Giấc mơ World Cup ư?
Bắt đầu hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam từ ngày 1/3/2023, HLV Philippe Troussier đem đến sự kỳ vọng cho đông đảo người hâm mộ bóng đá nước nhà về một giai đoạn thành công mới của các đội tuyển bóng đá quốc gia.
Sau thời kỳ gặt hái những thành tích rực rỡ dưới thời HLV Park Hang Seo, hẳn nhiên, nhiều người hâm mộ đều sẽ mong rằng bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển quốc gia sẽ có thể vươn lên tầm cao mới, dưới sự dẫn dắt của một HLV đã có nhiều thành tích đáng tôn trọng.
Thế nhưng, chuỗi 9 trận thua liên tiếp trong 10 trận đấu gần đây nhất của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam dưới thời HLV Troussier, đặc biệt là 3 trận thua các đội bóng Indonesia, khiến những người hâm mộ luôn theo sát các đội tuyển ở mọi giải đấu cảm thấy có điều gì đó bất thường đang diễn ra. Những người quan tâm càng cảm thấy lo lắng hơn khi biết thêm chi tiết những thông số kỹ thuật "tệ hại".
Cụ thể, tỷ lệ thất bại của HLV Troussier ở đội tuyển Việt Nam cao nhất trong lịch sử, lên tới 69,2%; các đội bóng do ông dẫn dắt chỉ ghi trung bình 0,85 bàn/trận, bằng một nửa so với thời HLV Park Hang Seo (1,64 bàn/trận); đội tuyển Việt Nam thủng lưới tới 1,69 bàn mỗi trận, cao hơn rất nhiều so với số bàn thua của các đội bóng thời HLV gần nhất.
Còn về thành tích tại các giải đấu chính thức, sau khi không thể đưa đội U22 Việt Nam vào đến trận chung kết tại Sea Games 32, đội tuyển quốc gia dưới quyền HLV Troussier lại thua cả 3 trận ở vòng bảng, giải vô địch bóng đá châu Á. Và tính đến hôm nay, một nguy cơ nữa đang hiện hữu là đội tuyển bóng đá quốc gia của Việt Nam có thể sẽ không thể vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2026.
Ngược dòng lịch sử, tâm thế của người hâm mộ bóng đá Việt Nam bắt đầu thay đổi kể từ sau những năm 2000, đặc biệt là sau chiến tích của đội tuyển quốc gia vào năm 2008, lần đầu tiên giành chức vô địch Đông Nam Á. Tâm thế ủng hộ viên của một đội bóng "ông lớn" tại khu vực, và là đội luôn có thể gây ra những bất ngờ khiến giới mộ điệu trái túc cầu nức lòng tại các giải đấu cấp châu lục được củng cố vững chắc hơn dưới thời HLV Park Hang Seo trong những năm gần đây.
Cũng bởi thế, thật dễ hiểu khi xuất hiện ngày càng nhiều những phê phán, chỉ trích, thậm chí la ó của người hâm mộ Việt Nam khi đối diện với những kết quả thi đấu phũ phàng của các đội bóng dưới thời HLV Troussier. Những bàn luận rộng rãi dần hình thành những luồng dư luận ngày càng mạnh mẽ trong giới cổ động viên, mà phần nhiều đều theo hướng bất lợi cho vị HLV người Pháp.
Điểm đầu tiên khiến những người thực sự quan tâm đến bóng đá nước nhà ở cấp độ đội tuyển quốc gia phải thắc mắc, thậm chí cảm thấy khó hiểu là sự thiếu vắng những cầu thủ đã thành danh, vẫn đang trong giai đoạn sung sức, phong độ ổn định trong đội hình xuất phát tại các trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Vẫn biết chúng ta phải tôn trọng quan điểm, ý đồ chiến thuật, cách thức sử dụng cầu thủ của HLV nhưng thật khó chấp nhận khi đội nhà thua liên tục lại cứ gắn liền với hình ảnh Quang Hải phải ngồi trên ghế dự bị.
Điểm thứ hai khiến những người yêu thích và có chút am hiểu về bóng đá băn khoăn, đó là HLV Troussier chưa định hình được một lối đá rõ ràng cho các đội bóng Việt Nam. Việc ưu ái sử dụng các cầu thủ trẻ cũng tạo được những khoảnh khắc vụt sáng nhất định nhưng vẫn chưa thể giúp khán giả quên được một đội hình phòng ngự - phản công chắc chắn, luôn thi đấu ăn ý, nhịp nhàng, tinh thần mạnh mẽ, và có thể tạo bất ngờ bất kỳ lúc nào dưới thời HLV Park Hang Seo.
Điểm thứ ba khiến người hâm mộ Việt Nam cảm thấy thất vọng là khả năng ứng biến tình huống của HLV Troussier mỗi khi đội nhà rơi vào thế bất lợi, cả về thế trận và tỷ số. Những tình huống dẫn đến bàn thua lãng xẹt do lỗi cá nhân của cầu thủ dường như chưa được khắc phục. Không chỉ đánh mất chiến thắng trong những tích tắc bất cẩn, các đội bóng Việt Nam dưới "triều đại" Troussier thường khiến khán giả nghĩ ngay về kết cục xấu mỗi lần đội nhà bị thủng lưới trước. Bởi lẽ, theo các số liệu thống kê, mỗi khi các đội bạn vươn lên dẫn trước thì hầu như đội nhà đều không thể lật ngược kết quả trận đấu.
Một đội bóng chưa định hình được bản sắc cùng những kết quả thi đấu bết bát dần hút cạn nhiệt huyết của những người ủng hộ. Thay vì tìm hiểu quá trình xây dựng lối chơi coi trọng kiểm soát bóng như ông Troussier đề ra, nhiều người bắt đầu chuyển sang chỉ trích, móc máy về một triết lý bóng đá đang tỏ ra không phù hợp với đội tuyển Việt Nam hiện tại.
Trong bối cảnh đó, sự "kiên định" trong việc sử dụng cầu thủ, bố trí đội hình, cùng những phát ngôn hết sức lạc quan, thậm chí có vẻ ấm ức với khán giả của HLV Troussier như càng đổ thêm dầu vào lửa. Có lẽ, chưa khi nào như tình hình hiện nay với ông Troussier, khi mà ngày càng nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam bày tỏ công khai, đòi chấm dứt hợp đồng với vị HLV vẫn đang dẫn dắt đội tuyển quốc gia thi đấu tại một giải đấu chính thức, tầm thế giới.
Thực tế hiện tại khiến chúng ta nên đặt câu hỏi: đâu là những mục tiêu thực sự phù hợp với bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển quốc gia? Lọt vào VCK World Cup, hẳn nhiên, là một giấc mơ của hàng triệu khán giả. Thế nhưng, hiện trạng đội bóng buộc những cổ động viên cuồng nhiệt nhất cũng phải suy nghĩ lại. Thêm vào đó, hãy nhìn sang bóng đá nữ vốn còn đạt được nhiều thành tích hơn bóng đá nam. Đội tuyển bóng đá nữ lọt vào VCK World Cup để rồi, sau những giây phút chào cờ đầy xúc động, là những trận thua trong sự bất lực.
Khoan hãy nghĩ đến World Cup, duy trì được vị thế của một đội bóng "ông lớn" tại khu vực Đông Nam Á và luôn là "kẻ gây bất ngờ" tại các giải đấu cấp châu lục có lẽ mới là mục tiêu phù hợp và thiết thực nhất với bóng đá Việt Nam hiện nay. Điều này không có nghĩa chúng ta từ bỏ mục tiêu World Cup. Thay vào đó, lọt vào VCK World Cup chỉ nên là một mục tiêu "mở", để loại bỏ những lập luận về một tầm nhìn xa, dài hạn được sử dụng như lời bao biện cho các thất bại hiện tại.
Mục tiêu, và cũng là giá trị cao nhất của bóng đá ở cấp độ đội tuyển quốc gia là đem đến cho người hâm mộ nước nhà những giây phút thăng hoa tập thể, cảm xúc dâng trào, muôn người như một. Trên nền tảng đó, niềm cảm hứng bất tận về một tinh thần dân tộc, ý chí kết đoàn để cùng vươn tới những thành công mang tính tập thể của người Việt Nam sẽ được củng cố và nuôi dưỡng. Lịch sử bóng đá nước nhà cho thấy, mục tiêu như vậy sẽ đạt được nếu các đội tuyển bóng đá quốc gia của Việt Nam thường xuyên hiện diện trong trận chung kết tại các giải đấu trong khu vực Đông Nam Á, và luôn lọt vào đến vòng tứ kết của các giải đấu cấp châu lục.
Tối nay (26/3), khác với những người thất vọng, chúng tôi vẫn sẽ ra sân để cổ vũ, đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam. Trong khi sẽ cổ vũ hết mình để đội tuyển thi đấu với phong độ tốt nhất có thể, chúng tôi cũng sẽ có dịp quan sát kỹ về cách thức bố trí đội hình, sắp xếp chiến thuật, đấu pháp, cũng như khả năng ứng biến tình huống của HLV Troussier.
Nếu người hâm mộ luôn sát cánh cùng đội tuyển, kể cả những thời điểm khó khăn như hiện nay, thì những ý kiến của họ cũng cần được tôn trọng, xem xét và cân nhắc thấu đáo bởi Liên đoàn bóng đá Việt Nam khi buộc phải đưa ra nhận định và quyết định liên quan đến HLV Troussier.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!