1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cảm phục y sĩ phường "bỏ" ngày phép chống dịch đi từ thiện xuyên Tết

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thay vì dùng 12 ngày nghỉ phép bù để xả hơi, nam nhân viên y tế phường ở TPHCM tranh thủ đi tặng quà cho trẻ nhiễm chất độc da cam, nửa đêm bắt xe xuống miền Tây trao nhà tình nghĩa cho bà con nghèo.

Anh Châu Thành Toàn (39 tuổi) là trường hợp nhân viên y tế phường chống dịch xuyên suốt nhiều tháng trời, hết lòng giúp đỡ người dân TPHCM trong những thời khắc đau thương, căng thẳng nhất mà Dân trí có dịp ghi nhận. Nhưng ngoài nhiệm vụ của một thầy thuốc tận tâm, anh còn là người đã gieo duyên giúp đỡ cho hàng ngàn hoàn cảnh ngặt nghèo.

Cũng chính vì đeo đuổi con đường thiện nguyện mà ngày Tết với anh Toàn thay vì là thời điểm xả hơi sum họp với gia đình, lại là những chuyến đi xa vội vàng, gấp gáp.

Cảm phục y sĩ phường bỏ ngày phép chống dịch đi từ thiện xuyên Tết - 1

Anh Châu Thành Toàn trao quà Tết cho người dân khó khăn (Ảnh: NVCC).

Về phường làm để... xin tiền từ thiện "uy tín" hơn

Cuộc hẹn của PV và anh Châu Thành Toàn cứ chốt rồi chuyển dời mấy lần, bởi lịch làm việc của anh luôn có sự bất ngờ. Khi thì phải tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, lúc lại vào tận nhà chăm sóc sức khỏe cho F0. Nhưng điều làm anh "phân thân" nhiều nhất - không chỉ trong những tháng ngày bùng dịch Covid-19 mà suốt hơn 20 năm qua, là công tác thiện nguyện.

21 giờ đêm cuối tháng Chạp, anh Toàn rảo bước vội đến quán cà phê sắp đóng cửa, cáo lỗi vì vừa đi tặng tay giả cho một bệnh nhân khuyết tật nên không thể hẹn vào buổi chiều. Trên tay, anh còn cầm bịch mứt dừa tự làm, nói dùng để biếu các ân nhân, mạnh thường quân đã đồng hành cùng mình cả năm để gieo mầm sống cho những cuộc đời bất hạnh.

Cảm phục y sĩ phường bỏ ngày phép chống dịch đi từ thiện xuyên Tết - 2

Anh Châu Thành Toàn đã tham gia công tác thiện nguyện suốt 24 năm qua (Ảnh: NVCC).

"Coi vậy mà cũng 24 năm làm từ thiện rồi" - nam nhân viên y tế phường mở đầu câu chuyện.

Anh Toàn nhớ lại, từ khi còn là một chàng trai trẻ, anh đã mê việc giúp đỡ người khác một cách kỳ lạ. Mê đến nỗi mà khi còn là sinh viên tại Đại học Nông lâm TPHCM, anh sẵn sàng "cúp học" để đi mùa hè xanh, xuân tình nguyện. Thậm chí đến năm thi tốt nghiệp, anh cũng… bỏ luôn để di chuyển ra miền Trung, cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt.

Năm 2007 sau thời gian dài ấp ủ, Châu Thành Toàn cùng một số bạn bè lập nhóm thiện nguyện SV07, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Tây Ninh. Từ đây, "thanh xuân" của chàng sinh viên mới ra trường là những chuỗi ngày tình nguyện, với hơn 40 chuyến đi, hoạt động lớn nhỏ mỗi năm. Để duy trì hoạt động của nhóm, từ việc gây quỹ đến các công việc như hậu cần, sinh hoạt nhóm, kế hoạch làm việc thiện… Châu Thành Toàn đều không nề hà. Cũng vì ngốn quá nhiều thời gian mà anh gần như không có công việc ổn định cho bản thân.

Cảm phục y sĩ phường bỏ ngày phép chống dịch đi từ thiện xuyên Tết - 3

Năm 2007, anh Toàn lập nhóm thiện nguyện SV07 (Ảnh: NVCC).

"Đến năm 2011, trong một lần gây quỹ, tôi không xin được tiền vì người ta thấy mình "lông bông". Từ lời khuyên của bạn bè, tôi nghĩ mình phải nên tìm một công việc trong cơ quan Nhà nước, làm viên chức thì mới được mạnh thường quân tin tưởng hơn. Từ đó, tôi xin vào công tác y tế ở quận 1" - anh Toàn kể về cơ duyên trở thành nhân viên y tế phường Đa Kao (quận 1), nơi công tác chính của anh hiện tại.

Làm thiện nguyện cho cả F0 đã mất

9 năm trời công tác ở phường, lương của nam nhân viên y tế phường ở mức 5.8 triệu đồng/tháng. Nhưng thứ mà anh nhận về lớn hơn là việc được hòa mình vào công tác giúp đỡ người dân nghèo, bệnh nhân khó khăn.

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ập vào TPHCM và gieo rắc nỗi kinh hoàng, anh Toàn là người chứng kiến những chuỗi ngày đau thương nhất.

Cảm phục y sĩ phường bỏ ngày phép chống dịch đi từ thiện xuyên Tết - 4

Nam nhân viên y tế phường chống dịch xuyên suốt nhiều tháng trời (Ảnh: NVCC).

"Thời điểm tháng 7,8,9 của năm 2021, tôi cùng các đồng đội phải làm mọi công việc, từ truy vết bệnh nhân Covid-19, đón F0 đi cách ly tập trung điều trị, dọn dẹp, bê vác ở khu cách ly đến trực đường dây nóng 24/24, trực trạm y tế lưu động. Có ngày phải chống dịch từ 7h30 sáng đến 22-23h đêm" - anh Toàn kể.

Phát hiện thoái hóa cột sống trong mùa dịch nhưng không vì bệnh tật làm anh dừng lại. Nhất là khi chứng kiến nhiều bệnh nhân chưa tiêm vaccine, không được can thiệp y tế sớm dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Thấy nhiều bệnh nhân ra đi mà không có khả năng làm hậu sự, trong thời điểm TPHCM quá tải hệ thống điều trị và tiến hành phong tỏa, giãn cách chống dịch, sẵn từng là một Phật tử, anh Toàn về nhà tự mày mò, đọc thêm sách và tài liệu để học cách tụng niệm, cầu nguyện cho người đã khuất. Anh tin dù bản thân không phải là người xuất gia nhưng bằng tấm lòng của mình có thể giúp người mất ra đi thanh thản, cũng là một cách hỗ trợ tinh thần cho chính người thân ở lại.

Cảm phục y sĩ phường bỏ ngày phép chống dịch đi từ thiện xuyên Tết - 5

Anh Toàn vào tận nhà tiêm vaccine cho người dân (Ảnh: NVCC).

Dùng ngày nghỉ xây nhà cho người khuyết tật đón Tết

Và dù trong đỉnh dịch, anh Toàn vừa là lực lượng tuyến đầu nhưng cũng cố gắng không bỏ bê công tác thiện nguyện. Như việc hỗ trợ tiền cho những người già neo đơn, người bán vé số dạo ảnh hưởng vì đại dịch, hay đi Bến Tre lo trung thu cho trẻ em nghèo, tặng quà cho các bệnh nhân ung thư.

"16 năm thành lập SV07, nhóm chúng tôi đã lắp tay, chân giả, hỗ trợ cho hàng chục bệnh nhi ung thư xương khắp các bệnh viện ở TPHCM. Phần lớn các em đều đã qua đời. Nếu nói về tâm linh, dường như được các em phù hộ mà tôi luôn thấy mình tăng đến 300% sức lực khi đi làm từ thiện" - anh Toàn trải lòng.

Cảm phục y sĩ phường bỏ ngày phép chống dịch đi từ thiện xuyên Tết - 6

Vừa chống dịch, nam nhân viên y tế "phân thân" làm thiện nguyện, hỗ trợ người khuyết tật (Ảnh: NVCC).

Cận Tết khi tình hình dịch ở TPHCM đã tạm thời được kiểm soát, những nhân viên y tế như anh Toàn được cho nghỉ phép "bù" vào cả năm trời chống Covid-19 không có ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng thay vì lựa chọn xả hơi, anh dùng quỹ thời gian này để tiếp tục con đường giúp đỡ người bất hạnh.

Đầu tháng Chạp sau khi xin kinh phí hỗ trợ thành công, anh Toàn cùng đồng đội bắt tay vào việc xây nhà tình thương cho trẻ em khuyết tật ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Vậy là những tuần gần đây, cứ đến thứ 6 sau khi tạm xong nhiệm vụ ở trạm y tế, anh lại bắt vội xe đò đi miền Tây để tiến độ xây dựng nhà không bị chậm.

Cảm phục y sĩ phường bỏ ngày phép chống dịch đi từ thiện xuyên Tết - 7

Nửa đêm 26 Tết, anh Toàn ra bến xe đi miền Tây trao nhà tình thương (Ảnh: NVCC).

Sát Giao thừa, những chuyến đi của anh Toàn lại thêm vội vàng, gấp gáp. Và trời cũng không phụ lòng người, 2 căn nhà tình thương, trị giá 50 triệu đồng/căn đã hoàn thành kịp đón xuân.

26 Tết, sau khi cùng một đoàn từ thiện đi tặng quà cho trẻ em nhiễm chất độc da cam ở Tây Ninh, anh Toàn bắt chuyến xe giường nằm lúc nửa đêm về Sóc Trăng. Đêm lạnh và trống trải vì hầu hết mọi người đã về sum họp gia đình, anh hồ hởi cầm tấm bảng bàn giao nhà tình thương ở bến xe. Khi ấy, anh biết cố gắng suốt một năm của mình đã đổi thành quả ngọt cho những hoàn cảnh bất hạnh.

Cảm phục y sĩ phường bỏ ngày phép chống dịch đi từ thiện xuyên Tết - 8

Nam nhân viên y tế bàn giao nhà tình thương tại Sóc Trăng (Ảnh: NVCC).

Khi mọi ước nguyện đã thành, anh Toàn lại vội vàng trở về nhận ca trực cuối cùng của năm cũ, vào đêm 28 Tết. Tan trực, anh sẽ dành chút thời gian ít ỏi để thăm và chăm sóc cha già. Và không lâu sau khi đón Tết Nhâm Dần 2022, anh Toàn khai xuân đi tặng quà cho 200 em nhỏ ở một trường nuôi dạy trẻ khiếm thính tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Với nam nhân viên y tế phường, một năm an lành là 365 ngày "cho đời một chút bình yên" - như tên quyển sách mà anh đã xuất bản 2 năm về trước.