Đáng lo chất lượng sữa...vác vai!

Chưa khi nào trên thị trường có nhiều loại sữa như hiện nay. Chính sự thượng vàng hạ cám này lại đặt người tiêu dùng vào thế khó lựa chọn hơn bao giờ hết. Chỉ riêng lựa chọn loại sữa nào cho phù hợp trong dòng “sữa vác vai” cũng đã thủ thứ nhiêu khê.

Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “sữa xách tay”, ngay lập tức bạn sẽ được chỉ dẫn hàng trăm địa chỉ bán đủ loại sữa nhập khẩu không chính thức. Cha mẹ hiện đại yêu con, luôn muốn mua sắm những gì tốt nhất cho con yêu, sẵn sàng chi không tiếc tiền mua sữa tốt nhất, đắt nhất, quý hiếm nhất. Nhưng thị trường sữa xách tay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Loại nào cũng có!

 

Vợ chồng chị Thu đều là công chức ở một cơ quan nhà nước có thu nhập khá, phần lớn thời gian rảnh vốn khá nhiều của Thu đều dành cho shoping và liên quan đến shoping. Thứ gì tốt nhất, ngon nhất, Thu đều tìm mua bằng được cho hai cục cưng, trong đó bé út mới hơn 1 tuổi. Hôm rồi, Thu khoe mới chuyển sang cho con  uống sữa Pháp xách tay. “490.000đ/hộp mua trên Hàng Buồm. Con em thích uống loại sữa mới này, cháu cũng lên cân rõ rệt”, Thu hào hứng khoe.

 

Cùng sở thích như Thu, chị Hoài làm công ty nước ngoài, thu nhập cao, chồng chị lại là quan chức cấp Vụ ở một Bộ. Thu nhập cao, cả hai anh chị cùng chiều con. Em bé nhà chị mới 2 tuổi mà đã chuyển đủ loại sữa, tất cả đều là hàng xách tay từ nước ngoài về, nào S26 của Úc, Aptamin của Anh, Morinaga của Nhật, nào bột ăn dặm, trái cây và váng sữa đóng hộp. Có loại nào mới về là cửa hàng lại gọi điện cho chị khách VIP ra mua, chọn trước.

 

Một trong lý do các bà mẹ chuộng sữa xách tay là hàng xịn mà giá lại rẻ hơn hàng nhập khẩu chính thức, do không mất thuế. Tuy nhiên, khi hỏi mua sữa xách tay ở một cửa hàng trên phố Thái Hà, cô bán hàng mặt mũi kênh kiệu trả lời “Hàng xách tay đắt hơn nhiều so với hàng nhập khẩu chính thức, vì hàng tiêu thụ nội địa bao giờ chả tốt hơn” . Chả biết có tốt hơn hay không, nhưng nhìn trên quầy hàng của cô lèo tèo vài hộp sữa để cạnh hàng loạt nước hoa, dầu gội, sữa tắm cũng... xách tay, về mặt trưng bày đã là không đạt tiêu chuẩn.

 

Nguy cơ hàng giả, kém phẩm chất

 

Đáng lo chất lượng sữa...vác vai! - 1


Trên một diễn đàn có số lượng thành viên là các mẹ đông đảo, đã có mẹ cảnh báo đã xuất hiện sữa xách tay giả ở VN. Theo một thành viên trên diễn đàn, đã có sữa nhãn hiệu S26 và Meiji làm giả ở Đài Loan chuyển về TPHCM, từ đó trung chuyển đi nhiều shop trong thành phố, thậm chí chuyển ra cả Hà Nội. Ngoại trừ chi tiết hạn dùng ở đáy hộp sữa in chữ cao thấp, đậm nhạt không đều nhau, còn lại rất khó phân biệt hàng chính hãng và hàng giả. Nếu đã lỡ mua về, thành viên này cũng hướng dẫn các mẹ cũng có thể phân biệt bằng cách cảm giác sữa không tơi, màu sữa không vàng và không thơm ngậy bằng hàng xịn.
 

So với hàng nhập khẩu chính thức có công bố tên, địa chỉ nhà nhập khẩu, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, thì hãng xách tay rõ ràng không có những tiện ích này. Trong tình huống xảy ra ngộ độc thực phẩm, sự cố khi sử dụng hoặc con bạn không hợp với sản phẩm sữa đã mua, mẹ nào mua sữa xách tay rõ ràng là chịu, không kiện không đổi được, vì nhà sản xuất ở tận nước ngoài. Cơ quan quản lý nhà nước cũng khó can thiệp trong tình huống này, bởi hàng vào Việt Nam không chính thức. Mới đây đã có thông tin một nhãn sữa của Hàn Quốc nhiễm tụ cầu vàng gây tiêu chảy cho trẻ em. Và tại Việt Nam, thông qua con đường xách tay, sản phẩm của nhãn sữa này cũng đã có mặt nhan nhản trên thị trường.

 

Quy định hiện hành cũng không cho phép bày bán các hộp sữa bị móp méo, do lo ngại vỏ hộp có thể bị hở, ảnh hưởng chất lượng sữa bên trong. Tuy nhiên, với hàng xách tay thì quy định này khó được áp dụng, do chủ hàng nào cũng nói khó “mang về có vài hộp, hàng mới lắm, méo một tý không việc gì đâu”. Trong khi do nhu cầu khá cao, có thông tin sữa xách tay giờ cũng được chuyển cả về bằng đường biển với số lượng lớn, chứ không chỉ trông chờ vào các cô tiếp viên hàng không.

 

Nên xem kỹ thông tin

 

Theo bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, chọn mua sữa cần xem xét nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố kinh tế. Không nhất thiết sữa đắt tiền là phù hợp với con yêu của bạn. Khi chọn được loại sữa rồi, bố mẹ các bé cũng nên xem kỹ về hạn dùng, ngày sản xuất, thông tin về nhà nhập khẩu và nên pha sữa cho con theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không nên tùy tiện tăng hoặc giảm số lượng sữa trong mỗi lần pha, theo kiểu bé uống ít thì... pha đặc hơn.

 

So với trẻ bé mẹ thì nhóm trẻ bú bình thường có tỷ lệ tiêu chảy cao hơn do vệ sinh bình sữa khó khăn hơn. Các bà mẹ có con bú bình nên chú ý vệ sinh bằng nước rửa bình sữa chuyên dụng, luộc hấp bình trước khi cho bé uống sữa.

 

Theo Hằng Nga

Sức khỏe & An toàn thực phẩm