1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Nguyệt san ảnh hưởng đến chuyện có con?

(Dân trí) - Chúng tôi mới cưới nhau được một tuần, vợ chồng tôi rất mong có con sớm sau khi cưới. Nhưng tôi rất lo, dù chu kì kinh nguyệt của tôi đều, thường là 30 đến 32 ngày, nhưng lượng máu ra rất nhiều và thường bị đóng cục, kéo dài 3 ngày là hết hẳn.

Trước khi cưới tôi cũng đã khám sức khoẻ tổng thể nhưng vẫn rất lo lắng. Tôi xin hỏi, lượng máu quá nhiều và đóng cục trong mỗi kì kinh như vậy có ảnh hưởng gì đến chuyện sinh con của vợ chồng tôi hay không? Nguyễn Thanh Hà (Vĩnh Phúc)

Trả lời của BS Trần Văn Phúc, BV Xanh-pôn:

Bình thường, chu kì kinh nguyệt đều đặn, vòng kinh khoảng từ 28 đến 30 ngày. Nếu thời gian mỗi vòng kinh dưới 21 ngày gọi là kinh ngắn, ngược lại nếu trên 35 ngày thì gọi là kinh thưa.

Trường hợp của bạn, thời gian mỗi vòng kinh từ 30 đến 32 ngày như vậy là biểu hiện kinh không đều, có nhiều nguyên nhân nhưng thường do tâm lý căng thẳng, người mệt mỏi, thay đổi môi trường sống và làm việc. Những cẳng thẳng trong cuộc sống nhiều khi cũng là nguyên nhân gây ức chế làm giảm khả năng thụ thai. Bạn chỉ cần ăn uống đầy đủ, tập thể dục tốt, tránh mọi căng thẳng trong cuộc sống là chu kì kinh sẽ đều lại bình thường.

Thời gian mỗi kì kinh bình thường từ 3 đến 5 ngày, nếu kéo dài trên 7 ngày gọi là rong kinh, dưới 2 ngày gọi là kinh ngắn. Số lượng máu kinh khoảng từ 100 đến 150ml, ra nhiều trong những ngày giữa kì kinh, trung bình mỗi ngày khoảng 2 đến 3 băng vệ sinh. Số lượng máu kinh dưới 15ml gọi là kinh ít, có thể không cần phải dùng tới băng vệ sinh. Lượng máu kinh trên 200ml gọi là kinh nhiều.

Bạn không nói cụ thể mỗi ngày phải thay bao nhiêu băng vệ sinh, hay cụ thể hơn là lượng máu kinh bao nhiêu thì không thể khẳng định lượng máu là nhiều hay ít. Tuy nhiên, trước khi cưới, bạn đã khám sức khoẻ và không bị một số bệnh lý như viêm nhiễm phần phụ, u xơ tử cung, u buồng trứng… thì bạn không phải lo lắng kinh nguyệt của bạn nhiều làm ảnh hưởng tới chuyện có con sớm.

Máu kinh thật sự chỉ khoảng 50%, còn lại là chất nhầy do các tuyến ở tử cung và âm đạo tiết ra, các mảnh vụn của nội mạc tử cung, các tế bào bong của niêm mạc âm đạo. Mảnh vụn nội mạc tử cung và chất nhầy có thể gây hiện tượng vón cục, không phải là tình trạng bệnh lý nên cũng không ảnh hưởng tới chuyện có con.

Hồng Hải (ghi)