1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Việt Nam chưa có luật riêng về thực phẩm chức năng

Nam Phương

(Dân trí) - Tại nước ta, tỷ lệ người sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên nhanh chóng, hiện 50% dân số sử dụng. Tuy nhiên, đến nay hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ để quản lý tốt hơn lĩnh vực này.

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng, tỷ lệ người sử dụng thực phẩm chức năng đã tăng lên nhanh chóng, hiện nay là 50% dân số và dự kiến đến năm 2030 sẽ là 70% dân số. Đáng chú ý nếu như trước đây 90% sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải nhập khẩu thì hiện nay con số này giảm xuống còn 40%. 60% thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, đến nay hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ để quản lý tốt hơn lĩnh vực này. Nước ta chưa có luật riêng về thực phẩm chức năng. Trong khi đó, nhiều nước như Nhật, Mỹ, Trung Quốc đã có luật về thực phẩm chức năng trên, dưới 30 năm. 

Chia sẻ bên lề lễ ra mắt Viện Thực phẩm chức năng ngày 27/10, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng cho biết: "Rất nhiều nước trên thế giới đã có luật về thực phẩm chức năng từ lâu. Có luật thì công tác quản lý sẽ tốt hơn, để đảm bảo thực phẩm chức năng đạt tiêu chuẩn, tránh bị làm giả, tránh hiểu sai về thực phẩm chức năng".

Việt Nam chưa có luật riêng về thực phẩm chức năng - 1

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết thực tế có nhiều doanh nghiệp không nghiên cứu đầu tư, đưa ra thị trường các sản phẩm không có tác dụng hoặc là nhái nhãn mác, công nghệ của các sản phẩm có chất lượng.

Vì thế, Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo quy chuẩn Việt Nam về các giới hạn các chất ô nhiễm có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tới đây, Bộ Y tế có thể đặt ra tiêu chuẩn chất lượng với thực phẩm bảo vệ sức khỏe như các sản phẩm thuốc.

Theo dược sĩ Hoàng, hệ thống máy móc tại Viện đều phát hiện được các chất cấm dù là hàm lượng rất nhỏ chất cấm, chất gây ô nhiễm trong các sản phẩm. Việc này giúp cho công tác quản lý hậu kiểm. Bên cạnh đó, Viện cũng thành lập Hội đồng Đạo đức nên có thể triển khai các nghiên cứu đánh giá trên lâm sàng. Đơn vị sẽ phối hợp với các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên triển khai nghiên cứu đánh giá hiệu quả thực phẩm bảo vệ sức khỏe để chứng minh công dụng hỗ trợ điều trị sản phẩm theo quy định.

"Chúng ta phải tiến tới định lượng được thành phần trên trong sản phẩm chứ không chỉ là định tính như bây giờ. Với hệ thống máy móc hiện đại, Viện có khả năng phát hiện được các chất chấm, chất gây ô nhiễm trong sản phẩm", dược sĩ Hoàng nói. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030, một trong những định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ là việc nghiên cứu phát triển nguồn thảo dược, sản xuất các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.