Phát hiện pín dê nhập khẩu không dùng cho người

(Dân trí) - Chỉ tính từ đầu tháng 7 tới nay, đã có hàng chục tấn gà và nội tạng, pín dê... không đạt chất lượng, thậm chí cấm dùng cho người bị các cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu và tiêu hủy.

Phát hiện pín dê nhập khẩu không dùng cho người - 1

Thanh tra Chi cục Thú y đang tiến hành niêm phong một lô thịt gà nhiễm khuẩn
 

Nhập khẩu cả sản phẩm không ăn được

 

Công ty TNHH Quốc tế Việt Trung (Gò Vấp) đã nhập từ Úc 85 thùng pín dê (tổng trọng lượng là 1.275 kg) và bán ra ngoài 20 thùng.

 

Trên 85 thùng này đều có ghi không được sử dụng cho người (Pharmaceutical purpose only. Not for human consumption), đồng thời Chứng thư kiểm dịch của Úc thể hiện đây là sản phẩm động vật không ăn được (Declaration and Certificate for shipments of innedible animal products),

 

Được biết, 85 thùng pín dê này cũng giống như các lô hàng gần 1,5 tấn “pín dê”(bộ phận sinh dục dê đực)  phế thải nhập từ Úc của Cty TNHH N.D.T, (2C Lam Sơn, P. 2, Q.Tân Bình), đã bị tịch thu và tiêu hủy ngày 13/7.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Chánh thanh tra Chi cục Thú y TPHCM cho biết, qua xét nghiệm ba mẫu “pín dê” từ ba lô hàng của Cty N.D.T đều đã bị nhiễm vi sinh. Các chỉ tiêu vi khuẩn Salmonella, tổng số vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn E.Coli và PH đều không đạt tiêu chuẩn.

 

Trước đó, đầu tháng 7/2009, Thanh tra liên ngành quận 8 và Chi cục thú y TPHCM khi kiểm tra kho lạnh Sài Gòn, đường Tạ Quang Bửu, P.6, Q.8, trực thuộc Cty Trúc Đen (Nguyễn Biểu, P.10. Q.5, TPHCM), đoàn thanh tra đã phát hiện và tiến hành niêm phong lô hàng 8 tấn cánh gà đông lạnh nhập khẩu đã từng được xác định nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform.

 

Tất cả 13,5 tấn cánh gà của công ty Trúc Đen đã từng có kết quả xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn VSATTP 2 lần vì bị nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform, lần thứ nhất vào ngày 12/6 và lần thứ hai vào ngày 16/6 vậy nhưng công ty vẫn bán ra thị trường 5,3 tấn cánh gà nhiễm khuẩn. 

 

Thêm “hàng rào” ngăn chặn

 

Trước tình hình trên, Cục thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố quyết định cấm nhập khẩu các loại nội tạng trắng của các loại gia súc, gia cầm như ruột, dạ dầy, dồi trường, pín…. Các loại nội tạng khác như tim, cật vẫn cho nhập khẩu nhưng hạn chế.

 

Ngoài ra, đối với những mặt hàng thực phẩm đã có kết quả xét nghiệm bị nhiễm khuẩn thì sẽ không còn áp dụng quy định cho chiếu xạ như trước kia nữa.

 

Nhiều tài liệu cho thấy, việc chiếu xạ chỉ diệt được côn trùng, ký sinh trùng ở rau, củ, quả, ngũ cốc. Còn với thực phẩm đông lạnh thì chỉ “hạn chế vi sinh vật gây bệnh, kéo dài thời gian bảo quản, kiểm soát động thực vật ký sinh” chứ không thể diệt hết vi khuẩn gây bệnh.

 

“Đối với các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột như E.coli hay Coliforms thì tiêu hủy là giải pháp an toàn nhất vì có chiếu xạ cũng vô ích”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Thiết bị Kỹ thuật Nông nghiệp, cho biết.

 

TS Nghĩa giải thích: “Đối với thực phẩm tươi sống đông lạnh, thì việc chiếu xạ không phải là phương pháp tuyệt đối để diệt hết vi sinh, bởi mỗi loại vi sinh tồn tại trong thực phẩm đều bị tiêu diệt ở một nhiệt độ nhất định và một tia chiếu xạ nhất định”.

 

Ngọc Thanh