Từ chối phong bì, bác sĩ giới thiệu bệnh nhân ra phòng khám ngoài

(Dân trí) - Chiều 12/10, tại bệnh viện K, nhiều người bệnh vẫn phàn nàn trước sự gắt gỏng của nhân viên y tế, băn khoăn vì phong bì kẹp vào sổ khám bị trả lại và có người bệnh được nhân viên y tế giới thiệu ra phòng khám ngoài.

Sợ bác sĩ mắng!
 
Chị Nguyễn Thị Hiền (30 tuổi ở Bắc Ninh), 5h sáng đã có mặt tại bệnh viện K để xếp hàng chờ lấy số. Đến 7h, bắt đầu phát số và đến cuối giờ trưa chị tới lượt khám phụ khoa, còn xét nghiệm máu, trên phiếu ghi số thứ tự 33 (tức là buổi chiều) còn siêu âm ổ bụng thì được bác sĩ hẹn sáng mai vì quá đông bệnh nhân.
 
Từ chối phong bì, bác sĩ giới thiệu bệnh nhân ra phòng khám ngoài  - 1
3h chiều, các nghế ngồi chờ khám dọc hành lang viện K vẫn kín mít. Ảnh: H.Hải
 
“Đông thì đã đành, nhưng tôi rất băn khoăn, khi phát số thì theo thứ tự, nhưng trong quá trình khám thấy bị xen ngang rất nhiều. Đi hỏi han nhiều người thì họ cứ úp mở, phải cảm ơn người ta thì mới nhanh được…Mà bác sĩ ở đây mặt lạnh tanh, vào khám bệnh mà không dám mở mồm hỏi bác sĩ lấy một câu vì sợ bị mắng”, chị Hiền nói.
 
Đang chia sẻ về việc chờ khám bệnh, thì bệnh nhân T.T.H (30 tuổi, Bắc Giang) ngồi sát cạnh chờ tới lượt lấy máu cũng bức xúc lên tiếng. “Làm gì có chuyện nhân viên y tế chào hỏi, niềm nở bệnh nhân. Mình mà không cẩn thận còn bị quát cho ấy chứ”. Và chị kể, sáng nay chị bị nhân viên chỉ dẫn mắng xơi xơi vì hỏi nơi lấy máu xét nghiệm…
 
Ngồi chờ đến lượt chụp cắt lớp ngay tại tầng 1, nhà A bệnh viện K, anh Phạm Văn Vũ (Thái Bình) đang thấp thỏm mong được chụp phổi để biết kết quả. Bởi trước đó một tháng, trong một lần cảm, anh có ho ra đờm có máu và đã đi khám, trải qua 15 ngày điều trị tại địa phương vì lao rồi được cho ra viện với kết luận không phải lao khiến anh rất băn khoăn, hai vợ chồng đã lặn lội lên Hà Nội khám. “Mọi xét nghiệm máu, siêu âm thì ổn rồi, chỉ còn chờ mỗi chụp phổi, nếu không có vấn đề gì thì sẽ về nhà mổ gà ăn mừng”, chị Nụ, vợ anh Vũ nói.
 
Theo anh Vũ, quá trình anh khám tại bệnh viện K khá thuận lợi, nhanh và bác sĩ khám rất nhiệt tình. “Chỉ mỗi tội, nhân viên y tế ở đây gắt gỏng quá. Người ta có bệnh, đi khám không biết gì thì mới phải hỏi, còn đã biết thì hỏi làm gì. Vậy mà thấy bóng áo trắng ở hành lang, cứ mở mồm hỏi về số thứ tự khám, khám ở đâu là y như rằng, im lặng đi, hoặc nếu có thì trả lời gắt”.
 
Khi được hỏi, nhân viên y tế “gắt” thế nào với anh? Anh Vũ chỉ chia sẻ “Bác sĩ thì khám nhiệt tình, dịu dàng, chỉ có những người ở nơi phát số, phòng bảo hiểm là gắt gỏng, không dịu dàng, không dùng những từ đẹp đẽ với người bệnh”.
 
Ngồi sát cạnh vợ chồng anh Vũ, chị N.T.Hoa (47 tuổi ở Thái Bình) mặt rầu rĩ, vì trong lúc chờ đến lượt khám, người yếu quá, chị phải nhờ chồng dìu ra ngoài và khi quay lại, lượt khám đã qua. Ngồi đợi đến cuối giờ buổi sáng, vợ chị mới dám hỏi nhân viên y tế và được chuyển tờ phiếu nội soi, trong đó ghi bác sĩ hẹn một tháng sau quay lại soi đại tràng. “Thấy bác sĩ hẹn 10/11 quay lại tôi đâm hoảng. Vì vợ chồng ở tận Thái Bình, vợ yếu cũng đã lâu mà thu xếp mãi mới lên khám được. Lần này lại cho về hẹn, thì bao mới đi được. Vì thế, tôi đã trình bày hoàn cảnh nhiều lần với nhân viên y tế, họ nói, gọi khản giọng không thấy tên thì đến lượt người khác, giờ đông bệnh nhân không soi được, về đến tháng sau lên, mà nếu muốn nhanh thì ra phòng khám ở Quán Sứ rồi mang kết quả vào đây”.
 
Theo đúng chỉ dẫn của nhân viên, vợ chồng anh ra phòng khám. “Nhưng chỉ với nọi soi mà phòng khám này hét giá 895 ngàn, đắt quá, vợ chồng tôi lại quay về viện, ngồi đợi đến cuối giờ chiều, hi vọng trình bày lại, bác sĩ hiểu thông cảm và khám giúp cho vợ”.
 
Từ chối phong bì, bác sĩ giới thiệu bệnh nhân ra phòng khám ngoài  - 2
Chồng chị Hoa lo lắng, bởi chỉ vì gọi quá lượt lên, họ đành phải về và đợi 1 tháng sau khám lại? Ảnh: H.Hải
 
Cả 4 bệnh nhân này, khi được hỏi, họ có kẹp phong bì vào sổ khám không thì đều cho biết: “Đưa phong bì họ không lấy đâu. Không cần quan tâm trong phong bì có bao nhiêu tiền đều bị trả lại hết. Thế mà trước khi đi khám, hàng xóm nhà tôi cũng mới khám tại bệnh viện này bày cách là phải “cảm ơn” bác sĩ bằng cách kẹp phong bì vào sổ. Giờ kẹp, họ có nhận đâu?”, anh Vũ nói.
 
Mới bắt đầu triển khai
 
Chiều qua, ngay dưới tầng 1, khi vẫn còn hàng mấy trăm bệnh nhân đang xếp hàng chờ khám, chờ kết quả với nhiều băn khoăn cũng như sự không hài lòng với nhân viên y tế chỉ dẫn, phát số, với một số bác sĩ mặt lạnh khiến bệnh nhân không dám mở mồm hỏi, cứ lặng lẽ để bác sĩ khám… thì ở tầng 2, hội trường của bệnh viện đang diễn ra Hội nghị triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử và nâng cao y đức trong bệnh viện K.
 
Tham gia hội nghị hầu hết là các trưởng, phó khoa của khoảng 40 khoa phòng tại bệnh viện. Họ được nghe bài trình bày về nghệ thuật giao tiếp, ứng xử của PGS.TS Ngô Toàn Định (nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế). Ngồi dự cùng hội nghị, chúng tôi không khỏi băn khoăn, vì như phần lớn số bệnh nhân chúng tôi tiếp xúc được phản ánh, bác sĩ thì đa số khám nhiệt tình, chu đáo, còn những nhân viên y tế khác (như ở nơi phát số, phòng bảo hiểm, nơi nhận sổ khám tại mỗi phòng…) mới là những người hay gắt gỏng. Vậy nên chăng đối tượng này (gồm những y tá, điều dưỡng…) cần thiết phải tham gia hội nghị? Một bác sĩ tham gia hội nghị giải thích, họ sẽ là người đi nghe rồi về trình bày lại cho các nhân viên trong khoa. Và cũng từ hôm nay, bệnh viện K mới bắt đầu triển khai, rồi mới tiến tới ký cam kết thực hiện với khoảng 40 khoa phòng trong những ngày tới đây.
 
Để thực hiện Quy tắc ứng xử và nâng cao y đức, bệnh viện K cũng quy định: Nhân viên Y tế phải có lời chào thân thiện khi tiếp xúc với người bệnh, người nhà bệnh nhân; Phải chỉ dẫn tận tình, cụ thể cho bệnh nhân, người nhà của bệnh nhân; Phải thăm khám tư vấn ân cần, chia sẻ chu đáo cho người bệnh; Nói không với phong bì bồi dưỡng; Tuyệt đối không được trục lợi từ người bệnh, người nhà bệnh nhân. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định của bệnh viện.
 
Những quy định này sẽ được phổ biến tới tất cả các phòng, ban. Tại các khoa, phòng, bộ phận sẽ được giám sát hàng ngày. Ngoài yêu cầu người giám sát trong bệnh viện, bệnh viện cũng hi vọng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, khách đến công tác tham gia giám sát, kịp thời phát hiện vi phạm và sẽ áp dụng chế tài xử phạt mà bệnh viện đề ra.
 
Còn người bệnh cũng phải tôn trọng cán bộ nhân viên y tế; Phải thực hiện nếp sống vệ sinh trong bệnh viện; Phải đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện; Tuyệt đối không hút thuốc lá trong bệnh viện; Tuyệt đối không đưa phong bì bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên y tế. Nếu vi phạm bảo vệ sẽ lập biên bản mời ra khỏi bệnh viện.

Tú Anh