1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Tiếp tục cấy ốc tai điện tử cho 6 bệnh nhi

(Dân trí) - Sau thành công của 5 ca cấy ốc tai điện tử, BV Nhi TƯ tiếp tục cấy ốc tai điện tử, khôi phục sức nghe cho 6 bệnh nhi bị điếc nặng trong tháng 9 này. Hiện 6 bệnh nhân đã được lựa chọn và làm toàn bộ các xét nghiệm cần thiết.

Ths.BS Nguyễn Tuyết Xương, Khoa Tai mũi họng - Răng hàm mặt (BV Nhi TƯ) cho biết, 6 bệnh nhi trên sẽ sớm được cấy ốc tai điện tử trong tháng 9 này. “Các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ toàn bộ kỹ thuật cấy ốc tai điện tử, nên phẫu thuật này cũng sẽ trở thành một kỹ thuật thường quy tại bệnh viện, khi người bệnh có nhu cầu”, BS Xương nói.

Theo các bác sĩ, nhu cầu cấy ốc tai điện tử cho bệnh nhi là rất lớn (trung bình mỗi tuần đều có một bệnh nhân cần cấy ghép ốc tai điện tử tại viện Nhi TƯ) vì mỗi năm, trong 1 triệu trẻ được sinh ra thì có khoảng 50 ngàn trẻ bị điếc, phần lớn là điếc nặng. Chưa kể số bệnh nhân là trẻ lớn, người lớn bị điếc trong quá trình sau này. Trong khi đó, 10 năm nay Việt Nam mới thực hiện được vài chục ca cấy ốc tai điện tử cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, vấn đề kinh phí phẫu thuật cho bệnh nhân là điều mà các bác sĩ rất trăn trở. Theo BS Xương, kinh phí 500 triệu cho một bên tai (chỉ tính riêng cho thiết bị cấy ghép) là con số phải chi trả quá lớn với nhiều gia đình có con bị điếc nặng. Chưa kể, sau quá trình cấy ghép, để phục hồi thính giác, luyện cho trẻ nói, nhiều người mẹ còn phải bỏ việc đến viện cùng con. Số tiền này bằng 1/3 chi phí cho cả quá trình điều trị (chi phí phẫu thuật, chăm sóc, phục hồi chức năng - học nghe, nói sau này của bệnh nhân được cấy ốc tai là 1,5 tỉ). Với cá nhân mỗi gia đình, nó là số tiền lớn, nhưng với xã hội, chi phí này không quá lớn. Vì khi trẻ nghe được, nói được thìcó thể tiếp tục học hành, lao động… Còn nếu không được tiếp cận vì không đủ điều kiện kinh tế, em bé sẽ trở nên tàn phế, câm điếc. Vì thế, các bác sĩ rất hy vọng phẫu thuật cấy ốc tai điện tử sẽ sớm được Bảo hiểm y tế xem xét, chi trả.

Được biết, cả 5 ca cấy ốc tai điện tử cho bệnh nhi trước đó đều có kết quả bước đầu rất tốt. Khi bật máy, các bé đều nghe được tiếng động. Tuy nhiên, để thành công cho cả một ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đến khi bé nghe, hiểu được âm thanh, nói được thì còn cần cả quá trình tập luyện, phục hồi chức năng sau này. Hiện BV Nhi TƯ đang kiến nghị đưa nội dung sàng lọc khiếm thính vào chương trình quốc gia để có thể sàng lọc rộng hơn, giúp phát hiện sớm nguy cơ điếc ở trẻ em để kịp thời can thiệp sớm, giúp trẻ em nhanh chóng phục hồi sức nghe, nói.

Hồng Hải