1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Thận trọng với bệnh viêm kết mạc mùa xuân

(Dân trí) - Viêm kết mạc mùa xuân là bệnh thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng. Tuy nhiên, theo BS.Ths Vũ Tuệ Khanh, khoa Kết - Giác mạc BV Mắt TƯ cho biết nếu bệnh nhân tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt kéo dài, không theo chỉ dẫn của bác sĩ, một số tác dụng phụ của thuốc sẽ dẫn đến mù loà.

Ðặc điểm của viêm kết mạc mùa xuân

 

Viêm kết mạc mùa xuân là một bệnh dị ứng ở mắt, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều nhất ở trẻ trai, từ 7 – 8 tuổi trở lên. Bệnh thường tái phát theo mùa và hay bị vào mùa xuân.

 

Bác sĩ Tuệ Khanh cho biết, bệnh viêm kết mạc mùa xuân xảy ra trên những bệnh nhân có cơ địa dị ứng, bên cạnh đó có thể có liên quan tới các tác nhân gây dị ứng bay trong không khí, như phấn hoa, các loại bụi, lông thú vật, côn trùng, hoặc gió, ánh nắng, hoặc mỗi khi thay đổi thời tiết cũng là điều kiện làm xuất hiện bệnh dị ứng.

 

Như vậy, có rất nhiều loại dị ứng nguyên nhưng tuỳ thuộc vào cơ địa của từng người và có thể dị ứng với một hoặc nhiều dị ứng nguyên đã nêu trên. Cho nên việc theo dõi và phát hiện người bệnh dị ứng với loại dị ứng nguyên nào là điều quan trọng để phòng và chữa bệnh. Khi đã có biểu hiện của dị ứng phải ngừng ngay tiếp xúc hoặc tránh tối đa sự tiếp xúc với dị ứng nguyên.

 

Triệu chứng sớm nhất là người bệnh thấy ngứa và đỏ cả hai mắt. Ngứa mắt nên bệnh nhân dụi mắt, nhưng càng dụi mắt triệu chứng ngứa càng tăng, kèm theo bệnh nhân thấy cộm mắt và chảy nước mắt nhiều. Khám mắt thấy mắt bệnh nhân đỏ, phù nề mi và kết mạc. Giai đoạn sau của bệnh có thể thấy tổn thương điển hình của viêm kết mạc mùa xuân trên kết mạc sụn mi trên của người bệnh.

 

Lúc đầu có thể bệnh viêm kết mạc mùa xuân chưa làm ảnh hưởng đến thị lực, nhưng khi có tổn thương trên giác mạc, thị lực sẽ giảm sút tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương. Nếu bệnh nhân không khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa dễ dàng dẫn đến mù loà.

 

Lưu ý khi dùng thuốc

 

Viêm kết mạc mùa xuân là bệnh dị ứng nên hướng giải quyết chính sẽ là bệnh nhân phải sử dụng các thuốc chống dị ứng. Khi bị những đợt viêm cấp tăng lên do thời tiết hoặc dị ứng nguyên, việc dùng phối hợp với các thuốc ức chế quá trình viêm là rất cần thiết. Tuy nhiên, các loại thuốc này phải được chỉ định của bác sỹ và người bệnh phải được theo dõi.

 

Bác sĩ Tuệ Khanh cũng nêu ra một thực tế đáng lo ngại hiện nay là thói quen tự dùng thuốc của người bệnh. Khi bị viêm kết mạc dị ứng, bệnh nhân tự mua các thuốc chống viêm và sử dụng kéo dài không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, rất nguy hiểm khi trong số các thuốc chống viêm đó là các chế phẩm có Corticosteroid và người bệnh khó tránh khỏi tác dụng phụ của thuốc dẫn đến mù mắt khi còn rất trẻ.

 

Sau giai đoạn điều trị viêm cấp tính, người bệnh phải duy trì loại thuốc chống dị ứng. Có nhiều loại chống dị ứng trên thị trường, tuỳ từng trường hợp mà bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc phù hợp. Khi bị tái phát bệnh, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng lại toa thuốc cũ.

 

Phòng bệnh như thế nào?

 

Bị dị ứng với dị nguyên nào, người bệnh cần tránh tiếp xúc với dị nguyên đó. Như nếu dị ứng với phấn hoa, bụi thì cần phải đeo kính mắt, đeo khẩu trang; không nên trồng, cắm hoa xung quanh nhà; khi dọn vệ sinh nhà cửa cần có phương tiện bảo hộ che chắn bụi….

 

Khi bị bụi, phấn hoa bay vào mắt phải dùng thuốc chống dị ứng nhỏ vào mắt rửa sạch các dị nguyên này. Dị ứng với lông thú vật thì không nên nuôi chó, mèo trong nhà… Người bệnh không nên dụi mắt khi ngứa và cần cần ghi nhớ phải dùng thuốc nhỏ mắt chống dị ứng mỗi ngày.

 

Hồng Hải