Lumia 900 - “Canh bạc” cuối cùng của Nokia trên đất Mỹ

(Dân trí) – Sau Lumia 900 - chiếc điện thoại Windows Phone sắp sửa ra mắt vào ngày 8/4 tới đây, sẽ không còn cơ hội thứ hai nào dành cho Nokia, gã khổng lồ từng nổi đình nổi đám trong lĩnh vực di động đang mong mỏi một cuộc “hồi sinh” trên thị trường Mỹ.

Hiện tại, Nokia đang ấp ủ nhiều tham vọng và đã sẵn sàng đưa chiếc điện thoại tốt nhất của hãng vào Mỹ. Tuy nhiên, lời khuyên chân thành nhất lúc này mà giới công nghệ dành cho một công ty nhiều khả năng không có được một cơ hội nào khác tốt hơn thế là đừng để làm vuột mất nó.

Phải nói rằng số phận của Nokia trong tương lai và có thể là của cả hệ điều hành Windows Phone cũng như khả năng của Microsoft đối với việc duy trì ảnh hưởng của mình trong thế giới di động phụ thuộc phần lớn vào mức độ thành công mà Lumia 900 đạt được.

Nokia đang bắt tay với một đối tác nhà mạng lớn tại Mỹ là AT&T. Hãng viễn thông này từng hứa hẹn sẽ dành một sự ưu ái đặc biệt cho chiếc điện thoại Lumia 900 của Nokia, thậm chí còn hơn cả HTC khi hãng sản xuất Đài Loan này ra mắt Titan II, một chiếc điện thoại có khả năng kết nối mạng LTE 4G vào cùng một ngày. Với mức giá 99,99 USD kèm theo hợp đồng sử dụng dịch vụ, Lumia 900 là một trong những sự lựa chọn tốt nhất dành cho khách hàng di động.

Trong khi đó, trang công nghệ Cnet khẳng định chiếc điện thoại Lumia 900 sẽ ra mắt vào ngày 8/4 tới đây.
 
Lumia 900 - “Canh bạc” cuối cùng của Nokia trên đất Mỹ

Lumia 900 trình diễn tại triển lãm CES 2012.


Tuy nhiên, nếu sản phẩm “bom tấn” này không xuất hiên đúng như kỳ vọng, cả Nokia và Microsoft sẽ phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng. Sự thất bại này có thể để lại một vài hậu quả xấu về lâu dài.

AT&T vốn là người ủng hộ mạnh mẽ của Windows Phone. Hiện tại, AT&T phân phối các sản phẩm sử dụng hệ điều hành của Microsoft nhiều hơn bất kỳ nhà mạng nào khác. Nhưng sự cống hiến của AT&T dành cho nền tảng này sẽ không kéo dài mãi mãi và nếu Lumia 900 thất bại, lúc đó, chúng ta sẽ được chứng kiến cảnh AT&T ồ ạt giảm giá để xả hàng tồn.

Tương tự như vậy, một chiếc điện thoại có doanh số bán ra nghèo nàn sẽ không giúp được Nokia hay Microsoft “ghi điểm” trong mắt của hai nhà mạng lớn khác là Verizon và Sprint. Hiện tại, hai hãng viễn thông này chỉ bán các thiết bị Windows Phone một cách hời hợt và không có bất kỳ động thái nào cho thấy họ sẽ phân phối thêm các sản phẩm mới sử dụng nền tảng này. Một khi AT&T đạt được một thỏa thuận lớn liên quan đến Lumia 900 và mạng LTE 4G của họ thì đối thủ Verizon nhiều khả năng sẽ miễn cưỡng nhảy vào cuộc đua này bằng một thiết bị tương tự. Kết quả là Nokia sẽ giành được một vị trí đáng kể trên thị trường Mỹ.

Một điều chắc chắn là Nokia đã bắt tay với nhà mạng T-Mobile và chiếc smartphone Lumia 710 của hãng đã đạt được những kết quả khá lạc quan. Tuy nhiên, Lumia 710 chỉ là một chiếc điện thoại Windows Phone bình dân có mức giá rẻ dành cho thị trường đại chúng và chưa hể hiện được mức độ thành công của “cuộc tình” Nokia và Microsot. Thêm nữa, T-Mobile chỉ xếp vị trí thứ 4 trong số các nhà mạng lớn ở Mỹ và hiện tại hãng viễn thông này không phân phối nhiều thiết bị đình đám được nhiều người yêu thích.
 
Mặc dù Nokia là một thương hiệu mạnh trên khắp thế giới nhưng sự hiện diện của nhà sản xuất điện thoại Phần Lan này ở Mỹ đã bị suy giảm đáng kể trong vài năm qua đến mức mà họ đang dần trở thành một cái tên vô nghĩa đối với cả người tiêu dùng bình thường. Nokia chỉ còn được biết đến như những gì tốt đẹp nhất còn sót lại của một thời đại các thiết bị di động cơ bản lạc hậu hơn. Cái tên Nokia vẫn có thể xuất hiện trong các sự kiện và bên ngoài những tòa nhà lớn nhưng nó hầu như không còn ở trong tâm trí của người tiêu dùng Mỹ nói chung.

Kết quả là, Lumia 900 được lĩnh sứ mệnh đưa thương hiệu Nokia trở về với thời kỳ hào quang còn nếu không, sự thất bại của chiếc điện thoại này cũng đồng nghĩa với sự lụi tàn của cái tên Nokia tại Mỹ. Sự thất bại của Palm là bài học nhãn tiền cho Nokia. Mặc dù là một nhà sản xuất thiết bị trợ giúp cá nhân (PDA), điện thoại di động và các thiết bị cầm tay khác thuộc dạng nổi tiếng toàn cầu nhưng các thiết bị Palm OS già cỗi và cả hệ điều hành webOS mới đã kéo tên tuổi của Palm đến bên bờ vực thẳm. Palm đã cố trình làng một sản phẩm “bom tấn” để lội ngược dòng nhưng chiếc điện thoại Palm Pre đã không thể làm gì nhiều hơn. Kết quả là chỉ một năm sau khi Palm Pre trình làng, HP đã mua lại Palm với cái giá 1,2 tỷ USD và cũng chỉ một năm ngắn ngủi sau đó, số phận mảng sản xuất phần cứng của Palm bị HP khai tử. 

Nhưng chắc chắn Lumia 900 có một cơ hội tốt hơn hẳn so với những gì Palm từng làm. Thứ nhất, nó có được sự ủng hộ hết mình của AT&T, một trong hai hãng viễn thông lớn nhất tại Mỹ. Thứ hai, Lumia 900 không hề giống với những mẫu điện thoại trước đây do Nokia sản xuất. Nó thực sự là một sản phẩm tốt và là một thiết bị dễ nhận thấy giữa hàng tá điện thoại Android và iPhone. Bởi nếu không có những điều này, Nokia có thể nói lời chào tạm biệt với cơ hội được trở thành một trong những nhà sản xuất và phát hành điện thoại lớn tại Mỹ.

Võ Hiền