1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Sốt xuất huyết gia tăng, chồng chéo dịch Covid-19

(Dân trí) - Tại TP HCM, các điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở 24 quận huyện với hàng trăm ca bệnh. Ngành y tế thành phố khuyến cáo người dân tăng cường phòng chống sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết gia tăng giữa mùa dịch Covid-19 

Ngày 15/6, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, trong 23 tuần đầu của năm 2020 tổng số ca bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận hơn 7.000 ca. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực cho phòng chống dịch Covid-19, bước đầu kiểm soát được dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố vẫn phải duy trì các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết. 

Sốt xuất huyết gia tăng, chồng chéo dịch Covid-19 - 1
Những chiếc lốp xe phế thải được người dân tận dụng đè lên mái tôn trở thành vật chứa nước, tạo điều kiện cho muỗi phát triển

Thời tiết tại TP HCM và khu vực Nam Bộ đang chuyển sang mùa mưa với liên tiếp những cơn mưa lớn, nguồn nước mưa trong các vật chứa nhân tạo hoặc tự nhiên sẽ là môi trường đặc biệt thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15/6) ngành y tế thành phố kêu gọi người dân vừa duy trì phòng chống dịch Covid-19 vừa chú trọng đến các giải pháp ngăn chặn sốt xuất huyết. Mỗi cá nhân, tổ chức nên dành 15 phút mỗi tuần để triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại nơi ở, nơi làm việc trong địa bàn mình quản lý, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền khác qua muỗi. 

Kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết nhằm tập trung xử lý các điểm có thể làm ổ lăng quăng nguồn lây bệnh cho cả khu dân cư. Sở Y tế sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, mạnh tay xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không xử lý muỗi, lăng quăng trong khu vực mình quản lý, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Sốt xuất huyết gia tăng, chồng chéo dịch Covid-19 - 2
Môi trường sống ô nhiễm, nhiều vật phế liệu chứa nước trong mùa mưa sẽ tạo thành các điểm nguy cơ sốt xuất huyết

Trong bối cảnh, dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, các giải pháp phòng bệnh dù đã được nới lỏng nhưng chưa được gỡ bỏ hoàn toàn, khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều thách thức. Những biện pháp truyền thống như: tuyên truyền qua mít tinh, vãng gia tư vấn trực tiếp… luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19. 

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh 

Để nâng cao ý thức phòng chống sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM đã phát động cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc phòng chống sốt xuất huyết” kêu gọi mọi người dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam hưởng ứng tham gia bằng chính những hình ảnh thể hiện hành động thiết thực của mình trong hoạt động diệt muỗi, lăng quăng. Thời gian triển khai cuộc thi từ ngày 15/6 đến ngày 15/7, người tham dự có thể liên hệ gửi ảnh tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM. 

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết, muỗi vằn là loài mang véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh nhất vào mùa mưa. Tuy nhiên, ngay ở những thời điểm chưa có mưa, quanh môi trường vẫn còn những vật chứa nước có lăng quăng. Dự báo thời gian tới, khi đi sâu vào mùa mưa, sốt xuất huyết sẽ gia tăng nhanh nên cần chủ động phòng chống thường xuyên liên tục. 

Sốt xuất huyết gia tăng, chồng chéo dịch Covid-19 - 3
Phòng chống sốt xuất huyết là trách nhiệm của cả cộng đồng

Đến nay, tại Việt Nam sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu việc chủ động phòng bệnh bằng cách không để muỗi đốt, là điều quan trọng. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không sống trong nước bẩn mà sống trong môi trường nước sạch. 

Những hộ gia đình sử dụng vật chứa nước cần phải đậy kín dụng cụ chứa nước, hàng tuần phải vệ sinh không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Hạn chế muỗi tiếp xúc với con người bằng cách ngủ mùng, giữ nhà cửa sạch, thoáng để muỗi không sinh sống trong nhà, dùng kem chống muỗi, hóa chất diệt muỗi, bình xịt muỗi… 

BS Trí Dũng cho biết, bệnh sốt xuất huyết tấn công mọi lứa tuổi, bệnh khởi phát qua biểu hiện sốt, ở ngày thứ 3 trở đi có thể bắt đầu xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh… Trong mùa dịch sốt xuất huyết, nếu có biểu hiện sốt cao đột ngột, người dân nên đến bệnh viện sớm nhất để được bác sĩ thăm khám, chỉ định điều trị. Người dân không nên chủ quan, tự mua thuốc điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.   

Vân Sơn