánh nạn”, Jalah nói. “Năm 2004, tôi về nước và 2 năm trước đây đã lần đầu tiên trong đời mở được một quầy hàng như thế này. Nhưng thực ra, tôi cũng không nhớ ngày kỷ niệm chiến tranh”.

Không phải người Afghanistan nào cũng được sống cuộc sống tốt hơn sau 9 năm binh đao. Với nhiều người, giờ đây mỗi ngày trôi qua với họ càng tồi tệ hơn. Trong một khu phố bẩn thỉu ở phía tây ngoại ô Kabul, người bán hàng rong tên Nayem nói: “Taliban đã bị lật đổ. Gần 10 năm qua, tôi chẳng thấy có bất kỳ dấu hiệu đổi thay tích cực nào ở nước tôi”.

Xung đột vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi. Tại tây Kabul, khoảng 800 gia đình tản cư từ các tỉnh miền nam Helmand và Kandahar vẫn phải sống trong khu lều trại ngập bùn, không cửa sổ và đồ dùng, gần 3 năm qua. “Chiến tranh đẩy chúng tôi đến chỗ bần cùng. Các chiến dịch hiện tại của NATO ở miền nam chẳng mang lại chút hòa bình nào. Nếu con cái tôi bị giết hại trong các vụ ném bom của NATO thì tất nhiên một ngày nào đó tôi sẽ giam nhập Taliban. Cuộc chiến này chẳng thể gọi là chiến thắng nếu trước tiên không tách được những phiến quân ra khỏi cộng đồng dân cư”, Khoja, một cựu cư dân của Kandahar nói.

Bãi lầy với Mỹ

Mỗi năm, Mỹ phải chi khoảng 100 tỷ USD cho cuộc chiến ở Afghanistan, nhưng theo một số chuyên gia, trong 9 năm qua, Mỹ đang tạo ra nhiều kẻ thù hơn bè vì cuộc chiến này.

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 9, các cựu quan chức cao cấp, học giả và các nhà phân tích chính sách thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cho rằng những nỗ lực "xây dựng đất nước" ở Afghanistan của chính quyền Mỹ đã tiêu tốn quá nhiều máu và tiền bạc của người Mỹ và dù mọi việc ra sao thì "triển vọng thành công là mờ nhạt".

Chiến lược của Mỹ là dùng quân đội để tiễu trừ Taliban và giúp Afghanistan xây dựng một chính phủ có thể quản trị được vùng đất đã được dọn sạch. Tuy nhiên, thực tế là lực lượng nổi dậy tuy đã bị thu hẹp và ít được lòng dân hơn, nhưng vẫn đang mở rộng tới nhiều khu vực, nơi mà quyền lực của chính quyền chưa được củng cố. Quân nổi dậy nay đã biết né tránh những trận đánh có nhiều nguy cơ thất bại. Thay vào đó, họ chui sâu vào chính quyền, tạo dựng “chính quyền bóng” và tăng cường quan hệ với các phong trào cực đoan ở Pakistan, al-Qaeda và nhiều tổ chức khác ở nước ngoài.

Còn chiếc lược của Mỹ xây dựng một chính phủ có đủ năng lực và chính đáng ở Cabun, thì chính phủ của ông Karzai không đáp ứng được cả hai tiêu chí đó. Hiện có tới 40% viện trợ của quốc tế "chui vào túi" các quan chức tham nhũng và những kẻ ăn chặn. Trong nhiều trường hợp, tiền viện trợ đang gây thiệt hại, hơn là có lợi, vì nó làm mất uy tín của chính quyền và giảm niềm tin của quốc tế. Bất chấp thông tin mới đây nói rằng đã phát hiện ra mỏ khoáng sản trị giá 1.000 tỷ USD ở Afghanistan, Chính phủ Afghanistan hiện chưa có đủ tiền để trả lương cho quân đội.

Trong khi đó, các hoạt động trồng cây thuốc phiện tràn lan ở Afghanistan đã biến nước này thành “nguồn”cung cấp tới 90% lượng heroin của thế giới. Xung đột bè phái triền miên khiến nước này dường như rất ít ngày không có tin bạo lực.

Obama có kế hoạch xem xét lại chiến lược Afghanistan vào cuối năm nay và đã cam kết bắt đầu rút quân Mỹ từ tháng 7/2011. Mặc dù các quan chức chính quyền Mỹ luôn khẳng định rằng việc rút quân sẽ diễn ra từ từ và dựa trên các điều kiện an ninh trên thực địa, nhưng thời hạn rút quân đã khiến các quan chức Afghanistan bối rối về cam kết của phương Tây, bất chấp những đảm bảo rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không bỏ rơi Afghanistan.

Dư luận Mỹ cho rằng gần mười năm đã trôi qua, tiền bạc và máu xương của hàng nghìn người để lại tình thế hiện nay là Mỹ không thua Taliban và al-Qaeda, song cũng không thể nói là thắng các lực lượng cực đoan và khủng bố này. Điều đó giúp chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trên thế giới sẽ càng phát triển. Các lực lượng cực đoan ở Pakistan sẽ ăn mừng vì sự sa lầy của Mỹ tại Afghanistan và tăng cường vị thế của chúng ở nước này. Sự có mặt của Mỹ có thể là bức tường thành chống lực lượng cực đoan, song nó cũng đồng nghĩa với việc Mỹ càng ở lại lâu, Pakistan càng trở nên cực đoan.

Với số quân Mỹ lên tới gần 100.000 người, cuộc chiến Afghanistan đang bước vào giai đoạn quyết định. Nếu không có những tiến bộ rõ ràng trong những tháng tới, sự ủng hộ chính trị đối với cuộc chiến này có thể sụp đổ.

Những dốc mốc đáng nhớ về cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan:

- Ngày 7/10/2001: Liên quân do Mỹ cầm đầu phát động cuộc chiến tranh tại Afghanistan, sau khi Taliban cầm quyền từ chối việc giao nộp thủ lĩnh Osama bin Laden của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

- Ngày 9/10/Năm 2004: Afghanistan tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên thời hậu Taliban. Ông Hamid Karzai giành thắng lợi với 55% số phiếu bầu.

- Tháng 4/2006: Số lượng binh sĩ Mỹ tại Afghanistan đạt mức kỉ lục mới là 23.300 quân để tham gia các chiến dịch truy quét Taliban.

- Tháng 11/2008: Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến tại Iraq và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan.

- Tháng 2/2009: Mỹ công bố việc triển khai thêm 17.000 quân tại Afghanistan, một quyết định mà Obama gọi là “khó khăn nhất kể từ lúc bước chân vào Nhà Trắng”, đưa tổng số lực lượng quốc tế tại đây lên 75.000 quân.

- Tháng 3/2010: Hạ viện Mỹ nói "không" với dự luật yêu cầu Tổng thống Barack Obama rút toàn bộ lính Mỹ tại Afghanistan về nước.

Hà Khoa
Tổng hợp