1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ dân số già

Tú Anh

(Dân trí) - Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 trở lên chiếm 14,2% tổng dân số. Sau 20 năm, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già.

Tại hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giữa Nhật Bản - Việt Nam, do Tổng cục Dân số, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á và ASEAN, Hiệp hội Y tế Tiên tiến Nhật Bản tổ chức sáng 29/4, các chuyên gia đánh giá, già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất thế giới.

Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ dân số già - 1

Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Minh Nhân).

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, trên thế giới, tỷ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số già cũng tăng lên nhanh chóng.

Theo đó, Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số.

Năm 2021, số người cao tuổi Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người cao tuổi. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.

Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 14,2% tổng dân số. Sau 20 năm (2036-2055), Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già.

Theo các chuyên gia, già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về cơ hội, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động…

Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng… đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ…

Tại Hội thảo, bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (TP HCM) cho biết, người cao tuổi Việt Nam vẫn có tư duy đầu tư cho tuổi già bằng cách đầu tư cho con cái.

"Nguồn thu nhập của người già ở Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cháu. Càng lớn tuổi, sự phụ thuộc này càng lớn; nguồn từ tiết kiệm rất ít ỏi trong khi số người có lương hưu, trợ cấp xã hội còn hạn chế", bà Ninh nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, Nhật Bản là một quốc gia có dân số siêu già hiện nay. Nhóm dân số cao tuổi (65 tuổi trở lên) của Nhật Bản năm 2022 là 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số.

Dự báo đến năm 2030, nhóm dân số cao tuổi sẽ tăng lên là 37,3 triệu người nhưng lại chiếm tới 31% tổng dân số Nhật Bản (do mức sinh giảm, quy mô dân số cũng giảm) và sẽ tiếp tục tăng lên đến gần 40% tổng dân số vào năm 2060.

Nhật Bản là quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm ứng phó với dân số già, như việc tái cấu trúc hệ thống y tế, chăm sóc lão khoa, xây dựng và quản trị cơ sở chăm sóc người cao tuổi, xây dựng các chế độ chính sách an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng và việc phát huy vai trò, chăm sóc người cao tuổi...

Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, những mô hình, cách làm hay và sự sáng tạo của Nhật Bản trong việc thích ứng với già hóa dân số.

Giáo sư Naoki Kondo, Trưởng khoa Dịch tễ học xã hội, Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Kyoto cho biết, để thích ứng với tình trạng già hóa dân số, Nhật Bản đã thành lập các "quán" cộng đồng (nơi tụ họp xã hội) để ngăn ngừa khuyết tật chức năng ở người cao tuổi.

"Tại các "quán" cộng đồng này, người già có thể tương tác với nhau giảm một nửa tỷ lệ người cần chăm sóc điều dưỡng", Giáo sư Naoki Kondo thông tin.