1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Người mẹ “chiến binh” đã đầu hàng trước căn bệnh ung thư máu

(Dân trí) - Phát hiện căn bệnh ung thư máu khi đang có thai ở tuần thứ 26, chị Hảo vẫn kiên cường chịu đựng cố giữ bằng được con lâu nhất có thể, mặc dù biết tính mạng của mình đang bị đe dọa. Từng ngày, từng ngày, người mẹ ấy đã gắng sống vì con nhưng căn bệnh quá hiểm nghèo chị đã mãi mãi ra đi bỏ lại 2 đứa con thơ dại chưa biết gì.

Tôi gọi chị là người mẹ “chiến binh” bởi sức chiến đấu và chịu đựng phi thường. Người phụ nữ ấy là Nông Thị Hảo – nhân vật trong bài viết: “Xót thương cảnh mẹ ung thư máu, con sinh non bị suy hô hấp” đăng trên báo điện tử Dân trí cách đây 2 năm. Khi đang mang thai bé Ngọc Lâm ở tuần thứ 26 thì chị bất ngờ phát hiện mình bị ung thư máu. Sức khỏe suy kiệt ở mức báo động, những cơn đau hành hạ đủ sức quật ngã chị ngay thời điểm đó nhưng chị đã từ chối điều trị, kiên cường chịu đựng tất cả với mục đích giữ được con.

Chị Hảo những ngày đầu khi biết mình bị ung thư máu khi đang có thai ở tuần thứ 26.
Chị Hảo những ngày đầu khi biết mình bị ung thư máu khi đang có thai ở tuần thứ 26.
Bé Ngọc Lâm chào đời ở tuần thứ 30 khi chị đã bước 1 chân sang bên kia địa ngục.
Bé Ngọc Lâm chào đời ở tuần thứ 30 khi chị đã bước 1 chân sang bên kia địa ngục.

“Tại thời điểm đó em cũng bối rối lắm vì con mới 26 tuần, buộc phải sinh ra thì khả năng sống thấp, mà giữ con lại thì tính mạng của mẹ có thể mất bất cứ lúc nào. Nhưng chính cô ấy đã động viên lại em và bảo em yên tâm, linh tính của người mẹ cho cô ấy biết cô ấy sẽ giữ được con an toàn” – Anh Dương Ngọc Tùng, chồng chị Hảo nghẹn ngào nhớ lại.

Sinh con xong, chị bắt đầu vào điều trị căn bệnh ung thư máu tại Viện huyết học truyền máu TW.
Sinh con xong, chị bắt đầu vào điều trị căn bệnh ung thư máu tại Viện huyết học truyền máu TW.

Với quyết tâm sẽ sinh con ra an toàn, những ngày sau đó với chị Hảo không khác gì bị “tra tấn” bởi những cơn đau kinh hoàng liên tiếp dội xuống. Cắn răng chịu đựng được đến tuần thứ 30 thì chị buộc phải mổ sinh con bởi chỉ cần 1 tích tắc nữa thôi căn bệnh ung thư sẽ cướp chị đi mất.

Được sự hỗ trợ của các bác sĩ, ca sinh con của chị Hảo được diễn ra trong những phút giây thấp thỏm, lo âu và cả những cái nghẹt thở, đợi chờ. Bé Ngọc Lâm chào đời sau đó được chuyển gấp sang khoa Nhi- bệnh viện Bạch Mai bởi sinh non và suy hô hấp, còn mẹ nhanh chóng phải vào điều trị theo phác đồ của Viện huyết học và truyền máu TW. Tại thời điểm đó, bệnh tình của chị Hảo được xác định bị Lơ xê mi cấp thể M4 trên nền bệnh nhân bị Thalassaemia nên việc điều trị càng phức tạp và tốn kém hơn.

Suốt 2 năm dài chiến đấu, chị Hảo nhìn 2 con để cố gắng, vượt qua từng ngày.
Suốt 2 năm dài chiến đấu, chị Hảo nhìn 2 con để cố gắng, vượt qua từng ngày.
Ngọc Lâm từ khi sinh ra gần như phải xa mẹ vì mẹ phải đi bệnh viện.
Ngọc Lâm từ khi sinh ra gần như phải xa mẹ vì mẹ phải đi bệnh viện.

Thương và nhớ con, những ngày bắt đầu vào điều trị, người mẹ tội nghiệp này đã khóc cạn cả nước mắt và dành thời gian cả ngày để cầu nguyện. Như một điều kì diệu, chỉ một thời gian ngắn nằm trong lồng kính, bé Ngọc Lâm đã an toàn, bú tốt và kháu khỉnh lên trông thấy. Đó là kết quả viên mãn như một trái ngọt đậm đà đủ sức cứu sống tinh thần và cả tính mạng của người mẹ đang thoi thóp.

Nhìn con, chị gắng gượng từng ngày với niềm vui sống và sự quyết tâm cao độ để rồi 2 năm sau đó thực sự là cuộc chiến sinh tử lần thứ 2. Lần thứ nhất, chị đã đánh cược mạng sống của mình để đổi lấy sự sống cho con, còn lần này chị bước chân vào cửa tử, đối mặt với thần chết từng giây, từng phút với một “vũ khí” duy nhất là nụ cười và ánh mắt khao khát có mẹ của đứa con thơ.

“Em ấy thực sự rất kiên cường, lạc quan và chịu đựng. Những lần truyền hóa chất, đau đớn kéo dài nhưng khi chúng tôi đến gần hỏi han cũng như chăm sóc em, em đều tự tin bảo em sẽ cố gắng và chắc chắn vượt qua được. Có những lần đau quá, tưởng chừng em không thể qua được, những lúc đó em lại lấy trong túi ra tấm ảnh của 2 đứa con và cứ thế cầm chặt nó như 1 tấm bùa hộ mệnh có tác dụng truyền sức mạnh. Cứ như thế, em đã vượt qua được nhiều lần và cố gắng sống được trong 2 năm qua” – Một bác sĩ điều trị cho chị Hảo tại Viện huyết học truyền máu TW kể lại câu chuyện của chị với chúng tôi.

Sau 2 năm chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, chị Hảo đã mãi mãi ra đi.
Sau 2 năm chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, chị Hảo đã mãi mãi ra đi.

Đó là quá trình chữa bệnh của chị Hảo, người mẹ kiên cường và dũng cảm. Nhưng cuối cùng chính bản thân chị cũng phải đầu hàng bởi căn bệnh quá ư khắc nghiệt. Không giấu được nỗi đau đớn và sự mất mát không gì sánh được, anh Tùng kể lại: “Tuần trước vợ em vẫn điều trị trên bệnh viện nhưng lần này thì yếu quá chị ạ. Các bác sĩ bảo không còn cứu được nữa nên khuyên gia đình cho về nhà. Suốt dọc đường đi, cô ấy luôn nắm chặt tay em và còn dặn dò nhiều điều. Em cứ cầu xin ông trời cho cô ấy về được đến nhà để gặp các con nhưng lần cuối cùng này thì không được. Cô ấy về được đến nhà và chờ nhưng không kịp, khi các con từ nhà bà ngoại về thì mẹ đã đi rồi…”

Hai đứa con thơ giờ đã mất đi người mẹ yêu thương.
Hai đứa con thơ giờ đã mất đi người mẹ yêu thương.

Vợ không còn sống để kịp nói lời cám ơn đến bạn đọc báo điện tử Dân trí nhưng anh Tùng luôn biết đó là điều mà chị Hảo luôn ấp ủ và muốn thực hiện. Anh bảo những ngày ở bệnh viện, chị Hảo cứ nói đi nói lại rằng khi 2 con lớn, nhất định anh phải kể cho chúng nghe về khoảng thời gian khó khăn, bi đát của gia đình nhưng đã may mắn được bạn đọc báo Dân trí hỗ trợ, cưu mang. Đó là cái tình, cái nghĩa và cũng là “món nợ” mà chị muốn sau này khi lớn lên các con sẽ ghi nhớ để sống sao cho ý nghĩa và tử tế thành người.

Chị Hảo giờ không còn nữa, kết thúc những ngày chiến đấu với bệnh tật để ngủ yên lành mãi mãi. Thắp nén hương cầu nguyện cho chị sớm siêu thoát, chúng tôi lần nữa khắc ghi hình ảnh chị, người mẹ “chiến binh” dũng cảm đã kiên định, can trường suốt 2 năm qua. Chị đi rồi nhưng chúng tôi sẽ nhớ mãi, nhớ gương mặt, nụ cười và cả cái nắm tay thật chặt thay lời cám ơn khi ngày đó đến trao quà của bạn đọc cho chị. Con người đi qua nhau, có nhiều khi chỉ là những thời khắc ngắn ngủi… nhưng đủ sức hằn lại, ghi dấu mãi không thôi nhưng nhiều bạn đọc đã, đang và sẽ không bao giờ quên chị.

Phạm Oanh