1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người đàn ông đông con nhất Việt Nam

TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 27 năm trong nghề Sản khoa. Giờ đây, ông còn đang ghi danh mình vào kỷ lục với danh hiệu người đàn ông đông con nhất Việt Nam - những đứa trẻ thụ tinh nhân tạo.

Người đàn ông đông con nhất Việt Nam - 1

TS Nguyễn Viết Tiến đang hội chẩn cùng đồng nghiệp cho 1 ca bệnh
 
Chiến đấu với thần chết

 

Anh đã công tác trong ngành này được bao nhiêu năm rồi?

 

Tính đến nay đã là 27 năm. Bắt đầu làm Giám đốc bệnh viện từ năm 2004. Ngay từ ngày đi học tôi đã thấy mình phù hợp với nó. Tôi cũng không hối hận khi đã chọn nghề này.

 

Nghề của anh có gì vui mà nó "hút" anh ghê thế?

 

Vui chứ. Vui vì nhiều khi tự bản thân mình cũng thấy mình có khiếu. Vui vì mình là người đầu tiên được đón những sinh linh bé nhỏ chào đời. Vui vì mỗi lần vào phòng mổ cấp cứu là một lần tham chiến. Căng thẳng, chạy đua với thời gian, chiến đấu với thần chết để giành giật mạng sống về cho bệnh nhân.

 

Mỗi chiến thắng, mỗi niềm vui làm mình ngày càng thêm hứng thú với nghề. Như tối hôm qua, tôi mổ đến 11h đêm. Bệnh nhân bị u xơ tử cung, bị dính, trước đó đã mổ 2 lần. Tôi là người mổ lần 3. U dính bết thành một khối, làm rách cả bàng quang. Những người đứng ngoài xem cứ băn khoăn không biết tìm đường nào để vào mà mổ. Ca mổ đã thành công.

 

Người quen họ có ngại khi anh đỡ đẻ cho họ? Kiểu như vợ của bạn hay bạn gái thân của anh khi đẻ chẳng hạn. Vì họ ngại anh nhìn thấy "cái ấy" của họ...?

 

Không ai ngại cả. Ngại thì họ đã không đến. Còn tất cả những người đến với mình họ đều thấy yên tâm vì mình đỡ cho họ.

 

Ý tôi muốn hỏi là cảm xúc đặc biệt của anh khi khám, hoặc làm những công việc chuyên môn khác cho người quen, vì khám sản khoa nó cũng tế nhị lắm... Hồi trẻ, chắc anh cũng có lần bối rối nếu bệnh nhân là người quen?

 

Tôi nhớ là chưa bao giờ. Kể cả khi tôi là lính mới ra trường. Trước bệnh nhân, mình là bác sĩ. Bác sĩ thì làm đúng việc của bác sĩ và không để những cảm xúc khác chi phối. Không hiểu sao, chính tôi cũng thấy mình bình tĩnh lạ lùng. Kể cả những lần đầu tiên ra trường đi làm việc hay ở trong một ca mổ khó.

 

TS Nguyễn Viết Tiến sinh năm 1959, đã 27 năm công tác trong ngành Sản khoa. Ông gắn bó với Bệnh viện Phụ sản TW (trước đây là Bệnh viện C) từ năm 1982 đến nay.
 
Một trong những việc anh thường làm và tạo được uy tín là thụ tinh trong ống nghiệm, giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn sinh con. Ngoài ra, ông còn thường xuyên tham gia những ca mổ khó.
Đừng nghĩ "sản" chỉ là đỡ đẻ

 

Xin lỗi anh trước. Tôi có nghe sinh viên trường Y có truyền khẩu câu: "Giỏi đi nhi - Ngu si đi sản". Vì thế tôi đâm nghi ngờ hồi trước, tức là khoảng thời của anh là sinh viên, vào sản chắc là do học dốt?

 

(Cười) Không có đâu. Đó chỉ là những câu châm biếm, trêu chọc nhau. Thế bạn đã nghe thấy câu: "Thắt lưng thì đeo vỉ ruồi. Đầu đội giếng nước, đít ngồi 2 ngăn" chưa? Đó là câu châm biếm ngành an toàn vệ sinh thực phẩm đấy. Ý muốn nói nghề của họ phải đánh ruồi, làm giếng nước khoan và tuyên truyền xây nhà vệ sinh hai ngăn. Nói chung, ngành nào cũng có câu để trêu ngành kia.

 

Thế anh vào ngành sản do cái gì?

 

Do nhiều cơ duyên lắm. Hướng của tôi ban đầu là thích kỹ thuật mổ xẻ. Đừng nghĩ "sản" chỉ là đỡ đẻ. Thực ra nó đa dạng lắm: Phẫu thuật tạo hình, ngoại khoa, ung thư, chẩn đoán hình ảnh, mô phôi, kể cả nội khoa, nội tiết...

 

Anh không cho rằng mình dốt, vậy anh có tự nhận mình là giỏi? Anh có cho rằng mình là người giỏi nhất Việt Nam về chuyên môn sản không?

 

Bất cứ ai tự nhận mình là người giỏi nhất thì đã không phải là người giỏi rồi. Nhưng rõ rằng chuyên môn của mình chắc chắn được các đồng nghiệp đánh giá cao. Bệnh viện mình là hàng đầu cả nước về sản. Mình lại là người lãnh đạo cái tập thể giỏi ấy. Nếu mình không đủ giỏi thì nhân viên không nể phục.

 

Ông bố đông con nhất Việt Nam

 

Anh dành khá nhiều thời gian để chui trong cái phòng thụ tinh trong ống nghiệm. Những đứa trẻ sinh ra nhờ thụ tinh nhân tạo, có đứa nào gọi anh là "bố" không?

 

Có đấy. Nhiều chứ. Nhưng dù gọi hay không gọi, cứ tạo được một ca thành công, mẹ tròn con vuông là tôi vui rồi. Hiện nay, ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hầu như ngày nào cũng có trẻ thụ tinh trong ống nghiệm ra đời.

 

Đến nay đã có khoảng vài ngàn trẻ ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm. Tôi luôn cố gắng quan tâm đến tất cả. Nhưng thú thực là cũng có một vài trường hợp “không biết bây giờ cháu ở đâu”.

 

Anh có lo cho những đứa trẻ trong ống nghiệm, nhân tạo như lo cho con của mình không?

 

Nếu vô cảm bạn không thể làm nghề này. Những đứa trẻ trong ống nghiệm cũng là những sinh linh như chúng ta. Tôi lại là người góp phần vào nuôi nấng, tạo ra những sinh linh đó thì tôi phải lo lắng cho chúng như con của mình chứ.

 

Vợ anh có chia sẻ với anh điều này?

 

Vợ tôi cũng là bác sĩ. Cô ấy hiểu công việc của ngành y. Hiểu nhau nên vợ chồng tôi luôn biết chia sẻ với nhau.

 

Nghề gì cũng cần có đức

 

Anh nghĩ gì về chữ “đức” trong ngành y?

 

Tôi cho rằng, không riêng ngành y. Nghề gì cũng cần phải có ĐỨC. Công an không có đức sẽ bắt nhầm, bắt vô tội vạ, ăn tiền. Toà án, Viện kiểm sát nếu không có đức sẽ xử sai. Người làm giao thông nếu không có đức sẽ gây sập cầu (do ăn bớt vật tư, thi công ẩu) dẫn đến chết người. Lái xe thiếu đức sẽ phóng nhanh vượt ẩu và gây hại cho tính mạng những người ngồi trên xe... Ngay nhà báo, thiếu đức thì sẽ phản ánh không đúng sự thật. Nghề gì cũng vậy chứ không riêng ngành y, cứ làm đúng, có lý, có tình thì chính là có đức.

 

Rất nhiều người làm nghề y mở phòng khám tư để kinh doanh. Mà kinh doanh thì cần lợi nhuận. Khi lợi nhuận được đặt lên hàng đầu thì liệu có còn y đức không?

 

Tôi biết nhiều người mở phòng khám tư không cần tiền. Vì tiền họ có tiêu đến hết đời cũng không hết. Nhưng họ vẫn mở phòng khám, lụi hụi làm. Nó như một sự ngứa ngáy nghề nghiệp. Hoặc có người, sau giờ làm ở bệnh viện, về nhà chẳng lẽ ngồi chơi không? Nếu đi chơi, có khi lại bị vợ, hoặc chồng ghen. Vậy chẳng thà đi làm thêm, vừa đúng nghề, vừa có thêm thu nhập. Tất nhiên, có người làm bậy bạ, nhưng đó chỉ là số ít.

 

Có người trong ngành y nói với tôi: "Trong một ca mổ, đôi khi do sơ suất, bác sĩ gây cái chết cho bệnh nhân, những chẳng ai biết ngoại trừ chính bác sĩ đó". Lương tâm họ có dằn vặt hay không?

 

Sai sót. Chắc chắn là có. Nhưng thường không phải do ác ý. Bác sỹ bao giờ cũng muốn tốt nhất cho bệnh nhân. Đúng là có những bệnh nhân gặp bác sĩ này thì sống, gặp bác sĩ khác thì chết. Đó là rủi ro.

 

Nhưng bạn thử tưởng tượng xem. Bệnh nhân nhất quyết phải mổ ngay, nếu chuyển đi thì không kịp, mời thầy của mình về cũng không kịp. Vậy chỉ còn cách mổ cấp cứu, may ra thì được. Những rủi ro chỉ là cực chẳng đã, không còn cách nào khác. Bác sĩ phẫu thuật không lao vào khi biết chắc chắn thua. Chỉ trừ bác sĩ mất trí, điên khùng mới cố giữ bệnh nhân để thử nghiệm và gây sai sót.

 

Theo Nguyên Thuỷ - Hoài Hương

Khoa học & Đời sống