Khoảng trống quy định nhìn từ vụ "trục xuất" 19 cún cưng
"Tôi đang rất bức xúc. Tôi không làm gì sai. Nuôi chó là phạm pháp hay sao"…là những phản ứng bột phát của một cô gái khi tối ngày 2/4 vừa qua, cô bị cư dân yêu cầu di chuyển 19 con chó ra khỏi căn hộ chung cư tại Quận 7, TPHCM.
Sự kiện "trục xuất 19 con chó" không chỉ đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, mà còn gợi ra thực tế: nuôi thú cưng ngày càng trở nên phổ biến tại các đô thị ở nước ta. Kinh doanh thú cưng cũng đang có xu hướng trở thành một công việc thu hút nhiều người tham gia.
Trong bối cảnh đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, có những người đã tùy tiện biến nhà ở thành chuồng nuôi chó. Những tranh cãi xoay quanh vụ 19 con chó khiến nhiều người liên tưởng đến một câu hỏi đã xuất hiện bấy lâu nay về các địa điểm nuôi nhốt số lượng lớn chó, mèo: làm thế nào để có thể quản lý tốt hơn việc kinh doanh và nuôi thú cưng tại các địa bàn đô thị ở nước ta?
Trên phạm vi toàn cầu, nuôi thú cưng là một hiện tượng xuất hiện ở nhiều xã hội, đặc biệt là tại các đô thị. Trẻ em, người cao tuổi, người độc thân…là những nhóm xã hội thường gắn với thú cưng bởi họ có nhiều thời gian và tìm thấy nhiều niềm vui từ những con vật hiền lành, thân thiện, và ngộ nghĩnh. Với rất nhiều người, thú cưng không đơn giản chỉ là một con vật nuôi, mà hơn thế, còn là một người bạn, một thành viên trong gia đình.
Sở thích nuôi thú cưng sẽ không trở thành "vấn nạn xã hội" tại các địa bàn đô thị nếu người nuôi chỉ sở hữu số lượng giới hạn, luôn ý thức và có khả năng chăm sóc và quản lý vật nuôi để không gây ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, như trường hợp cô gái với 19 con chó trong căn hộ chung cư nêu trên, việc nuôi thú cưng với số lượng lớn trong các không gian cư trú chật hẹp, mật độ dân số cao thì lại có thể gây ra nhiều rắc rối, phức tạp.
Cho dù phục vụ mục đích cứu hộ, bảo vệ động vật, hay kinh doanh thì việc tập trung quá nhiều vật nuôi trong một không gian hạn chế, cùng với đó là sự thiếu khả năng quản lý vật nuôi cũng như không thể giữ vệ sinh chung, đang khiến các "tụ điểm thú cưng" trở thành vấn đề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của cư dân tại nhiều khu dân cư đô thị.
Nuôi chó, hay bất kỳ loại thú cưng nào khác, đúng là hành vi không vi phạm pháp luật. Thế nhưng, nuôi số lượng lớn chó, mèo cảnh trong một ngôi nhà tại địa bàn đô thị sẽ khiến cư dân trong khu vực đối diện với ba mối đe dọa điển hình, đó là tiếng ồn, mùi hôi, và nỗi sợ hãi bị cắn. Hay với các loại động vật thuộc họ gia cầm như chim, gà, vịt… thì vấn nạn nhức nhối nhất là phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan của khu dân cư.
Cũng vì thế, "nhà tôi thì tôi nuôi, sao lại cấm tôi" là một lập luận bao biện, thiển cận cho nên rất thiếu thuyết phục. Việc nuôi số lượng lớn thú cưng trong ngôi nhà thuộc sở hữu cá nhân, cho dù đó là nhà chung cư hay nhà riêng dưới mặt đất, sẽ được chấp nhận nếu người chủ bảo đảm rằng những tiếng ồn, mùi hôi không lan sang nhà hàng xóm.
Mỗi khi được thả ra không gian công cộng, đàn thú cưng sẽ được quản lý chặt chẽ, để tạo niềm vui cho cư dân chứ không phải di chuyển tự do, phóng uế bừa bãi, đặt cư dân trước nguy cơ bị cắn bất thình lình, hay những cảm giác sợ hãi, phiền phức, khó chịu.
Nếu chúng ta đồng thuận rằng nuôi thú cưng là một nhu cầu có thật và chính đáng của mỗi cá nhân thì những lợi ích cá nhân đó nên được tôn trọng. Cũng có nghĩa, những quan điểm cực đoan về việc cấm nuôi thú cưng tại các địa bàn đô thị, nhất là tại các không gian chung cư, là không phù hợp. Tuy nhiên, để việc nuôi thú cưng của mỗi cá nhân được chấp nhận thì chúng ta cũng cần thống nhất quan điểm: việc bảo vệ quyền cá nhân, thỏa mãn nhu cầu chính đáng của cá nhân không được xâm phạm quyền và lợi ích của người khác.
Nói cách khác, để kiến tạo cuộc sống hài hòa và tốt đẹp cho cộng đồng cư dân thì một nguyên tắc chung cần tuân thủ là việc theo đuổi niềm vui của người này không thể phải bị trả giá bởi sự phiền phức, thậm chí là nỗi lo sợ của người khác. Điều này có nghĩa là những giải pháp quản lý việc nuôi thú cưng tại đô thị cần dựa trên nguyên tắc dung hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, đề cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là vẫn đang còn những khoảng trống quy định về việc nuôi thú cưng ở khu dân cư để làm căn cứ áp dụng trong những trường hợp phát sinh xung đột. Hiện nay pháp luật chỉ cấm việc chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực như nhà chung cư, trong khi đó thú cưng như chó, mèo không được xác định là gia súc theo quy định hiện hành.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương có thể cân nhắc một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, người dân không phải xin phép nhưng cần đăng ký vật nuôi. Định kỳ hàng năm, chính quyền cơ sở cần tiến hành thống kê và tổ chức đăng ký để kiểm soát được số lượng thú cưng trên địa bàn, đặc biệt chú ý những hộ gia đình nuôi nhiều thú cưng. Mỗi năm, các đại diện hộ gia đình cần tham gia ít nhất một buổi hướng dẫn, tuyên truyền về cách thức bảo vệ lợi ích chung, giảm thiểu các nguy cơ thú cưng gây phiền phức cho người khác.
Thứ hai, chính quyền các địa phương cần quản lý chủng loại vật nuôi. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát và ban hành danh mục các loại động vật mà người dân có thể chọn làm "thú cưng". Việc ban hành danh mục vật nuôi sẽ giúp loại bỏ những loại động vật nguy hiểm cho con người hoặc đe dọa môi trường sống, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ tùy tiện trong việc biến bất kỳ con vật nào cũng có thể trở thành thú cưng.
Thứ ba, chính quyền địa phương cần ban hành quy định cụ thể về số lượng mỗi loại thú cưng mà mỗi công dân ở đô thị có thể sở hữu. Chẳng hạn, nếu quy định mỗi người chỉ có thể nuôi một con chó thì một hộ gia đình với bốn thành viên sẽ chỉ có thể nuôi tối đa bốn con chó. Quy định như vậy sẽ buộc mỗi cá nhân, hộ gia đình phải cân nhắc mỗi khi muốn nuôi thú cưng, nhờ đó loại bỏ những trường hợp một người nhưng lại sở hữu và quản lý cả đàn thú cưng giữa khu dân cư đông đúc.
Thứ tư, cần quy định không gian và diện tích cho các địa điểm nuôi nhốt nhiều thú cưng. Nhóm quy định này sẽ bảo đảm mật độ thú cưng hợp lý trong một không gian nhất định, cũng như điều kiện vệ sinh để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống xung quanh. Điểm cần lưu ý là cần phân biệt địa điểm nuôi nhốt (chuồng, trại) với địa điểm bán (cửa hàng) thú cưng để áp dụng những quy định khác nhau.
Thứ năm, cần quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các địa điểm nuôi số lượng lớn thú cưng với các khu dân cư. Chẳng hạn, nếu quy định những nơi nuôi nhiều thú cưng phải cách khu dân cư tối thiểu 1km thì sẽ loại bỏ được những tình huống tùy tiện biến nhà chung cư hay nhà dân thành chuồng, trại chăn nuôi. Cũng có nghĩa, với bất cứ mục đích gì, những ai muốn nuôi nhốt số lượng lớn động vật thì buộc phải tìm đến những không gian hợp lý, thường là các địa điểm dân cư thưa thớt, hoặc ra hẳn vùng ngoại vi của đô thị.
Việt Nam vẫn là một xã hội đang phát triển, đặc trưng bởi tiến trình đô thị hóa và thay đổi lối sống đang diễn ra mạnh mẽ. Cũng vì thế, với những gì diễn ra trong thời gian gần đây, có thể dự báo sở thích nuôi thú cưng sẽ tiếp tục trở thành một xu hướng tại các địa bàn đô thị. Số người có nhu cầu thú cưng gia tăng tất yếu thúc đẩy sự gia tăng các "tụ điểm thú cưng", với những hệ lụy khó lường.
Nếu chúng ta không kịp thời nhận ra những vấn đề tiềm ẩn đằng sau những tranh cãi âm ỉ liên quan đến các "tụ điểm thú cưng" để ban hành những quy định quản lý phù hợp thì "vấn nạn thú cưng" nói chung, hay nhà ở bị biến thành chuồng nuôi thú cưng nói riêng, sẽ có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!