Nguyên nhân nào khiến trẻ bị viêm hô hấp cấp tính ở TPHCM tăng mạnh?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sáng 23/11, Sở Y tế TPHCM cho biết đã tìm ra tác nhân gây nên hiện tượng tăng số ca bệnh viêm hô hấp trong những tháng gần đây tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi ở địa phương.

Theo đó, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức cuộc họp giữa 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) để đánh giá nguyên nhân hiện tượng tăng số ca viêm hô hấp cấp tính ở trẻ em trong những tháng gần đây.

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị viêm hô hấp cấp tính ở TPHCM tăng mạnh? - 1

Phụ huynh đưa con đi điều trị tại khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Bước đầu nhận định, virus vẫn là nguyên nhân chính gây nên bệnh cảnh viêm hô hấp cấp tính, cùng với thời tiết chuyển mùa đã dẫn đến hiện tượng này.

Kết quả xét nghiệm từ OUCRU cho thấy, hiện tại không ghi nhận tác nhân nào nổi trội bất thường. Các tác nhân được tìm thấy qua xét nghiệm bao gồm virus cúm mùa, RSV, Enterovirus, các vi khuẩn H. Influenza, Strep. pneumonia và Mycoplasma pneumonia.

Đây đều là những tác nhân gây bệnh hô hấp thường gặp trong nhiều năm qua tại TPHCM, đã được ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới.

Về tình trạng, phần lớn ca bệnh đều nhẹ, có thể điều trị ngoại trú. Các bệnh cảnh viêm phổi thường gặp trên người có ít nhất 1 bệnh lý nền như tim bẩm sinh, bại não, xuất huyết não, teo đường mật, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn, lupus đỏ hệ thống, suy dinh dưỡng…

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị viêm hô hấp cấp tính ở TPHCM tăng mạnh? - 2

Số ca bệnh hô hấp gia tăng, hàng trăm trẻ nhập viện (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo Sở Y tế TPHCM, viêm hô hấp cấp tính là bệnh phổ biến thường gặp nhất ở trẻ em, diễn tiến theo mùa, thường tăng cao vào tháng 10-12 hàng năm. Số liệu tổng hợp trong 10 tháng đầu năm cho thấy, bệnh nhi viêm hô hấp cấp điều trị ngoại trú, nội trú và tử vong thấp hơn cùng kỳ các năm trước dịch Covid-19.

Còn theo HCDC, mặc dù số ca đến khám tại các cơ sở y tế có gia tăng trong những tháng cuối năm, nhưng hệ thống giám sát chưa ghi nhận các ổ dịch viêm hô hấp tại các trường học, vì độ tuổi mắc bệnh đợt này chủ yếu ở trẻ nhỏ.

Ngành y tế TPHCM khẳng định, đa số các bệnh viêm hô hấp do virus chỉ cần điều trị triệu chứng và tự khỏi. Những trường hợp viêm phổi hoặc có bệnh lý nền cần được nhập viện chẩn đoán và điều trị đúng cách, kịp thời để ngăn các biến chứng nặng và hạn chế tử vong.

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị viêm hô hấp cấp tính ở TPHCM tăng mạnh? - 3

Theo Sở Y tế TPHCM, đa số các bệnh viêm hô hấp do virus chỉ cần điều trị triệu chứng và tự khỏi (Ảnh: Hoàng Lê).

Do có nhiều tác nhân virus đều có thể gây bệnh viêm hô hấp, nên một trẻ có thể bị mắc bệnh nhiều lần. Để phòng bệnh, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo đến mọi người dân thực hiện các biện pháp như sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng cho bản thân người lớn và cho trẻ em.

- Luôn luôn che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi.

- Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, khuyến khích tiêm các vaccine cúm, phế cầu nếu có đủ điều kiện. Trẻ em có bệnh lý nền cần được theo dõi, điều trị ổn định để giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng. Phụ nữ có thai, người già, người có bệnh lý nền cần tiêm vaccine cúm hàng năm.

- Người đang có các triệu chứng viêm hô hấp nên mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.

- Giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, dinh dưỡng hợp lý theo tuổi, đặc biệt tranh thủ nguồn sữa mẹ ở tuổi nhũ nhi.

- Giữ gìn nhà cửa sạch thoáng.

Trước đó, theo báo cáo của 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, 10 tháng qua các nơi này tiếp nhận tổng cộng hơn 238.000 lượt khám bệnh về hô hấp.

Trong 9 tháng đầu năm, trung bình có 18.000-23.000 ca khám bệnh mỗi tháng. Nhưng trong tháng 10, số lượt khám bệnh hô hấp tăng lên hơn 35.000 ca.

Về tình hình nhập viện, nếu trong 9 tháng đầu năm, cao điểm nhất là 4.000-4.600 ca/tháng thì đến tháng 10 tăng hơn 5.800 ca. Số bệnh nhân hô hấp tử vong trong tháng 10 là 36 ca, cao nhất so với 9 tháng trước.