1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Người mê “cây bút vàng” trở thành “bàn tay vàng” phẫu thuật nhi

(Dân trí) - Mê văn chương, ao ước được theo nghiệp... văn sĩ, nhưng cuối cùng, một biến cố của cuộc đời đã khiến cậu thanh niên có tâm hồn lãng mạn Nguyễn Thanh Liêm phải từ bỏ niềm đam mê để chọn nghề... bác sĩ.

Nhưng cuối cùng, khi đã công tác trong ngành y gần hết cuộc đời, ông đã khẳng định: Đó là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời. Ông đã có niềm đam mê mới, đó là tìm ra các phương pháp phẫu thuật để những bệnh nhân nhỏ bé của ông ít phải chịu đau đớn nhất, nhanh hồi phục sức khỏe nhất.

 

Không bao giờ có phương pháp giải phẫu lý tưởng


Không bao giờ có phương pháp giải phẫu lý tưởng

 

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi TƯ chia sẻ, ông đến với nghề y rất tình cờ. Khi còn là học sinh cấp 3, ông là một chàng trai giàu tâm hồn bay bổng, có một trí nhớ rất đặc biệt, từng sáng tác thơ, văn và rất thích học văn, yêu văn chương. Những tưởng sẽ theo nghiệp văn sĩ nhưng năm cuối cấp ba (năm 1970), một biến cố đã xảy ra, mẹ ông bị ốm rồi mất vì ung thư phổi. “Khi đó tôi hoang mang lắm, không hiểu gì về căn bệnh đã cướp đi người mẹ của mình, thấy mình bất lực, không giúp gì được cho người thân nên đã quyết định thi vào Đại học Y Hà nội”.

 

Chia sẻ về việc lựa chọn chuyên ngành Phẫu thuật nhi, GS Liêm cho biết, đến giờ, ông vẫn tự thấy đó là một quyết định đúng đắn nhất. “Lựa chọn phẫu thuật nhi, có lẽ là do chính cá tính con người tôi, luôn thích cái mới, sáng tạo. Thời điểm đó chuyên ngành Phẫu thuật nhi còn rất mới ở Việt Nam. Tại Viện Nhi TƯ, chuyên ngành Phẫu thuật nhi mới có 3 - 4 người. Vì thấy đây là lĩnh vực mới, hầu như chưa có ai khám phá nên tôi quyết định lựa chọn”.

 

Từ khi chính thức bước vào lĩnh vực Phẫu thuật nhi từ năm 1979, BS Nguyễn Thanh Liêm - khi đó còn là một bác sĩ nội trú trẻ đã luôn trăn trở, làm sao để cải tiến những kỹ thuật mổ để các bệnh nhi nhỏ bé nhanh lành bệnh, đỡ chịu những đau đớn.

 

“Phương châm của tôi là đừng bao giờ coi một phương pháp giải phẫu đã là lý tưởng. Mỗi ngày, khi mổ xong cho bệnh nhi tôi luôn suy nghĩ xem có cách nào làm tốt hơn không, có cách nào có thể làm giảm thời gian, có cách nào làm bệnh nhân chóng hồi phục không, có kết quả điều trị tốt hơn không?’, TS Liêm chia sẻ.

 

Và với phương hướng hành động này, GS Liêm đã có nhiều cải tiến cho các phương pháp mổ, mang lại kết quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhi, giảm bớt thời gian nằm viện cho các em. Một loạt các phương pháp mổ cho bệnh nhi có thể kể tới như: Mổ chữa bệnh phình đại tràng bẩm sinh bằng phẫu thuật nội soi; Điều trị ẩn tinh hoàn bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng; Phẫu thuật nội soi lồng ngực; Điều trị van niệu đạo sau bằng phương pháp cắt van nội soi; Điều trị thận, niệu quản đôi bằng phẫu thuật nội soi; Điều trị ra nhiều mồ hôi tay ở trẻ em bằng phẫu thuật nội soi ngực cắt giây thần kinh giao cảm…

Năm 1997, với việc ứng dụng phẫu thuật nội soi trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh, GS Liêm đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực đã tiến hành phẫu thuật nội soi ở trẻ em (Singapore tiến hành từ năm 1999).

 

Tiếng tăm của nội soi Việt Nam đã vang xa trên toàn thế giới. Viện Nhi Trung ương trở thành một trong các trung tâm phẫu thuật nội soi trẻ em tiên tiến nhất trên thế giới được đồng nghiệp quốc tế dánh giá cao, trở thành một trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi trẻ em không chỉ cho Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới gồm Thái Lan, Phillipine, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Italia.

 

“Đừng bao giờ suy nghĩ trong một cái hộp”

 

Không bao giờ có phương pháp giải phẫu lý tưởng


“Từ phương châm hành động của mình, luôn không bằng lòng với những gì đã có hiện tại, luôn tìm đến những thử thách mới, khám phá mới, tôi đã dạy anh em đi sau không bao giờ được đi theo một lối mòn, không bao giờ suy nghĩ trong một cái hộp, đừng bao giờ coi một vấn đề nào đó là đã được giải quyết xong, đừng bao giờ coi một phương pháp mổ đã là lý tưởng”, GS Liêm nói.

 

Nhờ phương châm này nên dù nhiều kỹ thuật mổ đã được chính GS Liêm cải tiến nhưng ông vẫn luôn không bằng lòng với nó, luôn nghĩ đến việc cải tiến tiếp để làm sao có một phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhi. Vị Giáo sư này chia sẻ, điều ông trăn trở nhất là làm sao để giảm được tối đa những đau đớn của bệnh nhi trong phẫu thuật, làm sao để các em có thể bình phục nhanh nhất.

 

“Nhìn các em nhỏ 2 - 3 tuổi nhưng còi cọc vì bệnh tật, đau đớn cả tháng trời với vết mổ to, vừa hồi phục thì lại chuẩn bị bước vào cuộc mổ tiếp theo… trong một năm mà phải đại phẫu đến 3 lần, các bé đều khiếp đảm khi nhìn thấy bác sĩ, còn bác sĩ khi nhìn thấy các em cũng không cầm lòng vì bé nhỏ thế mà phải chịu đựng đau đớn của những cuộc đại phẫu liên tiếp. Đó là động lực để tôi tìm tòi, cải tiến phương pháp mổ phình đại tràng bẩm sinh”, TS Liêm nói.

 

Để chữa căn bệnh này, trước đây ở Việt Nam phải mổ rất vất vả, biến chứng nhiều. Sau khi được cải tiến, kỹ thuật mổ đã tốt hơn nhưng để điều trị căn bệnh này cho một bệnh nhi phải mất cả năm trời với 3 lần mổ, mỗi lần cách nhau khoảng 3 - 4 tháng. “Thấy thời gian phải vào viện, phẫu thuật quá nhiều với bệnh nhi, tôi đã quyết định giảm xuống chỉ mổ hai lần cho bệnh nhi. Dù giảm được một lần mổ đã là rất quý với trẻ, nhưng tôi vẫn không hài lòng, nghĩ rằng vẫn có thể rút xuống một lần mổ cho trẻ”, TS Liêm chia sẻ.

Giảm xuống 1 lần mổ giải quyết dứt điểm bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh là một quyết định rất mạo hiểm, đối mặt với nhiều khó khăn của GS Liêm. “Mổ lần đầu tiên cho bệnh nhi khi rút xuống một lần mổ, tôi chịu rất nhiều áp lực bởi nếu thất bại thì càng vất vả cho bệnh nhi, khi đó không chỉ một lần mổ mà thậm chí 3 - 4 lần vì biến chứng nhiễm trùng do bục đoạn mổ là hoàn toàn có thể và rất phức tạp. May mắn, ca bệnh đầu tiên đã thành công”, TS Liêm nói.

 

Không ngừng học tập, nghiên cứu

Dù đã giảm xuống còn một lần mổ cho bệnh nhi, nhưng GS Liêm vẫn chưa thoả mãn bởi đường mổ rất to, ông đã quyết định nghiên cứu kỹ thuật mổ nội soi cho trẻ và đã thành công.

 

Hay như kỹ thuật mới phẫu thuật chữa thoát vị cơ hoành qua nội soi. Trước đây để chữa trị, người ta mổ ngang đường bụng, cắt cơ, sang chấn, nguy cơ tử vong cao. Đến năm 2000 GS Liêm đã thành công mổ nội soi ở trẻ lớn và bắt đầu thực hiện dần ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sau 2 – 3 ngày sinh. Trong khi đó tại Mỹ cũng có tác giả báo cáo về phương pháp này nhưng khuyến cáo là không nên làm ở trẻ sơ sinh. Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại khi đã phẫu thuật được gần 300 trường hợp thì có 70% là trẻ sơ sinh, tỉ lệ thành công lên đến 90%. Thậm chí hiện nay, Việt Nam còn phát triển thêm một bước khi áp dụng phương pháp mổ này cho bệnh nhi đang phải thở máy cao tần.

 

Dù đã đạt được nhiều thành công, sáng tạo, ứng dụng nhiều phương pháp phẫu thuật mới giúp cho bệnh nhi nhanh hồi phục, nhưng GS Liêm chưa bao giờ bằng lòng với những kết quả đó. Hàng ngày, ông vẫn cặm cụi với công việc tại BV Nhi TƯ từ 6h sáng đến 8h tối. Về nhà, dành chút thời gian cho gia đình xong, ông lại mải mê đọc tài liệu, viết sách… Dù bận rộn thế, nhưng ông vẫn giữ cho mình thói quen, đó là đọc sách vì những đam mê từ thời trai trẻ.

 

“Nghe thiên hạ đồn thổi cuốn truyện nào đặc biệt tôi vẫn tìm đọc. Giờ để đỡ già, đỡ quên thì tôi tìm đến học piano. Sách, âm nhạc đem lại cho tôi sự thư thái trong tâm hồn, đem lại sự tĩnh tâm, thảnh thơi để tôi có thể tiếp tục suy nghĩ, cải tiến những kỹ thuật mổ tốt nhất cho bệnh nhi”.

 

Tú Anh