Thu phí vỉa hè: tạm thời nhưng không nên tạm bợ
Theo thông tin trên báo Dân trí, từ năm nay, TPHCM sẽ triển khai thu phí tạm thời với các hoạt động kinh tế diễn ra trên lòng đường, hè phố. Đây là động thái chính sách cần thiết nhằm quản lý kinh tế vỉa hè, thường được coi là một cấu phần kinh tế phi chính thức, bao gồm những người sử dụng các không gian công cộng tại các đô thị (vỉa hè, lòng đường) cho việc kinh doanh, buôn bán.
Dù vẫn xuất hiện tại các nước phát triển nhưng kinh tế vỉa hè là một "đặc sản" tại các nước đang phát triển. Sự tiện lợi, đa dạng của các dịch vụ gắn với lòng đường, hè phố không chỉ đáp ứng thói quen mua sắm và nhu cầu của một bộ phận người dân địa phương, mà còn tạo ra những nét thú vị, hấp dẫn với khách du lịch quốc tế. Vì thế, thật khó tưởng tượng cuộc sống của người dân tại những đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM hiện nay sẽ như thế nào nếu không còn kinh tế vỉa hè.
Chủ thể của các hoạt động kinh tế vỉa hè chủ yếu là những người gặp bất lợi trên thị trường lao động. Với nhiều hộ gia đình ở đô thị, địa điểm ngôi nhà của họ cũng là nơi có thể dễ dàng sinh lợi. Chỉ cần một cửa hàng nhỏ hoặc quán phục vụ cà phê, ăn sáng cũng có thể bảo đảm việc làm và thu nhập tốt cho mọi thành viên trong gia đình, bất kể tuổi tác, trình độ, hay sức khỏe.
Những người bán hàng di động chủ yếu thuộc nhóm lao động di cư từ nông thôn vào thành thị. Kinh tế vỉa hè không đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực, nhưng lại có thể đảm bảo ngay nguồn thu nhập nhất định đã trở thành lựa chọn hợp lý với nhiều người trong độ tuổi lao động, nhất là những người mà năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động chính thức bị hạn chế. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến dẹp chỗ này thì người bán hàng lưu động lại có thể tránh tạm đi hoặc chuyển sang chỗ khác, chứ không chuyển sang công việc khác.
Mặc dù có những khía cạnh hợp lý nêu trên, chính quyền và người dân địa phương cũng phải gánh chịu những hệ quả không mong muốn từ các hoạt động kinh tế vỉa hè như: ách tắc giao thông, cảnh quan bừa bộn, nhếch nhác, thiếu an ninh, trật tự.
Trên bình diện quốc gia, hình ảnh tràn lan của kinh tế vỉa hè là một chỉ báo cho thấy nền kinh tế vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, nơi mà các khu vực kinh tế chính thức chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm cho số đông người lao động.
Bởi thế, ứng xử thế nào với kinh tế vỉa hè ở nước ta là vấn đề chính sách gây ra nhiều tranh cãi từ nhiều năm nay. Dẹp bỏ kinh tế vỉa hè có thể ít ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, nhưng hệ lụy xã hội sẽ có thể rất lớn. Mọi phản ứng cực đoan với kinh tế vỉa hè đều có thể đẩy một số nhóm xã hội vào tình trạng bức bách về kinh tế, từ đó có thể dẫn đến các vấn đề xã hội khác nghiêm trọng hơn.
Thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè là một lựa chọn chính sách tạm thời, có thể góp phần vào việc quản lý các hoạt động kinh tế gắn với đường, phố. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện trên địa bàn có 4.869 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng trên 3m với chiều dài 673,3km được khai thác. Sở GTVT đã lập danh sách khoảng 900 tuyến đường ở 18 quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ thực hiện việc thu phí.
Cho dù triển khai ra sao, nếu chỉ tập trung vào việc thu phí cũng chưa thể giúp các chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề nhức nhối nêu trên với kinh tế vỉa hè. Một số nhóm sẽ có thể sẵn sàng nộp lệ phí để được công khai và ngang nhiên hơn trong kinh doanh. Một số nhóm khác có thể tìm cách trốn tránh để giảm, thậm chí không phải nộp lệ phí. Hoạt động kinh tế vỉa hè vẫn sẽ tồn tại, cùng những hệ quả vốn có, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn.
Cũng vì thế, các chính quyền địa phương cần một chiến lược dài hạn để từng bước điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh tế vỉa hè, đưa hoạt động kinh doanh gắn với các không gian công cộng vào trật tự, ngăn nắp, trong khi không gây xáo trộn mạnh với đời sống của người dân. Nói cách khác thì cần một tư duy tổng thể để có thể quản trị kinh tế vỉa hè.
Tư duy quản trị kinh tế vỉa hè trước hết cần một quan điểm khách quan với vấn đề mà chúng ta đang đối diện. Cần thừa nhận thực tế rằng sự gia tăng các hoạt động kinh tế vỉa hè có mối liên hệ mật thiết với mức độ phát triển của các khu vực kinh tế chính thức. Vì thế, với nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế, sự tồn tại và nở rộ của kinh tế vỉa hè là một thực tế không thể loại bỏ ngay chỉ bởi ý chí chủ quan hay các quyết định hành chính.
Trên cơ sở đó, quản trị kinh tế vỉa hè cần cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt, và kiên nhẫn, thể hiện qua một lộ trình có thể kéo dài nhiều năm. Chính quyền địa phương cần phân loại các địa bàn để quyết định: những chỗ nào thì có thể cho phép kinh tế vỉa hè và chỗ nào thì dứt khoát không. Theo đó, những khu vực thường xuyên xuất hiện nhiều lợi ích công cần bảo vệ như các địa bàn trung tâm, quảng trường, những tuyến phố lớn thì cần giảm thiểu, thậm chí dứt khoát loại bỏ kinh tế vỉa hè.
Ngược lại, những địa bàn luôn hiện hữu nhiều lợi ích cá nhân như các khu đông dân cư, nhiều trường học, gần nơi công sở…thì có thể cho phép kinh tế vỉa hè hoạt động để đáp ứng các nhu cầu đa dạng. Tại những nơi này, để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung (như gây ách tắc giao thông, an ninh trật tự và mỹ quan đô thị) thì chính quyền địa phương có thể quy định những khung giờ và địa điểm khác nhau cho hoạt động kinh tế vỉa hè.
Thu lệ phí với kinh tế vỉa hè là cần thiết nhưng để bảo đảm công bằng thì cũng cần phân loại các địa bàn ra thành những nơi có khả năng sinh lợi khác nhau. Dựa vào doanh thu, dù chỉ là tương đối, các địa bàn có thể được chia ra thành ba mức thu lệ phí: Cao, trung bình, và thấp. Sự linh hoạt về mức thu lệ phí cũng sẽ khích lệ ý thức hợp tác, và tự giác chấp hành các quy định của các chủ thể kinh tế vỉa hè.
Việc thu và sử dụng lệ phí cũng nên được thực hiện theo nguyên tắc tái đầu tư tại chỗ để bảo đảm duy trì trật tự, ngăn nắp của các hoạt động kinh tế diễn ra trên lòng đường, hè phố. Theo đó, do nắm bắt chính xác và có khả năng phản ứng nhanh mỗi khi xuất hiện vấn đề, chính quyền cơ sở (phường) là chủ thể phù hợp nhất để thực hiện việc thu phí. Đáp ứng lợi ích sát sườn sẽ gia tăng trách nhiệm của chính quyền cơ sở với các kế hoạch quản lý kinh tế vỉa hè.
Kinh phí thu được nên ưu tiên cho chính quyền các phường sử dụng để thuê thêm người thực hiện chức năng giám sát hàng ngày. Những người được thuê giám sát, không nhất thiết là cán bộ của chính quyền, cần được trả thù lao thỏa đáng, đi kèm với cam kết sẽ chấp nhận bị sa thải ngay cùng mức phạt vi phạm hợp đồng lao động nếu để tái diễn đến lần thứ ba các biểu hiện lộn xộn tại địa bàn do mình phụ trách.
Để gia tăng khả năng hợp tác của các chủ thể kinh tế vỉa hè, chính quyền các phường cũng cần soạn thảo các quy định với nhóm kinh doanh cố định và nhóm lưu động. Trước khi ban hành, các quy định đó cần được lấy ý kiến rộng rãi với những người liên quan. Trên cơ sở đó, không chỉ cán bộ chính quyền mà cần vận động chính những chủ thể kinh tế vỉa hè động viên, nhắc nhở thành viên trong mạng lưới nêu cao ý thức chấp hành, vì những lợi ích chung và lợi ích bền vững của chính họ.
Kinh tế vỉa hè là một vấn đề chính sách xã hội chứ không đơn thuần là vấn đề chính sách kinh tế. Vì thế, ứng xử với kinh tế vỉa hè cần sự nghiêm khắc, dứt khoát nhưng cũng cần kiên nhẫn và đặc biệt là cần coi trọng khía cạnh "tình người".
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!