1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

20 sự thật về Albert Einstein (1)

(Dân trí) - Einstein là một cậu bé chậm phát triển, mắc chứng tự kỷ, từng thi trượt toán, suy nghĩ bằng hình ảnh thay vì bằng lời nói… Đó có phải là một số sự thật về người đàn ông được mệnh danh là thông thái nhất thế giới? Tất cả đã được tiết lộ trong cuốn sách “Einstein: Cuộc đời và Vũ trụ” của Walter Isaacson.

 

 

 

 

  1. Einstein là một cậu bé chậm nói?

20 sự thật về Albert Einstein (1) - 1

Albert Einstein ngày bé và em gái Maja

Einstein là đứa trẻ chậm biết nói. Thậm chí bố mẹ ông còn phải đưa ông đi khám. “Bố mẹ tôi đã lo sợ đến mức họ phải tham khảo ý kiến của bác sỹ” – Einstein sau này nhớ lại. Thậm chí lúc khoảng hai tuổi, khi ông bắt đầu biết nói một số từ, ông có một tật xấu khiến người hầu trong gia đình gọi ông là “thằng đần”. Bất kỳ khi nào muốn nói điều gì đó, ông sẽ phải tự nói thử trước, bằng cách lẩm bẩm một mình cho đến khi nghe ổn đã. “Mỗi câu anh ấy nói ra, dù đã nói bao nhiêu lần rồi, anh ấy đều tự nhẩm đi nhẩm lại trước.” – Em gái của Einstein nhớ lại. “Anh ấy nói khó khăn đến nỗi mọi người chung quanh đều sợ rằng anh ấy sẽ không bao giờ học được.”

 

Ngoài ra Einstein còn có thái độ rất ngỗ ngược với các nhà chức trách. Có lần một thầy hiệu trưởng đã tống cổ ông ra khỏi trường vì ngỗ ngược và chậm hiểu. Nhưng chính những điều đó đã làm nên một Einstein thiên tài. Thái độ bướng bỉnh của ông với các nhà chức trách khiến ông đưa ra những câu hỏi rất thông minh; cũng như việc chậm nói đã làm ông không ngừng tò mò về những điều hết sức bình thường, như không gian và thời gian, những thứ mà người lớn luôn coi là điều dĩ nhiên phải biết. Lên năm tuổi, cha ông đưa cho ông một cái la bàn, và kể từ đó cho đến hết cuộc đời mình ông luôn luôn băn khoăn về đặc điểm của từ trường.

 

  1. Einstein mắc chứng tự kỷ?

Một số nhà nghiên cứu cho rằng thời nhỏ Einstein mắc chứng tự kỷ. Chính Simon Baron-Cohen, giám đốc trung tâm nghiên cứu chứng tự kỷ ở Đại học Cmabridge là một trong số đó. Ông cho rằng chứng tự kỷ liên quan đến “xu hướng hệ thống hoá rất cao và xu hướng đồng cảm đặc biệt kém”. Ông chỉ ra rằng chính xu hướng đó “giải thích cho khả năng đặc biệt giỏi ở những môn như toán học, âm nhạc và hội hoạ của người mắc chứng tự kỷ. Tất cả những lĩnh vực trên đều cần đến khả năng hệ thống hoá cao.”

 

Tuy nhiên, từ khi còn nhỏ, Einstein đã kết thân với nhiều bạn, có những mối quan hệ sâu sắc, thích tán gẫu, và giao tiếp tốt bằng lời nói với mọi người cũng như biết đồng cảm với bạn bè hay con người nói chung.

 

  1. Einstein thi trượt toán?

20 sự thật về Albert Einstein (1) - 2

Nhiều người đến nay vẫn đinh ninh rằng khi còn đi học Einstein từng thi trượt môn toán. Nếu tìm kiếm trên Google với từ khoá Einstein failed math, thì có tới hơn 5.000 mục tham khảo. Thậm chí, thông tin trên còn là tiền để tạo nên mục “Tin hay không tin của Ripley” nổi tiếng trên báo.

 

Năm 1935, một giáo sỹ Do thái ở Princeton đưa cho ông xem mục của Ripley với dòng chữ “nhà toán học vĩ đại nhất đã trượt môn toán.” Einstein đã cười lớn: “Tôi chưa bao giờ thi trượt môn toán cả. Trước 15 tuổi, tôi đã thành thạo những phép tính vi phân và tích phân.” Ở trường tiểu học, ông luôn đứng đầu lớp và luôn “học vượt quá yêu cầu của trường” đối với môn toán học. Lên 12 tuổi, em gái của ông nhớ lại, “Einstein đã thích giải những vấn đề khó trong môn số học ứng dụng.” Và Einstein đã quyết định tự học hình học và đại số trước. Cha mẹ Einstein đã mua trước sách cho ông để ông có thể học trong dịp nghỉ hè. Không những ông học được những mệnh đề trong những cuốn sách đó mà còn cố gắng tự chứng minh những định lý mới. Thậm chí ông còn tự đưa ra cách chứng minh riêng cho định lý Pitago. 

 

  1. Einstein nghĩ bằng hình ảnh nhiều hơn là bằng lời nói?

20 sự thật về Albert Einstein (1) - 3

Đúng như vậy. Các phát minh vĩ đại của ông đều có được nhờ những thí nghiệm tưởng tượng trong đầu ông, chứ không phải là ở trong phòng thí nghiệm. Người ta gọi đó là Gedankenexperiment – tư duy phi kinh nghiệm. Mới 16 tuổi, ông đã cố gắng tưởng tượng trong đầu óc rằng mình sẽ như thế nào nếu đi dọc theo một đường ánh sáng? Nếu đuổi kịp tốc độ của ánh sáng thì liệu sóng ánh sáng có đứng yên so với con người? Nhưng phương trình nổi tiếng của Maxwell mô tả sóng điện từ lại không cho phép điều đó. Einstein biết toán học là ngôn ngữ dùng để diễn tả những điều kỳ diệu của tự nhiên. Vì vậy ông có thể hình dung rõ các phương trình được phản chiếu trong thực tế như thế nào. Và 10 năm sau đó, ông đã nung nấu với thí nghiệm trong đầu mình cho đến ngày đưa ra thuyết tương đối hẹp.

5.      Einstein đã sử dụng bức tranh ý nghĩ nào cho thuyết tương đối hẹp?

20 sự thật về Albert Einstein (1) - 4

Einstein thăm đài quan sát Mount Wilson, nơi có chiếc kính viễn vọng lớn nhất thế giới thời bấy giờ.

Cùng với những thứ khác, Einstein đã tưởng tượng sét đánh ở hai đầu của một con tàu đang chuyển động. Một người ở cạnh đường tàu có thể nhìn thấy tia chớp đánh ở hai đầu của đoàn tàu cùng một lúc. Nhưng ai đó ở trên con tàu lại thấy chúng có vẻ như xảy ra ở hai thời điểm khác nhau. Do con tàu đang chuyển động nhanh về phía trước nên ánh chớp đánh ở phía trước con tàu sẽ tiến đến người đó trước khi ánh chớp đánh ở phía sau con tàu. Từ đó, ông nhận ra rằng tính đồng thời liên quan đến vị trí của người quan sát. Và cũng từ đó ông nảy ra ý tưởng rằng không có cái gọi là thời gian tuyệt đối. Thời hẹp ra đời.

 

  1. Thí nghiệm bằng suy nghĩ nào đã đưa Einstein đến với thuyết tương đối rộng?

20 sự thật về Albert Einstein (1) - 5

Ông tưởng tượng một người đàn ông rơi tự do. Để biết người đó nhìn thấy gì, hãy tưởng tượng một người ở trong một buồng thang máy đóng kín đang chạy xuống dưới. Anh ta sẽ bay lơ lửng trong buồng thang máy và bất kỳ thứ gì anh ta lôi ở trong túi ra và đánh rơi cũng trôi nổi tự do cạnh anh ta, giống như anh ta đứng im trong một phòng đóng kín, không trọng lực ở ngoài không gian vậy.

 

Mặt khác, hãy tưởng tượng một người phụ nữ ở trong một phòng đóng kín, đang rảo bước vào không gian, không có trọng lực. Cô sẽ có cảm giác bị kéo xuống sàn nhà, thể như cô bị hút bởi trọng lực vậy. Từ suy nghĩ về sự cân bằng giữa trọng lực và gia tốc, Einstein đã xây dựng nên thuyết tương đối chung.

7.      Có bức tranh ý nghĩ nào miêu tả kết luận của Einstein về thuyết tương đối rộng?

20 sự thật về Albert Einstein (1) - 6

Ông chỉ ra rằng, lực hấp dẫn là kết quả của việc thời gian và không gian bị bẻ cong. Nó có thể được miêu tả bằng thí nghiệm tưởng tượng sau. Hãy tượng tượng sẽ ra sao nếu lăn một quả bóng bowling lên trên bề mặt hai chiều của một tấm bạt lò xo. Khi chuyển động, nó sẽ làm cong tấm bạt. Sau đó lăn một vài quả bóng bi-a. Chúng chuyển động về phía quả bóng bowling không phải vì quả bóng bowling có một lực hấp dẫn bí ẩn nào đó, mà vì đường cong nó tạo ra trên tấm bạt lò xo. Và giờ hãy tưởng tượng điều này xảy ra ở tấm bạt bốn chiều của không gian và thời gian. Không dễ chút nào. Nhưng đó là điều chúng ta không thể, Einstein có thể.

 

*Còn tiếp

 

Nguyên Hạ

Theo Time

Dòng sự kiện: Einstein