1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Thêm một người chết vì rượu rởm

Trong khi các cơ quan chức năng đang ráo riết truy tìm rượu độc gây chết người, ngày 13/10 lại có thêm một nạn nhân nữa đã tử vong vì ngộ độc rượu. Nạn nhân là Nguyễn Hùng Phán, 52 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM.

Trước đó, vào ngày 28/9, ông Phán bị ngộ độc rượu, nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch... Trước khi nhập viện 3 giờ, ông Phán đã uống rượu tại quán nhậu ở Q.2. Tại Bệnh viện Gia Định, bệnh nhân được xét nghiệm máu và kết quả cho thấy nồng độ methanol trong máu cao hơn mức cho phép nhiều lần. Như vậy, kể từ cuối tháng 9 đến nay đã có 5 người tại TPHCM chết vì ngộ độc rượu.

 

Trước sự việc nhiều người chết bởi methanol, cùng ngày, Sở Y tế TPHCM đã lên kế hoạch thành lập hội đồng khoa học để nghiên cứu điều tra. Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm hàng chục mẫu rượu mà Sở Y tế đã thu thập tuần qua tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, lò rượu ở TP HCM cho thấy hàm lượng chất methanol có trong rượu cao hơn từ 70 đến 400 lần so với quy định.

 

Ngày 13/10, Bộ Y tế cũng đã khẩn cấp vào cuộc. Bộ đã yêu cầu Sở Y tế và các cơ quan liên quan tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra đối với Công ty An Đức, do công ty này cung cấp nguyên liệu cồn cho Công ty An Phước Thịnh (Hóc Môn) và An Phước Thịnh bán lại cho Công ty Khả Doanh để sản xuất rượu. Sản phẩm rượu của cơ sở này có hàm lượng methanol rất cao như đã nói trên. Tại buổi làm việc, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã phát hiện Công ty An Đức còn bán cồn công nghiệp cho 3 đơn vị khác trên địa bàn TP HCM là doanh nghiệp tư nhân Anh Duy (quận Tân Phú), Công ty Minh Trường (quận 10) và một doanh nghiệp khác chưa tìm ra.

 

Quyết truy cho ra nguồn gốc, tối cùng ngày, 2 đoàn thanh tra của Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra hai cơ sở nói trên và phát hiện doanh nghiệp tư nhân Anh Duy bán lại cồn thô cho một công ty ở Q.6, TP HCM. Thanh tra đã lấy mẫu kiểm nghiệm, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp Anh Duy tạm ngừng phân phối cồn này, chờ xét nghiệm.

 

Theo Ng.Thạnh

Người lao động