1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng con tin trên sa mạc Sahara :

30 người nước ngoài chưa rõ tung tích, các nước “ngồi trên đống lửa”

(Dân trí) - Hàng trăm con tin đã được giải thoát khỏi các phiến quân tại một nhà máy khí đốt, nhưng khoảng 30 người nước ngoài hiện vẫn chưa rõ tung tích, truyền thông nhà nước Algeria đưa tin.

Ảnh vệ tinh chụp nhà máy khí đốt tại Amenas Gas, nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố.

Ảnh vệ tinh chụp nhà máy khí đốt tại Amenas Gas, nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố.
 
Theo hãng thông tấn APS, 573 người Algeria và khoảng 100 trong tổng số 132 nhân viên nước ngoài đã được giải thoát khỏi nhà máy khí đốt In Amenas, phía đông Algeria.

Các phiến quân hiện vẫn ẩn náu tại khu vực, APS cho biết. Khoảng 10 người Anh được tin là vẫn đang bị bắt.

Theo APS, 12 công nhân - gồm cả người Algeria và các công dân nước ngoài - đã thiệt mạng kể từ khi chiến dịch giải cứu bắt đầu hôm thứ Năm. 18 kẻ bắt cóc con tin đã bị tiêu diệt.

Bộ ngoại giao Mỹ xác nhận một con tin nước này, Frederick Buttaccio, đã thiệt mạng trong cuộc giải cứu, nhưng không cho biết các thông tin chi tiết.

Trước đó, APS đưa ra một con số ít chính xác hơn về các nhân nước ngoài được tự do, cho biết, hơn nửa trong tổng số 132 người đã được giải cứu.

Một nguồn tin an ninh nói với hãng tin APS rằng lực lượng đặc nhiệm Algeria đang tìm kiếm một “cái kết hoà bình” cho cuộc khủng hoảng.

Nhà máy khí đốt đã bị cho ngừng hoạt động để tránh nguy cơ phát nổ, APS đưa tin.

Các nước “ngồi trên đống lửa”
 
Một số con tin vui mừng sau khi được phóng thích.
Một số con tin vui mừng sau khi được phóng thích.
 
Một loạt quốc gia có các công dân bị bắt giữ đã bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng con tin tại Algeria. Cho tới nay, các nước này vẫn không có được thông tin chính xác, thống nhất về số công dân của họ bị bắt cóc, về chiến dịch giải cứu của quân đội.

Bộ ngoại giao Anh từ chối xác nhận con số mới nhất từ Algeria nói rằng khoảng 100 trong tổng số 132 con tin nước ngoài đã được giải cứu.

Nhật Bản và Na Uy đều cho biết họ có các công dân bị mất tích trong cuộc khủng hoảng. Các quan chức của vài nước, gồm Nhật Bản, Na Uy, Ireland, Mỹ và Áo xác nhận một số công dân của họ đã cố gắng trốn thoát.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói giới chức Algeria đã thông báo với ông rằng một công dân Pháp, Yann Desjeux, đã thiệt mạng trong chiến dịch của quân đội, và 3 người khác đã được giải cứu.

Thủ tướng Anh David Cameron nói trước quốc hội rằng ông được người đồng cấp Algeria Abdelmalek Sellal cho biết là địa điểm bắt cóc là một khu vực rộng và quân đội “vẫn đang truy tìm các phần tử khủng bố và có thể là một số con tin”.

Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton phát biểu trước báo giới rằng trong quá trình xử lý cuộc khủng hoảng, Algeria phải vô cùng cẩn trọng để bảo vệ mạng sống của những người vô tội.

“Trao đổi tù nhân”

Vào sáng 18/1, một phát ngôn viên cho nhóm được tin là đứng sau vụ tấn công nói với hãng tin ANI của Mauritania - từng nhận được vài thông điệp từ các phiến quân trước đó - rằng nhóm sẽ tiến hành các chiến dịch khác.

Giới chức Algeria cho hay nhóm phiến quân hoạt động theo lệnh của Mokhtar Belmokhtar, từng là một chỉ huy hàng đầu của nhóm "al-Qaeda Hồi giáo Maghreb" (AQIM) cho tới tận cuối năm ngoái.

ANI dẫn các nguồn tin là nhóm Belmokhtar nói rằng chúng muốn trao đổi các con tin Mỹ để đổi lấy 2 tù nhân hiện đang bị giam giữ tại Mỹ.

2 tù nhân là Sheikh Omar Abdel-Rahma, người Ai Cập, bị kết án vì tham gia vụ đánh bom Trung tâm thương mại thế giới tại New York năm 1993, và nhà khoa học Pakistan Aafia Siddiqui, người bị kết tội vào năm 2010 vì âm mưu sát hại các quân nhân Mỹ.

Một tuyên bố trước đó được cho là của những kẻ bắt cóc nói rằng vụ tấn công là nhằm để trả đũa cho sự can thiệp quân sự của Pháp vào Mali, quốc gia láng giềng của Algeria.

Vụ tấn công khủng bố và bắt cóc con tin bắt đầu từ sáng sớm ngày 16/1. Nhà máy này do công ty dầu mỏ quốc gia Sonatrach của Algeria, cùng hãng BP (Anh) và Statoil (Na Uy) vận hành. Nhà máy nằm trên sa mạc Sahara, cách thủ đô Algiers khoảng 1.300km về phía đông nam, và cách biên giới Libya khoảng 60km.

Hãng BP cho hay hàng trăm nhân viên từ các công ty dầu mỏ nước ngoài đã được sơ tán khỏi Algeria vào hôm qua và dự kiến các vụ sơ tán sẽ còn tiếp tục.
 

Diễn biến vụ khủng hoảng con tin ở Algeria:

1. Vụ tấn công xe buýt: Vào khoảng 5h sáng ngày 16/1, các tay súng vũ trang hạng nặng đã tấn công 2 chiếc xe buýt chở công nhân nhà máy khí đốt đang đi về hướng sân bay In Amenas. Một người Anh và một người Algeria đã thiệt mạng trong vụ tấn công.

2. Các con tin bị bắt giữ: Các phiến quân sau đó đã tới nhà máy khí đốt ở Tigantourine, bắt giữ các nhân viên người Algeria và người nước ngoài làm con tin tại khu nhà ở và khu vực sản xuất khí đốt chính của nhà máy.

3. Quân đội bao vây khu vực: Các lực lượng an ninh và quân đội Algeria đã bao vây những kẻ bắt cóc. Các lãnh đạo phương Tây, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameron, đề nghị phía Algeria tham khảo họ trước khi hành động.

4. Quân đội tấn công: Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 17/2, các lực lượng Algeria đã tấn công khi nhóm phiến quân cố gắng đưa một số con tin ra khỏi nhà máy. Các nguồn tin cho biết một số con tin đã trốn thoát, nhưng một số các đã thiệt mạng.

5. Đối phó: Thông tin chi tiết về việc liệu cuộc khủng hoảng đã được giải quyết hay chưa hiện chưa rõ. Phía Algeria nói họ vẫn đang truy lùng các phiến quân. 

An Bình
Theo BBC