1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

200 giờ, 15 dự thảo: Đằng sau nỗ lực ra tuyên bố chung của G20

Minh Phương

(Dân trí) - Bất chấp bất đồng về một số vấn đề, trong đó có xung đột Nga - Ukraine, các lãnh đạo G20 cuối cùng vẫn đưa ra một tuyên bố chung vào phút chót tại hội nghị thượng đỉnh ở Ấn Độ cuối tuần qua.

200 giờ, 15 dự thảo: Đằng sau nỗ lực ra tuyên bố chung của G20 - 1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: AFP).

Sau hơn hàng trăm giờ đàm phán, tối 8/9, đại diện các quốc gia giàu nhất thế giới phải đối mặt với một lựa chọn: Chấp nhận ngôn từ nhẹ nhàng hơn về Ukraine trong tuyên bố cuối cùng của G20, hoặc không có tuyên bố nào cả. Cuối cùng, họ đã lựa chọn phương án một tuyên bố ôn hòa để tránh rạn nứt nội bộ.

Với lựa chọn này, thay vì chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, G20 kêu gọi tôn trọng toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của các nước và nỗ lực xây dựng hòa bình. Ngoài ra, tuyên bố chung cũng đề cập đến những vấn đề quan trọng như an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu.

Theo một quan chức giấu tên của Ấn Độ, đây là kết quả của hơn 200 giờ đàm phán, 300 cuộc gặp song phương và 15 bản dự thảo khác nhau. Một số đại diện G20 bày tỏ nghi ngại về việc đưa những ngôn ngữ chỉ trích tương tự tuyên bố của G20 tại hội nghị năm ngoái ở Indonesia.

Các nhà ngoại giao liên quan cho biết, tranh cãi về cuộc khủng hoảng Ukraine là phần phức tạp nhất trong những cuộc thảo luận. Trong đó, ở một số phiên thảo luận, bản dự thảo tuyên bố chung thậm chí không đề cập đến vấn đề này.

Đến những ngày cận kề hội nghị thượng đỉnh, các đại diện G20 mới dần thống nhất quan điểm rằng ngôn từ của tuyên bố chung năm nay sẽ không giống của năm ngoái.

Chỉ đến nửa đêm 8/9, các nhà ngoại giao thừa nhận rằng một tuyên bố chung với ngôn từ ôn hòa là lựa chọn duy nhất, tốt hơn không có tuyên bố chung nào.

Ngoài ra, ở hậu trường, các đại diện G20 cũng nhận thức được tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đối với việc nâng tầm vị thế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh mà không có tuyên bố sẽ gây thất vọng lớn. Trong 15 năm qua, không có hội nghị thượng đỉnh G20 nào kết thúc mà không có tuyên bố chung.

Amitabh Kant, một quan chức Ấn Độ, cho biết đã có "100% đại diện G20 đồng thuận" đối với tất cả 83 đoạn trong tuyên bố chung.

Theo đó, các đoạn về xung đột Nga - Ukraine thừa nhận "những quan điểm và đánh giá khác nhau" của các thành viên G20 đối với cuộc xung đột.

Tuy nhiên, tuyên bố nhấn mạnh quan điểm chung rằng: "Tất cả các quốc gia phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm cách kiểm soát các vùng lãnh thổ chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào".

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định", tuyên bố nêu rõ.

Tuyên bố cho biết thêm: "Chúng tôi hoan nghênh tất cả sáng kiến có liên quan và mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được".

Ngoài ra, tuyên bố chung kêu gọi Nga, Ukraine khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Ukraine cho rằng tuyên bố chung "không có gì đáng tự hào". Trong khi đó, Nga nhận định tuyên bố chung của G20 phản ánh cân bằng mọi khía cạnh.

Theo Deccan Heral