“Làn sóng” phản đối tham vọng số hóa sách của Google tăng nhiệt

(Dân trí)- Bất chấp những nỗ lực xoa dịu của Google, những tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền sách số của hãng này vẫn tiếp tục gây chú ý. Làn sóng phản đối với những vụ kiện từ khắp nơi trên thế giới đang đặt hãng này vào tình thế nan giải.

“Làn sóng” phản đối tham vọng số hóa sách của Google tăng nhiệt - 1


Pháp nhảy vào cuộc chống lại Google

Một tòa án tại Paris, Pháp ngày 18/12 đã ra phán quyết buộc tội Google đang vi phạm luật bản quyền của quốc gia này với dự án số hóa sách và áp dụng khoản phạt lên đến 10.000 euro (tương đương 14.300 USD) mỗi ngày cho đến khi gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ chịu xóa bỏ cơ sở dữ liệu của các tác phẩm văn học chưa được phép.

Một thẩm phán cũng yêu cầu Google phải trả 300.000 euro cho nhà xuất bản Pháp La Martiniere để bồi thường những thiệt hại và tổn thất mà nhà xuất bản này phải gánh chịu. Tuy nhiên, đây chỉ là một trường hợp đại diện cho một nhóm các nhà xuất bản nước Pháp.

Alexandra Neri, luật sư riêng của Google tuyên bố hãng này đang lên kế hoạch kháng cáo lại bản án trên.

Kế hoạch quét hàng triệu cuốn sách và đưa chúng lên mạng của Google đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía các nhà xuất bản, các thư viện ở cả Mỹ và châu Âu.

Thậm chí nếu vụ việc trên không gây tác động tài chính lớn lên Google hoặc tạo ra một bước ngoặt lớn trong chiến lược quét sách khổng lồ của hãng này thì đó cũng là một lời cảnh báo rằng tham vọng của Google đang khiến xung đột gia tăng, kèm theo đó là lo ngại trước thế lực quá lớn mạnh của Google.

Chủ tịch tổ chức các nhà xuất bản Pháp (SNE) Serge Eyrolles cho biết ông “hoàn toàn hài lòng” với bản án trên.

“Nó cho Google thấy rằng họ không phải là ông vua của thế giới và họ không thể làm bất cứ điều gì họ muốn”, ông Serge Eyrolles khẳng định Google đã quét 100.000 cuốn sách của nước Pháp vào cơ sở dữ liệu của hãng này – 80% trong số đó vẫn còn trong thời hạn bảo vệ quyền tác giả.

Ông Eyrolles cũng cho biết các nhà xuất bản Pháp vẫn muốn làm việc với Google để bàn về vấn đề số hóa những cuốn sách của họ, “nhưng chỉ khi họ chịu dừng hành động giỡn chơi với chúng tôi và bắt đầu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ”.

Philippe Colombet, người đứng đầu dự án số hóa sách của Google tại Pháp cho biết hãng này không đồng ý với phán quyết trên của tòa án.

“Độc giả nước Pháp hiện đang đối mặt với nguy cơ mất quyền truy cập vào một nơi quan trọng của kiến thức và sẽ tụt hậu so với những người sử dụng Internet ở những quốc gia khác”, Colombet tuyên bố. “Chúng tôi tin rằng việc hiển thị một số lượng giới hạn những đoạn trích ngắn từ các cuốn sách tuân thủ luật bản quyền sách ở cả Pháp và Mỹ - điều đó cải thiện cách tiếp cận với những cuốn sách”.

Google đã đứng ra bảo vệ việc công bố những đoạn trích có bản quyền của hãng tại một phiên toà khác vào tháng 9 vừa qua.

Một luật sư bên phía các nguyên đơn cho rằng việc sử dụng các trích đoạn được tuyển chọn mà không xin phép là “một biểu hiện tồi tệ của dự án này”.

Các tác giả và nhà xuất bản của Mỹ cũng đã đệ đơn kiện Google. Các bên đã đi đến thỏa thuận nhưng đang phải thương lượng lại sau khi Bộ Tư pháp Mỹ kết luận thỏa thuận ban đầu có thể vi phạm luật chống độc quyền.

Cơ quan chống độc quyền hãng đầu Mỹ và các chính phủ ở Đức và Pháp cũng đang phản đối về bản thỏa thuận trên đã đi quá giới hạn của nó.

Nữ nhà văn Trung Quốc kiện Google

Mian Mian - Một nữ nhà văn Trung Quốc cũng đã lên tiếng cáo buộc Google vi phạm bản quyền và đệ đơn kiện chống lại gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ lên một tòa án Bắc Kinh.

Mian Mian, một tiểu thuyết gia nổi tiếng ở Thượng hải cho biết Tòa án nhân dân quận Haidian đang lên kế hoạch tổ chức một buổi điều trần về vụ việc này vào ngày 29 tháng 12 tới.

“Trước đó, Google đã phủ nhận họ không vi phạm luật bản quyền vì họ chỉ hiển thị một phần nhỏ trong cuốn sách của tôi. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng hành động của họ đã xâm hại nghiêm trọng quyền của các tác giả Trung Quốc”, Mian Mian tuyên bố trên China Daily.

Mian cũng cho biết Google đã quét lại toàn bộ cuốn tiểu thuyết có tựa đề “Acid Lover” của cô được nhà xuất bản tổng hợp Thượng Hải phát hành mà không hề thông báo hay trả tiền bản quyền cho cô.

Google Trung Quốc đã xóa tiểu thuyết “Acid Lover” của Mian khỏi trang web của họ vào ngày 15/11.

Tuy nhiên, Mian khẳng định công cụ tìm kiếm từ khóa của Google vẫn cho kết quả là các đoạn văn trong cuốn sách của cô.

“Đây là một cách tàn bạo để giới thiệu tác phẩm văn học của tôi, bởi các đoạn văn không liền nhau xuất hiện trên mạng đã hủy hoại câu chuyện của tôi”, Mian nói.

“Tôi cũng muốn hỏi Google tại sao họ chỉ thể hiện sự tôn trọng của họ về vấn đề bảo vệ bản quyền đối với những nhà xuất bản nổi tiếng bên Mỹ”, cô cho biết.

Google còn quét ảnh minh họa trang bìa một cuốn tiểu thuyết khác của Mian có tựa đề “Candy” được nhà xuất bản Little Brown trực thuộc Time Warner phát hành.

Mian đã yêu cầu Google xóa tất cả những văn bản về cuốn sách của cô và đưa ra một lời xin lỗi cô công khai trước công chúng.

Nhà văn này cũng yêu cầu Google phải bồi thường 60.000 nhân dân tệ (khoảng 8.785 USD) vì những tổn thất về kinh tế và tinh thần mà cô phải chịu.

Sun Jingwei, luật sư  của Mian Mian ở công ty luật Yingke có trụ  sở tại Bắc Kinh cho biết ông đã chuẩn bị  bằng chứng cho vụ việc này, mặc dù cuốn sách đã bị Google xóa bỏ trên hệ thống của mình.

“Mian là nhà văn Trung Quốc đầu tiên kiện Google về quyền tác giả bằng danh nghĩa của chính mình. Vụ việc này có thể khuyến khích thêm nhiều nhà văn Trung Quốc tham gia vào việc bảo vệ quyền tác giả”, ông Sun nói.

Cuối tháng trước, Tổ chức bản quyền tác phẩm viết Trung Quốc (CWWCS) chuyên bảo vệ quyền tác giả của các nhà văn Trung Quốc cho biết Google đã quét 18.000 cuốn sách từ 570 tác giả Trung Quốc mà không hề xin phép và đưa vào thư viện sách số Google Books của hãng này dành cho người dùng Internet chỉ mở ở Mỹ.

Ngày 20/11, Google cũng đồng ý cung cấp một danh sách các cuốn sách của Trung Quốc bị hãng này quét đưa lên thư viện sách số  của hãng. Tuy nhiên, Google vẫn “ngoan cố” không thừa nhận mình vi phạm luật bản quyền.

Zhang Hongbo, phó giám đốc của CWWCS cho biết luật sư của nhà văn Mian Mian đã thông báo cho ông thông tin này một tuần trước.

“Nếu Mian Mian chiến thắng vụ kiện này, điều đó sẽ hỗ trợ các cuộc đàm phán của chúng tôi với Google”, Zang nói. Ông cũng nhấn mạnh không nên nhầm lẫn giữa việc một cá nhân tác giả kiện Google với cuộc đàm phán chính thức.

Chen Qirong, phát ngôn viên của Hội nhà văn Trung Quốc (CWA) khẳng định vụ  kiện mang tính cá nhân của nhà văn Mian không đi ngược lại với việc đàm phán chính thức được sắp xếp bởi CWA và CWWCS, nhưng có thể làm việc cùng nhau để gây áp lực hơn lên Google.

“Một mình CWA và CWWCS không làm đủ để bảo vệ quyền tác giả của các nhà văn Trung Quốc, vấn đề này cần phải được tăng cường trong tương lai”, ông Chen nói.

Ông Chen cũng cho rằng CWA đánh giá cao và đồng tình vụ kiện của Mian Mian nhằm bảo vệ lợi ích của mình.
Võ Hiền
Theo ChinaDaily, AP