1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Thanh Hóa: Cứu sống trẻ sơ sinh uốn ván do cắt rốn bằng dao thái đồ ăn

Bình Minh

(Dân trí) - Người nhà dùng dao thái đồ ăn để cắt rốn, bệnh nhân Giàng Thị D. (7 ngày tuổi, Mường Lát, Thanh Hóa) bị uốn ván rốn gây co giật, suy hô hấp.

Ngày 28/4, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, vừa cứu sống bệnh nhân Giàng Thị D. 7 ngày tuổi (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) bị uốn ván rốn.

Trước đó, vào ngày 4/4, khoa Hồi sức tích cực sơ sinh tiếp nhận bệnh nhân Giàng Thị D. được chuyển đến từ Bệnh viện huyện Mường Lát trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân liên tục co cứng toàn thân, miệng cắn chặt, cứng hàm. Cơn giật liên tiếp và tăng lên khi có tiếng động mạnh, kích thích hoặc đụng vào người bệnh.

Thanh Hóa: Cứu sống trẻ sơ sinh uốn ván do cắt rốn bằng dao thái đồ ăn - 1

Bệnh nhân D. nhập viện trong tình trạng uốn ván rốn do bố dùng dao thái cắt rốn.

Gia đình bệnh nhân cho biết, bé D. được sinh tại nhà. Người bố đã sử dụng chiếc dao thái đồ ăn của gia đình cắt rốn cho bé.

Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị uốn ván rốn. Ngay sau đó, bệnh nhân được cách ly điều trị riêng với phòng kín, tránh ánh sáng tiếng động tối đa, an thần sâu, thở máy và nuôi dưỡng tĩnh mạch. Sau 24 ngày trẻ hết giật và cai được máy thở, hiện đã bú mẹ được. Dự kiến vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà.

Theo Bác sĩ Lê Xuân Trung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, đây là ca bệnh uốn ván rốn thứ 3 mà Khoa gặp trong những ngày cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Trước đó vào tháng 1/2021, Khoa cũng đã cấp cứu và điều trị thành công 1 ca uốn ván rốn 8 ngày tuổi của xã Trung Lý, huyện Mường Lát.

Bác sĩ Trung cũng khuyến cáo, phòng trừ uốn ván sơ sinh ngoài những biện pháp vô khuẩn trong điều trị, chăm sóc trẻ trong và sau sinh thì tiêm vắc xin uốn ván là biện pháp quan trọng và hữu hiệu để phòng bệnh uốn ván sơ sinh.

Vắc xin uốn ván rất an toàn cho cả mẹ và con. Vì thế, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ đang mang thai cần được tiêm vắc xin phòng uốn ván hoặc vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Tại Việt Nam, vắc xin phòng uốn ván còn được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ nhỏ với 3 liều cơ bản lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng và 1 liều nhắc lại lúc trẻ được 18 tháng. Sau đó, có thể nhắc lại lúc 4-6 tuổi và 10-13 tuổi trở lên.

 Uốn ván sơ sinh là một bệnh nặng do hệ thần kinh trung ương của trẻ bị nhiễm độc bởi ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani. Tỷ lệ tử vong do uốn ván sơ sinh rất cao. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong những năm cuối của thể kỷ 20, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ bị chết vì uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển.

Tỷ lệ chết/mắc của uốn ván sơ sinh rất cao, có thể tới trên 80%, nhất là ở trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn. Ở Việt Nam, bệnh uốn ván xuất hiện tản phát ở khắp các tỉnh trong cả nước.

Chương trình loại trừ uốn ván sơ sinh được triển khai từ năm 1992. Trong giai đoạn 1996 - 2000, tỉ lệ mắc uốn ván sơ sinh trung bình năm của cả nước là 0,13/1.000 trẻ đẻ sống. Từ năm 2005, Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh theo quy mô huyện với tỷ lệ mắc dưới 1/1.000 trẻ đẻ sống.