Bệnh viện E: Dùng cửa kính để kiểm soát việc nhận phong bì

“Các phòng khám bệnh có cửa kính xuyên suốt để nhiều người cùng kiểm soát xem nhân viên y tế có vòi vĩnh, nhận phong bì không”, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, GĐ Bệnh viện E TƯ nói về cách thức giảm thiểu hiện tượng tiêu cực tại đơn vị mình.

Thưa ông, nhiều người bệnh nói rằng họ chấp nhận trả các mức phí cao ở các bệnh viện tư còn hơn phải vào bệnh viện công, gánh thêm khoản phong bì thì cũng quá tội. Ông nghĩ sao về thực tế trên?

Những nước điểm trong sạch cao như Đan Mạch, Singapore (trên 9 điểm) hầu như không có phong bì. Ở bệnh viện quốc tế như Pháp -Việt hay các bệnh viện tư nhân cũng không có phong bì, vì sao? Vì ở đó mọi thứ được hạch toán rõ ràng và rạch ròi theo đồng lương và thu nhập của mỗi cá nhân tùy theo sự đóng góp của mình. Xã hội đang tiến tới nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nên sẽ giảm hiện tượng phong bì khi đi khám.

Nhưng tôi thấy báo chí phản ánh về vấn nạn phong bì ở bệnh viện công nhiều khi cũng chỉ đúng một phần. Một số bác sỹ giỏi đã bỏ ra ngoài làm việc cho các bệnh viện tư chỉ vì những áp lực từ báo chí. Điều này dẫn đến việc chảy máu chất xám. Báo chí tại sao lại chỉ nói về ngành y trong khi chỉ số minh bạch của xã hội ta còn thấp?

Đối với các bệnh viện công, ban lãnh đạo nên xây dựng môi trường công khai, minh bạch và có nhiều nguồn thu nhập cho nhân viên từ lương và phúc lợi hàng tháng. Nếu có thu nhập tốt người ta không đua nhau làm việc thiếu văn hóa.

Bệnh viện E: Dùng cửa kính để kiểm soát việc nhận phong bì - 1

Nhưng trên thực tế có những bác sỹ thu nhập cao vẫn nhận phong bì?

Thực tế này có, có những bác sỹ có thu cập cao ở ngoài nhưng vẫn nhận phong bì. Bác sỹ trao đổi với người nhà bệnh nhân trong phòng kín để gợi ý là hành động cần lên án.

Nhưng lỗi một phần cũng ở bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tôi thấy bệnh nhân thường đưa phong bì dấm dúi, có thể khi bác sỹ đang rửa tay để vào kíp mổ thì người nhà dúi vào túi áo một chiếc phong bì cho bác sỹ. Ở hoàn cảnh này, bác sỹ không thể hoãn ca mổ chỉ để giải quyết một cái phong bì ngay lúc đó.

Hay khi tiêm, để giải tỏa tâm lý nên bệnh nhân thường đưa phong bì. Thực tế tiêm một mũi tiêm thì không thể không đau nhưng người bệnh vẫn cứ đưa tiền cho y tá với mong mỏi mũi tiêm ít đau hơn.

Không ít người lo ngại cam kết của 5 bệnh viện lớn tại HN với Công đoàn Bộ Y tế chỉ là chữ ký nằm trên giấy. Vậy việc thực hiện cam kết này tại bệnh viện E tới nay đã được tiến hành như thế nào?

Bệnh viện E nằm ở ven đô, nhân viên hầu hết là nghèo và chưa được đào tạo đầy đủ. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp và ứng xử luôn là một vấn đề lớn mà lãnh đạo phải củng cố trong nhiều năm qua.

Chúng ta đã đề cao những hành động ứng xử đúng, ứng xử đẹp nhưng không phải lúc nào cũng đạt được như ý muốn. Từ cổ xưa Khổng Tử và các cổ nhân đã dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Kỹ năng giao tiếp ở mỗi người được học từ bố, mẹ, trong gia đình và sự tự học chiêm nghiệm khi tiếp xúc với xã hội. Khi thu nhập bình quân đã vượt trên 1.000 USD/đầu người/năm thì việc lễ nghĩa cần thiết phải được củng cố.

Tại bệnh viện E, Ban lãnh đạo cam kết nếu những tiêu cực xảy ra, vấn đề nghiêm trọng thì tùy vào từng trường hợp sẽ có biện pháp xử lý. Nếu nhân viên y tế mè nheo, thô bạo, vô văn hóa với bệnh nhân thì có thể kỷ luật thôi việc. Đối với trường hợp nhẹ có thể sẽ bị xem xét trừ phục lợi.

Bệnh viện ngoài các hòm thư góp ý được mở hàng tháng còn có đường dây nóng để liên hệ trực tiếp tới lãnh đạo. Tuy nhiên mấy năm nay tại viện E không có bệnh nhân tố bác sỹ vòi tiền.

Về quy chế chuyên môn, bệnh viện có cả một quyển sách hướng dẫn. Trừ những phòng khám cho phụ nữ cần kín đáo thì bệnh viện sử dụng các phòng khám bệnh có cửa kính xuyên suốt để nhiều người cùng kiểm soát việc vòi vĩnh, nhận phong bì của nhân viên y tế.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Phương Nhung