1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Quảng cáo tảo xoắn, nước trái nhàu: “Nổ” là chính!

Lợi dụng sự thiếu thông tin của nhiều người về thực phẩm chức năng, một số công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này đã đồn thổi quá đáng sản phẩm chế biến từ tảo xoắn, trái nhàu như một “thần dược” chữa được đủ thứ bệnh, đặc biệt tiểu đường

Quảng cáo tảo xoắn, nước trái nhàu: “Nổ”  là chính! - 1

Trái nhàu là vị thuốc quý trong y học cổ truyền nhưng không chữa được tiểu đường

Bỏ tiền thật mua tác dụng ảo

 

Không khó để tìm thấy những lời quảng cáo ngất trời về tác dụng phòng và trị bệnh tiểu đường trên một số loại thực phẩm chức năng đang bày bán công khai ở chợ, siêu thị, các cửa hàng dược phẩm với giá từ hơn trăm ngàn đến vài triệu đồng.

 

Phổ biến nhất và “mị” được nhiều người bệnh nhất phải kể đến những sản phẩm được giới thiệu chế biến từ tảo xoắn, trái nhàu: cung cấp 156 chất dinh dưỡng cần cho cơ thể, có thể chữa bệnh béo phì, viêm khớp, tiểu đường, ung thư… (nước ép trái nhàu H.); cải thiện khả năng tình dục, tiểu đường… (tảo xoắn T.); trị loãng xương, viêm khớp, đái tháo đường... (nước trái nhàu nguyên chất N.)…

 

Theo PGS. TS. BS Nguyễn Hoài Nam, ĐH Y dược TPHCM, đến nay thế giới và Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy uống nước ép từ trái nhàu, tảo xoắn có tác dụng phòng và trị bệnh tiểu đường. “Người bệnh phải hết sức cẩn thận, đừng quá tin vào quảng cáo vì đó hoàn toàn không phải thuốc nên không có khả năng trị bệnh.

 

Khi đã có bệnh lý tiểu đường thì bên cạnh tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện còn phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn bác sĩ. Tuỳ giai đoạn bệnh, thể trạng, lứa tuổi, giới tính, týp 1 hay týp 2… bác sĩ sẽ cho những đơn thuốc khác nhau. Nếu không tuân thủ, người bệnh có thể bị những biến chứng rất nguy hiểm về mắt, tim mạch, bàn chân, răng miệng...”, bác sĩ Nam lưu ý.

 

Cũng theo bác sĩ Nam, thế giới đã có khuyến cáo người bệnh tiểu đường tốt nhất không nên dùng thực phẩm chức năng. “Trong thực phẩm chức năng chủ yếu chỉ có một số vitamin và khoáng chất nhưng hoàn toàn thiếu protein, lipit, gluxit... nên không thể thay thế được chế độ ăn hàng ngày”, ông Nam nói.

 

Ngộ nhận sẽ rất nguy hiểm

 

PGS. TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng lưu ý người bệnh tiểu đường phải hết sức cẩn thận trước những sản phẩm thực phẩm quảng cáo dành cho người bệnh tiểu đường.

 

“Không nên tin cậy tuyệt đối vào các loại thực phẩm như vậy vì hiệu quả thật sự không đúng như quảng cáo và giá thành lại thường cao. Bệnh tiểu đường không thể có một chế độ ăn áp dụng chung cho mọi người mà cần phải xây dựng một chế độ riêng thích hợp cho từng cá nhân”, ông Khẩn nói.

 

Theo ông Khẩn, chế độ ăn riêng cho từng cá nhân phụ thuộc vào các yếu tố sau: mức cân nặng, giới tính; thói quen và sở thích, đặc biệt là mức đường trong máu khác nhau hoặc cách sử dụng thuốc khác nhau; nghề nghiệp (mức độ lao động nhẹ, trung bình, nặng).

 

“Tốt nhất người bị bệnh nên ăn các thực phẩm được nấu tại nhà. Hạn chế tối đa việc ăn bên ngoài. Các loại thức ăn được chế biến bằng phương pháp luộc, hấp, tiềm, nấu canh chứa ít chất độc hơn các loại chế biến ở nhiệt độ cao hoặc nấu sẵn”, ông Khẩn khuyến cáo.

 

Theo bác sĩ Nam, thực phẩm chức năng khác thực phẩm thông thường ở chỗ được sản xuất, chế biến theo công thức bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bỏ một số thành phần bất lợi. Tuy nhiên việc thêm hay bớt đó phải được chứng minh một cách khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

 

“Việc quảng cáo lập lờ thực phẩm là thuốc sẽ gây ngộ nhận nguy hiểm. Bởi những người thiếu hiểu biết về công dụng sản phẩm sẽ chủ quan, không đến bệnh viện khám bệnh, ngay cả khi sức khoẻ có vấn đề. Từ đó dẫn đến hệ luỵ bệnh sẽ phát triển và đến lúc bùng phát thì không thể cứu vãn nổi”, ông Nam cảnh báo.

 

Theo Nam Phương

Sài Gòn tiếp thị