“Yêu” khi bầu bí chỉ là “chuyện nhỏ”

(Dân trí) - Nếu mang thai lần đầu hẳn bạn sẽ đầu tư rất kỹ cho vụ nghiên cứu, tập hợp các lời khuyên từ lúc có thai cho tới khi chuyển dạ. Nhưng còn “chuyện ấy”? Dưới đây là những câu hỏi và trả lời rất “đắt”, giúp “chuyện ấy chỉ là chuyện nhỏ”.

  

“Yêu” khi bầu bí chỉ là “chuyện nhỏ” - 1


“Chuyện ấy” không thể thiếu?

 

Tất nhiên rồi! Miễn là quá trình mang thai của bạn hoàn toàn bình thường. Chỉ lưu ý là không phải lúc nào cũng có hứng thú với “chuyện ấy” như giai đoạn trước khi mang bầu. Nguyên nhân thì có rất nhiều như do sự dao động bất thường của hormone, cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn…

 

Tuy nhiên, sang giai đoạn thai kỳ thứ 2, máu sẽ được tăng cường vận chuyển tới cơ quan sinh dục và ngực khiến sự khao khát, ham muốn tăng lên.

 

Vào giai đoạn thai kỳ thứ 3, cảm giác của giai đoạn đầu quay lại do cân nặng đã thay đổi nhiều, đau lưng hoặc thai phụ sẽ tràn đầy sinh lực nhờ kinh nghiệm thu lượm được từ 2 giai đoạn trước đó.

 

Nếu không có ham muốn thì sao?

 

Đây là một điều hoàn toàn bình thường và thay vì “chuyện ấy”, có nhiều lựa chọn khác giúp mối quan hệ giữa 2 vợ chồng vẫn nồng ấm. Hãy chia sẻ những nhu cầu và lo lắng với bạn đời để tìm ra cách phù hợp. Hãy thử vuốt ve, ôm hôn hay mát-xa cho nhau. Điều quan trọng là không bao giờ ngừng âu yếm nhau.

 

Thời điểm nào nên cẩn thận?

 

Các bác sĩ phụ khoa thường khuyến nghị thai phụ nên tránh “yêu” nếu có nguy cơ sinh non, chảy máu bất thường, mắc bệnh són tiểu, tử cung bị giãn hay nhau thai có vấn đề…

 

Sex có thể dẫn tới sẩy thai?

 

Không. Nếu bạn không cảm thấy có bất kỳ đau đớn nào và không thuộc nhóm có nguy cơ cao thì “chuyện ấy” hoàn toàn an toàn. Nhiều cặp vợ chồng kiêng “yêu” bởi vì họ sợ sẩy thai nhưng thực tế thì sẩy thai là do sự bất thường của nhiễm sắc thể. Và khi đó, bạn chẳng thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn rủi ro đó.

 

Có thể “yêu” bằng miệng?

 

Đừng e ngại. Miễn là cả 2 đều cảm thấy thoải mái. Lưu ý rằng trong quá trình “yêu” bằng miệng, đối tác nên tránh thổi không khí vào “vùng kín” vì có thể đe dọa tính mạng của mẹ và bé do mao mạch máu bị chặn lại.

 

Còn tiếng động thì sao?

 

Những tiếng động phát ra trong quá trình “yêu” không ảnh hưởng gì đến thai nhi cả. Bé lúc này đang được bảo vệ bởi nước ối và cả “nút thắt” ở cổ tử cung. Nhiều ông bố tương lai lo sợ bé có thể cảm nhận được “cậu nhỏ” của mình và kết quả là kiêng gần vợ. Tất nhiên là bé cảm nhận được khi bạn “yêu” nhưng hoàn toàn chẳng hiểu đó là sex.

 

Tư thế nào tối ưu?

 

Đa phần các tư thế đều ổn, miễn là bạn cảm thấy thoải mái. Tư thế “úp thìa” có lẽ là tốt nhất nhưng với điều kiện là nam giới nằm dưới. Tránh các tư thế mà lưng của thai phụ áp vào giường.

 

Thai phụ luôn đạt được khoái cảm?

 

Một số phụ nữ “lên đỉnh” trong giai đoạn đầu mang thai bởi vì lượng dịch gia tăng ở khu vực nhạy cảm.

 

Khoái cảm tốt cho cả mẹ và bé. Và bạn yên tâm là khi đạt được khoái cảm, bé sẽ chẳng biết là do chuyện gì đang xảy ra đâu.

 

Khoái cảm có thúc đẩy chuyển dạ?

 

Khoái cảm có thể gây kích thích tử cung nhưng không gây ra chuyển dạ. Nếu quá trình thai nghén bình thường thì dù bất kỳ lý do nào, khoái cảm cũng không thể dẫn tới sinh non.

 

Theo các chuyên gia, có một số chất trong tinh dịch có thể làm mềm tử cung và kích thích quá trình chuyển dạ nhưng lượng chất đó quá ít, không đủ để gây ra chuyện.

 

Điều gì xảy ra sau khi bé chào đời?

 

Cơ thể người mẹ cần có thời gian để phục hồi và hầu hết các lời khuyên đều cho rằng nên kiêng ít nhất 6 tuần đầu sau sinh. Đây là thời điểm để cho tử cung co lại và mọi tổn thương đã lành hoàn toàn. Nếu quá mệt hoặc cảm thấy sợ “chuyện ấy” thì hãy thay thế “chuyện yêu” bằng những lời yêu thương, để bạn đời hiểu được tâm tư của bạn.

 

Hãy trò chuyện mỗi tối trước khi đi ngủ để biết rằng khi nào là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu lại “cuộc yêu”.

 

Điều gì xảy ra nếu ông xã từ chối?

 

Có một số trường hợp nam giới mất ham muốn với vợ. Thường thì là do qua mệt mỏi, chưa kịp thích nghi với vai trò mới - làm cha. Nhưng cũng có thể là họ lo làm tổn thương vợ sau khi đã trải qua một cuộc vượt cạn. Chia sẻ tâm tư, tình cảm với nhau vẫn là cách tốt nhất để khơi dậy lại “hương lửa” ngày nào.

 

Phương Uyên

Theo health24

Dòng sự kiện: Mang thai