Bản quyền sách số: Google thất thế tại EU, gặp khó ở Trung Quốc

(Dân trí) - Những tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền sách số của Google lại tiếp tục là tâm điểm gây chú ý trong những ngày gần đây . Hoàn toàn thất thế tại EU, Google lại tìm đường sang tận Trung Quốc để xoa dịu sự căng thẳng đang “leo thang”.

Thất thế trước EU

 

Hiệp hội các nhà xuất bản và tác giả ngoài nước Mỹ đã chính thức giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến với Google xung quanh vấn đề bảo vệ quyền tác giả trước dự án số hóa sách Google Books của gã khổng lồ tìm kiếm.

 

Cuối ngày thứ 6 (13/11), một bản thỏa thuận mới với những sự thay đổi căn bản và quan trọng đã được kí kết. Thỏa thuận mới chỉ cho phép Google quét những cuốn sách xuất bản tại một số ít nước nói tiếng Anh và cũng bao gồm những sự nhượng bộ đáng kể có vẻ như là phản ứng trực tiếp trước một số lời chỉ trích thỏa thuận này. Tuy nhiên, một số lời chỉ trích gay gắt rõ ràng chưa có dấu hiệu được xoa dịu khi mà bản thỏa thuận sửa đổi này vẫn chưa giải quyết triệt để tranh cãi xung quanh quyền riêng tư và những vấn đề kinh doanh.

 

Có lẽ sự thay đổi đáng kể nhất đáng ghi nhận trong bản thỏa thuận mới là việc giới hạn phạm vi hoạt động của dự án sách số hóa. Google được phép scan những cuốn sách xuất bản tại một số ít các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU) nhưng không bao giờ được phép bán chúng tại Mỹ. Google cũng tạo cơ hội cho các nhà xuất bản và các tác giả châu Âu tham gia ủy ban giám sát việc xử lý nội dung các cuốn sách nhưng rõ ràng không đủ làm hài lòng tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản châu Âu nên hầu hết các quốc gia EU đều rút khỏi bản thỏa thuận trên.
 
Bản quyền sách số: Google thất thế tại EU, gặp khó ở Trung Quốc - 1
Nếu trôi chảy, dự án số hóa sách của Google sẽ tạo ra một thư viện sách trực tuyến lớn nhất thế giới

 

Trong một tuyên bố mới đây, Richard Sarnoff, chủ tịch hiệp hội các nhà xuất bản Hoa Kỳ khẳng định “Thỏa thuận mới này đã loại bỏ khoảng 95% số các tác phẩm sách của nước ngoài ra khỏi dự án số hóa sách của Google”

 

Anh cùng với Canada và Úc (nhưng không bao gồm Ai-len hay New Zealand) là những quốc gia ngoại lệ “chung sức” với Google tiếp tục ước mơ “sách số hóa”. Đơn giản vì đây là những nước có luật bản quyền và kinh doanh xuất bản gần như tương đồng với Mỹ. Mỗi quốc gia sẽ góp mặt ít nhất 2 đại diện vào Book Registry: một nhà xuất bản, một nhà văn.

 

Cũng theo quy định của thỏa thuận mới này, Google sẽ phải giữ lại toàn bộ số tiền mà họ thu được từ các cuốn sách không thể tìm được hoặc liên lạc được với tác giả trong vòng 10 năm. Nếu trong thời gian đó, họ tìm được tác giả, số tiền trên sẽ được hoàn trả hoặc sung vào các quỹ từ thiện nếu sau 10 năm không có ai nhận. Các tác giả cũng nhận một số các quyền lợi, chẳng hạn như quyền từ chối việc phân xử các tranh chấp và có thể tham dự bất cứ vụ phân xử nào thông qua hội thảo truyền hình để tiết kiệm chi phí đi lại…

 

Tuy nhiên, không phải Google không được lợi trong bản thỏa thuận sửa đổi. Mặc dù có ít quốc gia châu Âu đồng thuận với dự án của mình như theo quy định, Google cũng sẽ được thoải mái hơn trong việc có thể chủ động giảm giá, khuyến mãi đối với khách hàng mà không cần phải được sự chấp thuận của nhà xuất bản như trước. Đồng thời điều khoản ràng buộc nhằm ngăn cản các đối thủ khác cũng thực hiện chương trình số hóa sách này cũng đã được gỡ bỏ.

 

Tìm “cửa thoát” ở Trung Quốc

 

Tuần này, Google sẽ cử một đại diện đến Trung Quốc để đàm phán về vấn đề bản quyền sách của nước này, một nhà lãnh đạo cấp cao của Google tuyên bố vào ngày 15/11.

 

Đây được xem là một động thái tích cực của gã khổng lồ tìm kiếm Google nhằm làm dịu các lá đơn khiếu nại Google của các tác giả Trung Quốc về vấn đề vi phạm bản quyền. 
 
Bản quyền sách số: Google thất thế tại EU, gặp khó ở Trung Quốc - 2
Những cuốn sách  nổi tiếng được đưa lên Google Books

 

Daniel Alegre, Phó chủ tịch bán hàng và hoạt động châu Á - Thái Bình Dương của Google khi trả lời phỏng vấn của tờ Xinhua cũng cho biết ông không chắc về việc ai sẽ là người tới Trung Quốc để nói chuyện với Tổ chức bản quyền tác phẩm viết Trung Quốc (CWWCS) vào tuần này.

 

Theo ước tính của tổ chức CWWCS, gần 18.000 cuốn sách từ 570 tác giả Trung Quốc đã bị Google quét và đưa vào thư viện sách số Google Books của hãng này dành cho người dùng Internet chỉ mở Mỹ. Hầu hết các tác giả đều không được trả tiền bản quyền theo quy định.

 

“Cho đến nay không có tác giả nào chúng tôi tiếp xúc đồng ý cho Google quét sách”, Zhang Hongbo, phó giám đốc của CWWCS nói.

 

Ông Zang khẳng định việc vi phạm của Google đối với các quyền của các tác giả Trung Quốc là rất nghiêm trọng.

 

Ông Daniel cho biết cũng có thể hiểu được việc các tác giả Trung Quốc không hài lòng với chuyện tác phẩm của họ bị quét. Nhưng ông cũng giải thích do số lượng sách bị quét là khổng lồ nên rất khó có thể liên hệ với từng tác giả.

 

Người dùng Internet sẽ chỉ có thể tìm thấy các cuốn sách thông qua Google, không phải để đọc hay tải về miễn phí, ông Daniel nhấn mạnh.

 

Võ Hiền

Theo ChinaDaily/ Arstechnica