1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo do dịch Ebola

(Dân trí) - Dịch Ebola lan nhanh tới mức đang biến thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo, để lại nhiều trẻ mồ côi, nhiều gia đình thiếu đói và nhiều người chết vì những bệnh có thể điều trị được. Các chuyên gia y tế hàng đầu đang lên tiếng kêu gọi quốc tế hỗ trợ nhiều hơn nữa cho tây Phi.

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo do dịch Ebola

 

Riêng nước Mỹ đã cam kết tài trợ hơn 1 tỷ đô la cho các khoa cấp cứu bệnh viện, phát triển vắc xin, vật tư y tế và đào tạo cho Liberia, trong khi Ngân hàng thế giới đã huy động được 400 triệu đô la tài chính. Anh đang xây dựng những cơ sở điều trị ở Sierra Leone và nhiều nước khác đang gửi nhân viên và trang thiết bị.

 

Nhưng các chuyên gia y tế trên tuyến đầu cuộc chiến cho biết sự hỗ trợ này là chưa đủ và chưa được đưa tới đủ nhanh để chặn đứng căn bệnh sốt xuất huyết chết người này.

 

"Sự huy động này là chưa đủ để đáp ứng với cuộc khủng hoảng”, Sophie Delaunay, Giám đốc điều hành của Bác sĩ không biên giới, tổ chức phi lợi nhuận đang dẫn đầu cuộc chiến chống dịch bệnh, phát biểu.

 

"Không có đủ khả năng và biện pháp để cách ly người bệnh. Sự trớ trêu là ở chỗ chúng tôi biết việc cần làm - cách ly mọi người - nhưng chúng tôi không biết cần làm nhanh đến mức nào”.

Nếu không tăng qui mô đáp ứng thì số người chết sẽ còn tăng, đó là ý kiến của Steve Monroe, phó trưởng phòng Bệnh nhiễm trùng tại Trung tâm phòng chống bệnh dịch (CDC) Mỹ, cơ quan này đã thông báo ca bệnh đầu tiên được xác nhận ở Mỹ.

 

"Đáp ứng y tế đang trở thành khủng hoảng nhân đạo", ông nói.

 

Các báo cáo của CDC công bố tuần qua cho thấy trong trường hợp xấu nhất, số ca nhiễm có thể lên tới 1,4 triệu vào tháng Giêng năm sau, so với khoảng 6.000 ca bệnh hiện nay. Cho đến nay dịch chủ yếu xảy ra ở Liberia, Sierra Leone và Guinea cộng với một số trường hợp ở Senegal và Nigeria, là những nơi mà CDC cho rằng có vẻ đã được kiểm soát.

 

Nhưng số trường hợp nhiễm Ebola đang tăng gấp đôi sau mỗi 24 ngày ở Liberia, nước đang bị dịch nặng nề nhất. Nếu các biện pháp can thiệp được tăng cường, tác động sẽ rất đáng kể và dịch sẽ giảm mạnh.

 

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đang lo ngại rằng những trung tâm điều trị Ebola mà Mỹ và Anh đang xây dựng sẽ đòi hỏi đội ngũ nhân viên được đào tạo cao, người lãnh đạo cứng rắn trong môi trường kỷ luật nghiêm ngặt để ngăn ngừa lây nhiễm.

 

Trong khi đó, MSF tập trung vào việc mở rộng công tác chăm sóc ban đầu để cố gắng cách ly người bệnh tại chỗ. Bệnh Ebola có đặc điểm là sốt, nôn và chảy máu khiến nó cực kỳ dễ lây. Hình thức chăm sóc sẽ khác nhau – tại nhà, hoặc tại một cơ sở của địa phương – sẽ tùy thuộc vào nhu cầu và nguồn lực của từng cộng đồng.

 

"Chúng tôi thực sự có kinh nghiệm về những biện pháp tốt nhất, bao gồm phân phát những bộ kit vệ sinh tại nhà," Delaunay nói. Cung cấp thông tin chính xác cho người dân về cách phòng ngừa bệnh bằng những bộ kít này là một nhiệm vụ rất khó khăn.

 

Các vắc xin đang triển khai rất được mong chờ, nhưng chúng không thể có mặt đủ nhanh để kiểm soát dịch.

 

Cẩm Tú

Theo Asiaone