Vụ phòng khám Maria: Cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm?

(Dân trí) - Không chỉ ghi dấu ấn bằng tần suất quảng cáo dày đặc, phòng khám Maria còn "nổi" bởi một loạt sai phạm. Và việc chỉ phạt tiền, không phát hiện bác sĩ Trung Quốc chữa bệnh liệu có phải là nguyên nhân dẫn tới trường hợp tử vong đáng tiếc của chị Phong?

Bác sĩ Trung Quốc: Sở Y tế bảo không, quảng cáo nói có

 

Trước khi sai phạm làm chết người tại phòng khám này được phanh phui, rất nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi comment đến báo Dân trí, họ đến đây khám vì được nghe quá nhiều quảng cáo rằng phòng khám Maria có nhiều “BS Trung Quốc giàu kinh nghiệm” khám chữa.

 

Vậy nhưng khi đọc lý lịch học tập của hai giúp việc bác sĩ người Trung Quốc đang công tác tại phòng khám này mới thấy, lâu nay, nhiều chị em phụ nữ vào phòng khám Maria để được “bác sĩ Trung Quốc” chuyên khoa phụ sản khám chữa là lừa bịp. Bởi trên thực tế, không chỉ là giúp việc bác sĩ (chỉ làm phụ giúp bác sĩ được cấp phép khám, chữa bệnh như ghi chép sổ sách, cắt chỉ, thay băng, đô nhiệt độ, huyết áp… mà không được trực tiếp khám chữa bệnh, kê đơn), hai vị bác sĩ Lôi Hồng và Hoàng Đình Lập này cũng không liên quan gì đến cái gọi là “chuyên khoa phụ sản”.

 

Giúp việc bác sĩ Lôi Hồng đã tốt nghiệp 5 năm hệ chính quy chuyên ngành Y học lâm sàng khoa Y của Viện Y học Cát Lâm. Còn giúp việc bác sĩ Hoàng Đình Lập trong hơn 3 năm học từ 1993 - 1997 đã học Đại học ban đêm chuyên ngành điều trị lâm sàng tại Đại học Y khoa Thiên Tân.

 

“Y học lâm sàng là chuyên ngành điều trị chung, gần giống như bác sĩ đa khoa chứ không phải là bác sĩ chuyên khoa phụ sản”, một bác sĩ đang công tác tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết.


Phòng khám Maria: Tồn tại nhờ bị phạt tiền liên tục?

Trích ngang hồ sơ, bằng cấp của giúp việc bác sĩ Lôi Hồng lưu tại hồ sơ cấp phép Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.Hải

Và vì là giúp việc bác sĩ tham gia chữa bệnh nên mới có chuyện “phán” bệnh nhân bình thường thành sùi mào gà, có dấu hiệu ung thư. Đó là trường hợp của chị Đ.T.K.Q (35 tuổi, ở Q.Đống Đa, Hà Nội) khi đến đây kiểm tra vòng tránh thai đã được một bác sĩ người Trung Quốc khám, có người phiên dịch. Sau khi làm một loạt các xét nghiệm như: dịch âm đạo, nước tiểu, siêu âm, nhóm máu… , vị bác sĩ khám cho chị đề nghị điều trị ngay nếu không căn bệnh của chị sẽ dẫn đến ung thư rất nhanh…

 

Chưa đồng ý bởi giá điều trị cao, ngay tối hôm khám bệnh chị nhận được điện thoại một người xưng là nhân viên của PK này, tư vấn và giải thích thêm tình trạng bệnh đồng thời đe: “BS nói chị còn bị mắc thêm bệnh sùi mào gà, nếu không chữa sẽ lây sang chồng và các con”. Sốc với bệnh tật của mình nhưng trải qua 4 ngày điều trị với chi phí gần 24 triệu đồng, chị Q “choáng” hơn sau khi được biết phải điều trị thêm ít nhất 15 ngày nữa. Chị quyết định ngừng điều trị và vào một cơ sở y tế công lập để kiểm tra và điều trị tiếp. Tại đây, chị được các BS cho biết không bị bệnh gì, sức khỏe hoàn toàn bình thường!

 

Khi tiếp nhận đơn phản ánh của chị Q, Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện phòng khám. Bà Phạm Thị Minh Trang, đại diện Phòng khám Đa khoa Maria cho rằng, có thể bác sĩ hoặc người phiên dịch diễn đạt không rõ ràng khiến bệnh nhân hoang mang. Bác sĩ này (có tên dịch ra tiếng Việt là Lôi Hồng) hiện đã về nước nghỉ phép. Như vậy, khi trả lời trước cơ quan chức năng, đại diện phòng khám này đã tự phong cho giúp việc bác sĩ Lôi Hồng trở thành bác sĩ điều trị!

 

Vì thế, thanh tra Sở Y tế Hà nội chỉ đưa ra chỉ đạo: “Phòng khám Maria cần phải xét lại quy cách quản lý và phân công trách nhiệm cho các nhân viên một cách nghiêm túc. Không thể có chuyện một nhân viên, y tá gọi điện tư vấn hay giải thích tình trạng bệnh của bệnh nhân thay vai trò bác sĩ để mời bệnh nhân đến điều trị” chứ không đề cập gì đến việc giúp việc bác sĩ trở thành bác sĩ khám bệnh. Cũng trong đợt thanh kiểm tra cơ sở này, Sở Y tế Hà Nội đã phạt phòng khám Maria về tội quảng cáo vượt phép với mức phạt 11,5 triệu đồng rồi lại cho tiếp tục khám bệnh.

 

Để rồi, khi một bệnh nhân tử vong thì bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế lại khẳng định: “Tại phòng khám Maria chưa từng có bác sĩ người Trung Quốc nào được cấp phép khám chữa bệnh, mà chỉ có hai người với nhiệm vụ giúp việc bác sĩ. Đây cũng là cơ sở khám chữa bệnh duy nhất chỉ có người Trung Quốc làm giúp việc bác sĩ trong tổng số 13 cơ sở khám chữa bệnh có bác sĩ TQ trên địa bàn Hà Nội”.

 

Thậm chí, trả lời báo giới vấn đề này chiều 17/7, bà Lưu Thị Liên còn cho rằng: “Đây là lần đầu tôi nghe các bạn phản ánh chuyện này, tôi hứa sẽ chỉ đạo Thanh tra báo cáo vụ việc, xem có thực sự có bác sĩ Trung Quốc khám cho bệnh nhân này mà không xử lý hay không”.

 

Phạt cho tồn tại vì không phát hiện được!

 

Trước đó, riêng trong năm 2011, PK này đã 3 lần bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Trong đó nặng nhất là bị phạt 26 triệu đồng vì sử dụng BS nước ngoài khi chưa được cấp phép (tháng 10) và 2 lần còn lại là phạt mức 7,5 triệu đồng và 6,5 triệu đồng vì vi phạm quy định hành nghề y dược (tháng 5, thang 6).

 

Trả lời câu hỏi vì sao phòng khám này sai phạm liên tiếp vẫn tiếp tục cho hoạt động, chỉ đến khi xảy ra hậu quả chết người mới đình chỉ, bà Liên cho rằng: “Hành vi vi phạm phải xác định ở thời điểm kiểm tra. Khi kiểm tra chúng tôi không phát hiện có bác sĩ người Trung Quốc tại cơ sở này mà chỉ thấy họ quảng cáo quá phạm vi cấp phép và đã tiến hành phạt theo đúng quy định. Thời điểm kiểm tra, họ mắc lỗi đến đâu chúng tôi đã xử phạt đến đó, theo đúng quy định”.

 

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cũng cho rằng: “Về mặt hành chính, họ sai đâu thì xử lý đấy, không thể cứ họ sai là mình có thể tước giấy phép hành nghề bởi việc xử phạt có quy định rất rõ ràng. Ngoài hình thức phạt chính là phạt tiền còn có hình thức phạt bổ sung là tước chứng chỉ, tước giấy phép khám chữa bệnh có thời hạn hoặc không có thời hạn, những hành vi nào bị mức phạt này quy định rất rõ, chứ không thể muốn tước là tước được mà vi phạm mức nào xử lý mức đó”, ông Cường nói.

 

Tú Anh