Thấy gì từ hiện tượng du học sinh phá vỡ cam kết du học
Vốn cũng là cựu du học sinh cho nên tôi không ngạc nhiên khi ngày 13/3 vừa qua, báo chí thông tin về một số cán bộ, giảng viên thuộc Đại học Đà Nẵng đã không về nước theo hợp đồng đã ký kết sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, công tác tại nước ngoài.
Tính đến tháng 10/2023, theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, có tới 4.471 học viên được cử đi học bằng ngân sách Nhà nước nhưng chưa trở về làm việc dù đã đến hạn. Gần đây, một số bang của Australia thông báo tạm dừng nhận du học sinh đến từ một số tỉnh của Việt Nam, hay một số du học sinh người Việt tại Hàn Quốc rơi vào tình trạng "không liên lạc được".
Những hiện tượng không mong muốn nêu trên cho thấy nhu cầu tăng cường hoạt động quản lý du học sinh nói chung, đặc biệt là bảo đảm du học sinh được tài trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ trở về sau khi kết thúc chương trình học tập, hoặc nghiêm túc thu hồi kinh phí nếu họ quyết định ở lại nơi đến học.
Ngược dòng thời gian, từ đầu những năm 2000, các cơ quan Nhà nước Việt Nam, từ trung ương đến các địa phương, bắt đầu khởi động trở lại những chương trình cử cán bộ đi du học với quy mô lớn. Cùng với các chương trình của Nhà nước, vô số những chương trình học bổng của các chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế đã góp phần gia tăng nhanh chóng số lượng du học sinh là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo suy nghĩ thông thường, du học sinh là "người Nhà nước" thường ít có khả năng ở lại sau khi hoàn thành khóa học. Tuy nhiên, sự việc xảy ra với các cán bộ, giảng viên của Đại học Đà Nẵng và những dữ liệu từ Bộ GD&ĐT đã chứng minh nhóm du học sinh chịu nhiều ràng buộc pháp lý và hành chính này hoàn toàn có thể tùy tiện không tuân thủ các cam kết với cơ quan cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài.
Cho đến nay, các đơn vị chức năng cũng chưa biết rõ về những lý do khiến 25 cán bộ, giảng viên của đại học Đà Nẵng ở lại nơi mà họ đến học tập. Trải nghiệm của tôi gợi ra rằng có những người ở lại vì kết hôn với người bản xứ; số khác vì tìm được công việc mơ ước. Nếu hai nhóm này có thể ở lại hợp pháp thì nhóm có nguy cơ cố tình ở lại dưới hình thức cư trú bất hợp pháp là những người có thể do năng lực bình thường, không thấy triển vọng tốt hơn nếu trở về, hoặc thậm chí có thể họ đã gặp trục trặc với chương trình đào tạo.
Trước hết, ở lại hay trở về là một lựa chọn cá nhân, thuộc về vấn đề quyền con người cho nên chúng ta cũng cần tôn trọng. Dù lý do để ở lại rất đa dạng nhưng điểm chung giữa những người không trở về hẳn nhiên là họ có thể đều nhìn thấy một cơ hội nào đó tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Câu chuyện sẽ không có gì phức tạp nếu những người ở lại tự giác báo cáo trung thực với các đơn vị liên quan và bồi hoàn khoản kinh phí mà họ đã thụ hưởng. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp với những người cố tình ở lại, cư trú và làm việc bất hợp pháp nhưng lại tìm cách chây ỳ, hoặc lảng tránh trách nhiệm hoàn trả kinh phí đào tạo.
Cho dù ở lại dưới bất kỳ hình thức nào thì những người được đi du học theo các chương trình tài trợ từ ngân sách Nhà nước, hoặc hợp tác chính phủ đều đã không thực hiện nghiêm túc cam kết. Mỗi cá nhân trước khi có thể lên máy bay đi du học đều phải ký các cam kết bảo đảm tiến độ học tập, trở về nơi đã cử đi học để phục vụ trong một khoảng thời gian nhất định, và bồi hoàn kinh phí nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc kết thúc chương trình học tập mà không trở về.
Du học sinh diện ngân sách Nhà nước không trở về theo cam kết không chỉ làm lãng phí nguồn lực công, mà họ cũng đã lạm dụng cơ hội cho người khác, gây ra những hệ lụy không tốt cho uy tín của cơ quan, đơn vị và cả chương trình đào tạo cán bộ. Bởi thế, tăng cường các cơ chế và biện pháp quản lý là nhu cầu tất yếu để bảo đảm các cam kết cử cán bộ đi du học được thực hiện nghiêm túc.
Thứ nhất, ngay từ khâu xét duyệt hồ sơ, các cơ quan liên quan cần xem xét kỹ tình trạng bản thân và gia đình ứng viên để giảm thiểu những yếu tố có thể chi phối quyết định ở lại của du học sinh. Ví dụ, nếu ứng viên có nhiều người thân tại quốc gia đến học thì cần cân nhắc kỹ lưỡng địa điểm cử đi học; nếu ứng viên có dấu hiệu không thực sự đam mê chuyên môn, không gắn bó với công việc và cơ quan hiện tại thì cũng không nên cử đi du học bằng ngân sách…
Thứ hai, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước sở tại cần thường xuyên cập nhật địa chỉ cư trú của du học sinh, nắm vững thông tin liên lạc của người quản lý ngôi nhà mà du học sinh đang ở, qua đó có thể sớm phát hiện vấn đề phát sinh.
Thứ ba, cần thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tiến độ chương trình học tập theo quy định hiện hành. Các báo cáo cần có xác nhận của nhà trường, cùng thông tin liên lạc với người có thẩm quyền để đơn vị chủ quản và các cơ quan liên quan ở trong nước có thể kiểm tra bất cứ khi nào. Mọi sự du di, linh hoạt quá mức với chế độ báo cáo định kỳ đều là những biểu hiện buông lỏng quản lý.
Thứ tư, cơ quan cấp học bổng cần thay đổi tư duy, với giả định rằng người được cử đi học sẽ có thể không trở về như cam kết. Vì thế, cần coi kinh phí học bổng như khoản vay mà các thành viên trong gia đình (bố/mẹ hoặc vợ/chồng) của ứng viên phải có trách nhiệm hoàn trả nếu ứng viên không trở về, chây ỳ không hoàn trả kinh phí. Quy định chặt chẽ này cũng tương tự như khi các ngân hàng cho hộ gia đình vay để mua nhà, xe... Sự ràng buộc trách nhiệm của người thân sẽ gia tăng khả năng thực hiện nghiêm túc các cam kết giữa du học sinh với cơ quan Nhà nước.
Thứ năm, cơ quan nơi du học sinh đang công tác cần phân công người chuyên trách, thường xuyên giữ mối liên hệ, duy trì sự gắn bó để du học sinh cảm nhận được tình cảm cũng như sự kỳ vọng của đơn vị đối với mình. Du học sinh cần cảm thấy yên tâm rằng khi quay trở về thì họ sẽ được trọng dụng, phân công công việc hợp lý để phát huy tối đa khả năng, thỏa mãn nhu cầu cống hiến, phục vụ cơ quan, đơn vị.
Thứ sáu, các thành viên trong gia đình của du học sinh cũng cần được hỏi thăm, nhắc nhở để khuyến khích du học sinh cố gắng học tập tốt, thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra, và trở về theo đúng cam kết. Giữ mối liên hệ với gia đình du học sinh cũng có thể giúp các đơn vị liên quan sớm phát hiện vấn đề nảy sinh, từ đó có hướng giải quyết tốt đẹp nhất cho tất cả các bên.
Khác với các nhóm du học sinh tự túc hoặc khu vực doanh nghiệp, du học sinh diện ngân sách Nhà nước là nhóm xã hội đặc thù, có mối liên hệ mật thiết với uy tín của cơ quan Nhà nước, cũng như hình ảnh quốc gia. Vì thế, cần tăng cường công tác quản lý để giảm thiểu, thậm chí chấm dứt tình trạng tùy tiện phá vỡ cam kết để ở lại sau khi hoàn thành khóa học.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!