Cần Thơ:

Trên 1.300 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

(Dân trí) - Ngày 13/10, Sở Y tế TP.Cần Thơ cho biết 9 tháng đầu năm 2011, toàn TP có 1.335 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trong đó có 1 ca tử vong nghi mắc bệnh tay chân miệng.

Theo Sở Y tế TP, so với cùng kỳ năm 2010, trong khi bệnh sốt xuất huyết (SXH) giảm khoảng 50 ca thì bệnh tay chân miệng (TCM) lại tăng rất cao, trên 600 ca.

Đối với bệnh SXH, tính đến hết tháng 9/2011 có 595 ca bệnh; trong 9 quận, huyện của TP thì quận Ninh Kiều có số ca mắc bệnh cao nhất: 131 ca (tăng 28 ca); có 4 địa phương khác cũng có số ca bệnh tăng: quận Bình Thủy (83 ca), quận Cái Răng (74 ca), quận Thốt Nốt (71 ca) và huyện Vĩnh Thạnh (10 ca); các địa phương còn lại giảm từ 5- 40 ca.

Đến thời điểm này của năm 2011 không có ca bệnh SXH nào tử vong; trong khi năm 2010 có 2 ca tử vong.

Còn đối với bệnh TCM, tính từ đầu năm đến ngày 10/10 có 740 ca mắc bệnh (tăng 625 ca so với cùng kỳ năm 2010); quận Bình Thủy có số ca mắc bệnh cao nhất: 111 ca (tăng 82 ca).

Hầu hết 9 quận, huyện đều có số ca bệnh tăng, thậm chí tăng rất cao như: quận Ninh Kiều tăng 164 ca, quận Ô Môn tăng 100 ca, huyện Thới Lai tăng 64 ca, quận Thốt Nốt tăng 53 ca…Tại huyện Vĩnh Thạnh, nếu như cùng kỳ năm 2010 không có ca nào mắc bệnh thì năm 2011 đã có 11 ca bệnh.

Có 1 trường hợp ở quận Ninh Kiều tử vong nghi do bệnh TCM là bé N.T.T.L (3 tuổi). Cháu bé tử vong lúc 3h sáng ngày 3/10 tại bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ. Trước đó, cháu L. nhập viện vào ngày 1/10 trong tình trạng bị sốt, ói, ở tay và chân có nổi nhiều mụn nước. Ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, cho biết phía Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ đã cho lấy mẫu bệnh gửi lên Viện Pasteur (TPHCM) để tiến hành các xét nghiệm lâm sàn dựa trên cơ sở vi sinh.

Theo bà Bùi Thị Lệ Phi- Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, với các số ca mắc bệnh trên, Cần Thơ đứng thứ 16 về bệnh SXH và đứng thứ 17 về bệnh TCM ở khu vực phía Nam. Riêng bệnh TCM, số ca mắc tăng dần từ tháng 6 đến tháng 9/2011 và bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ từ 4 tuổi trở xuống.

Bà Phi cho biết, thời gian qua Cần Thơ cũng có một số trường học xuất hiện bệnh TCM ở học sinh mầm non, mẫu giáo. Bà Phi nhận định, một phần nguyên nhân do giáo viên trực tiếp giữ trẻ chưa nắm được kiến thức về cách phát hiện bệnh, cách ly và phòng bệnh, chưa thực hiện tốt khâu vệ sinh khử khuẩn lớp học, pha dung dịch khử khuẩn cloramin B chưa đúng..

Huỳnh Hải