Trung Quốc: Gần 50% hãng sản xuất sữa phải đóng cửa

Cơ quan giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc vừa thực hiện siết chặt tiêu chuẩn đối với mặt hàng sữa diễn ra sau một loạt sự kiện nghiêm trọng xảy ra trong các năm 2008, 2010 và đầu năm nay (2011). Theo đó, 426 hãng bị thu hồi giấy phép sản xuất.

 

Trung Quốc: Gần 50% hãng sản xuất sữa phải đóng cửa - 1

Cơ quan chức năng Trung Quốc đang thực hiện tiêu hủy sữa bẩn 

 
Theo đó, tính đến hết quý I năm 2011, trong số gần 1.200 hãng sản xuất sữa, chỉ có hơn 600 hãng lọt qua đợt tổng kiểm tra về chất lượng, điều này có nghĩa là gần 50% số hãng không được tiếp tục sản xuất nữa. Cụ thể, 107 hãng bị buộc đóng cửa ngay, 426 hãng không đạt yêu cầu về chất lượng, cơ quan giám sát chất lượng các địa phương đang tiến hành thu hồi giấy phép sản xuất và buộc các hãng này phải đình chỉ sản xuất. Trong số các hãng bị buộc phải đóng cửa, có 31/145 hãng sản xuất sữa dành cho trẻ em.

 

Con số này khiến mọi người bàng hoàng, nhưng cũng cho thấy quyết tâm chỉnh đốn ngành sản xuất sữa của Tổng cục kiểm định chất lượng quốc gia Trung Quốc. Ông Lý Nguyên Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng cục, người phát ngôn của Tổng cục này cho biết, danh sách các hãng sản xuất sữa bị thu hồi giấy phép đã được công bố trên web site của Tổng cục kiểm định chất lượng quốc gia Trung Quốc.

 

Việc cơ quan giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn đối với mặt hàng sữa diễn ra sau một loạt sự kiện nghiêm trọng xảy ra trong các năm 2008, 2010 và đầu năm nay: năm 2008, gần 300.000 trẻ em bị nhiễm độc melamine trong sữa bột dẫn đến bị suy thận, 6 em bị chết do những kẻ vô lương tâm đã cho thứ bột melamine vốn là nguyên liệu sản xuất nhựa và vật liệu trang trí nội thất vào sữa cho trẻ em dùng. Hàng chục tội phạm đã bị bắt, 2 tên đã bị tử hình. Vào tháng 8/2010 dư luận Trung Quốc lại xôn xao bởi sự kiện một số trẻ em ở Vũ Hán từ 4 đến 15 tháng tuổi đã có biểu hiện dậy thì sớm do sử dụng dài ngày sữa bột có nồng độ hormone cao của hãng Thánh Nguyên (Synutra). Vụ việc trở nên nghiêm trọng khi sau đó các địa phương khác như Giang Tây, Sơn Đông, Quảng Đông, Bắc Kinh ...đều phát hiện hiện tượng tương tự.

 

Đầu tháng 2/2011, các sản phẩm sữa nhiễm độc lại tái xuất hiện tại các siêu thị ở thành phố Thượng Hải và các tỉnh: Thiểm Tây, Sơn Đông, Liêu Ninh và Hà Bắc. Tân Hoa xã cho hay: một số sản phẩm này từng bị thu hồi trong vụ bê bối sữa melamine hồi năm 2008, nhưng không rõ bằng cách nào chúng đã được đóng gói lại và tung ra thị trường.

Việc “sữa độc” liên tiếp xuất hiện trên thị trường đã gây phẫn nộ sâu rộng trong xã hội.

 

Báo chí Trung Quốc phê phán mạnh mẽ sự bất lực và cả dung túng của các cơ quan có trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thị trường. Tháng 9/2010, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra Thông tri “Về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm sữa”, yêu cầu các Bộ Công thương, Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia và Tổng cục Tổng cục kiểm định chất lượng quốc gia Trung Quốc phải phối hợp thanh tra, điều chỉnh tiêu chuẩn và rà soát lại việc cấp giấy phép sản xuất của các hãng sản xuất sữa. Vì vậy việc Tổng cục Tổng cục kiểm định chất lượng quốc gia Trung Quốc mạnh tay chấn chỉnh toàn ngành sản xuất sữa lần này tuy có hơi muộn, nhưng được dư luận đồng tình và đánh giá cao.

 

Liệu việc cơ quan kiểm định chất lượng làm nghiêm đối với ngành sản xuất sữa có gây khủng hoảng thị trường chế phẩm sữa của Trung Quốc? Về vấn đề này, ông Trương Vĩnh Kiện, Chủ nhiệm Sở nghiên cứu kinh tế công nghiệp thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, phần lớn các hãng sản xuất không qua được đợt tổng kiểm tra lần này đều là xí nghiệp loại nhỏ, trình độ năng lực sản xuất và kiểm tra chất lượng kém; quy mô sản xuất của các hãng này đều nhỏ, ảnh hưởng không lớn lắm đối với thị trường, đây là cơ hội tốt để các hãng lớn mở rộng quy mô sản xuất và chiếm lĩnh thị trường, giá sữa cũng sẽ không có biến động lớn.

 

Theo Thu Thủy

Sức khỏe & An toàn thực phẩm