1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Vì sao mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đang thất bại?

Mô hình điều trị ma túy dựa vào cộng đồng được xem là một mô hình mang tính nhân văn, không tách rời người nghiện ra khỏi cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, đến nay mô hình này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, và chưa thể giải quyết được vấn đề cai nghiện.

 

Mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở TP.HCM gặp thất bại ( ảnh TL)

Mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở TP.HCM gặp thất bại ( ảnh TL)

  

Thất bại của một mô hình

 

Năm 2012, TPHCM triển khai mô hình cai nghiện ma túy dựa vào gia đình và cộng đồng với 244/322 phường xã, thị trấn lập tổ công tác cai nghiện ma túy, hình thành 5 tổ tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

 

Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2014, nếu không tính số lượng cai nghiện tại Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy và 3 cơ sở cai nghiện tư nhân thì toàn TP chỉ có 43 người tham gia mô hình cai nghiện ma túy dựa vào gia đình và cộng đồng. Trong đó chỉ có 12 người thành công và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện.

 

Nếu so với tổng số hơn 9.000 người đang thực hiện điều trị tự nguyện và bắt buộc trong 16 cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố thì đây quả là con số vô cùng khiêm tốn.

 

Không chỉ tổ tư vấn, tổ cai nghiện mà ngay như cả Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM) - tổ chức triển khai thực hiện mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng từ tháng 4.2013 đến nay cũng không giải quyết được việc cai nghiện.

 

Với chức năng vừa tư vấn vừa tổ chức cai nghiện, nhưng từ đó đến nay trung tâm này cũng chỉ mới tiếp nhận và điều trị cho 134 lượt bệnh nhân, với 105 người.

 

Điều đáng nói, trong số đó có tới gần 75% lượt bệnh nhân tự ý bỏ dở chương trình điều trị, và chưa có bệnh nhân nào hoàn thành toàn bộ nội dung tư vấn, đáp ứng mong mỏi của dự án.

Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy TPHCM thừa nhận, đòi hỏi sự tự giác của người nghiện ở mô hình này là rất khó.

 

Rất ít trường hợp tự đến cai nghiện mà đa phần là do gia đình đưa đến. Nguyên nhân chính là do sự kỳ thị trong cộng đồng đã khiến cho thân nhân, gia đình người nghiện không chủ động khai báo tình trạng nghiện. Thay vào đó, họ lựa chọn các trung tâm cai nghiện tư nhân có thu phí vì những thông tin cá nhân được bảo mật.

 

Ngoài ra, cũng theo ông Quý, công tác quản lý, tư vấn, giáo dục để giúp bệnh nhân rèn luyện hành vi nhân cách cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, thời gian cắt cơn là 15 ngày, người nghiện phải tuân thủ chặt chẽ, hạn chế gặp gia đình; nhưng mới qua 4 đến 5 ngày người nghiện lại đòi về.

 

Nên lồng ghép với chương trình Methadone

Dù thừa nhận, cái nghiện ma túy dựa vào gia đình, dựa vào cộng đồng là một chủ trương tốt, giúp người nghiện luôn hòa nhập với cộng đồng, gắn bó với gia đình, nhưng theo TS.BS Lê Trường Giang, chủ tịch Hội y tế công cộng TPHCM với cách làm như hiện nay là không ổn.

“Với mô hình này người nghiện ma túy vẫn ở trong cộng đồng, nơi mà người nghiện có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn ma túy cung ứng, người nghiện rất khó từ bỏ ma túy.

 

Hơn nữa, khoa học đã chứng minh, người nghiện ma túy đã mắc bệnh ở não bộ, cần phải có nghị lực rất lớn với thời gian rất dài để có thể từ bỏ ma túy. Do đó, nếu chỉ đơn thuần dựa vào sự chăm sóc, động viên ở tại gia đình và cộng đồng thì khó có thể người bệnh từ bỏ được ma túy”, ông Giang nói.

 

Cũng theo ông Giang, hiện nay việc cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng mà để cho các trạm y tế xã, phường tổ chức cai nghiện, cắt cơn thì điều này càng không có tính khả thi.

 

Các trạm y tế là nơi phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng dân cư ở địa phương, với rất nhiều loại bệnh tật, dịch bệnh mà các trạm y tế phải làm thì không thể nào có điều kiện để cắt cơn, điều trị cho người nghiện ma túy.

 

Theo ông Giang, biện pháp tốt nhất, thành phố nên gắn kết với chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

 

Việc đưa Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone vào mô hình cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng sẽ giải quyết được nhu cầu của người nghiện.

 

Bởi thực tế, TP làm thí điểm chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã chứng minh được hiệu quả trong việc cai nghiện, số bệnh nhân điều trị bằng Methadone đã cải thiện được sức khỏe, cải thiện được nhân cách, có công ăn việc làm, giúp cho xã hội an ninh trật tự, giúp cho gia đình nhẹ gánh hơn.

 

“Việc lồng ghép giữa 2 điều này có gặp đôi chút vướng mắc, do quy định mô hình cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng, nếu sau 2 năm không còn tái nghiện thì sẽ chấm dứt; trong khi đó, người sử dụng Methadone có thể sử dụng trong một thời gian dài hơn. Tuy nhiên đây là quy định, chúng ta có thể điều chỉnh được”, ông Giang cho biết.

 

Theo Hồ Quang

Một thế giới