Nghỉ rồi vẫn… mệt!

Hễ mệt thì có ai không mong được… nghỉ! Bằng chứng là trong tiếng Việt, nghe dễ thương làm sao hai tiếng thì thầm “mệt nghỉ”! Nghe không đã thấy nhẹ nhõm, nhưng đừng tưởng vậy mà vội mừng vì không thiếu người sau khi nghỉ lại mệt hơn!

Theo một công trình nghiên cứu của giáo sư Froboese, hiệu trưởng Trường cao đẳng du lịch và thể thao ở Koln, thành phố nổi tiếng với nước hoa Eau de Cologne 4711, quả thật có nhiều người mệt hơn sau kỳ nghỉ. Nghe trái tai, nhưng lý do lại tương đối dễ hiểu sau khi phân tích phương án nghỉ ngơi của người muốn hết mệt nhưng tiền mất tật mang.

 

Người quá mệt đến độ phải nghỉ thường chọn một trong hai thái độ sau đây:

 

1. Chơi tới “bến”

 

Thông thường là chọn hình thức du lịch nặng phần giải trí cho mau quên nỗi nhọc nhằn. Nhưng rồi ngã ngửa vì stress đã không giảm mà còn tăng do các trò chơi gây cảm giác mạnh thuộc loại leo núi, đu dây… hay các hình thức thể thao có va chạm, có ăn thua… chính là giọt nước tràn ly cho đối tượng đã thừa nội tiết tố “sân si” của tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận… sau nhiều ngày gian truân vì công việc.

 

Đi chơi kiểu này cuối tuần chỉ làm người muốn nghỉ vừa hết pin về nội lực, vừa căng thẳng về tinh thần khi trở lại với cuộc sống đầu tuần sau đó. Hội chứng “ngày thứ Hai” không mời cũng đến!

 

Chương trình nghỉ dưỡng thuộc thể loại “chơi tới bến” về mặt cơ chế chẳng khác nào một hình thức stress mới. Chỉ khác với stress thường ngày ở chỗ nạn nhân phải… trả tiền!

 

2. Đi để ngủ

 

Đây là cách “người khôn tìm nơi vắng vẻ” để ngủ một giấc cho quên hết chuyện đời. Tưởng vậy nhưng nào phải vậy. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi của 2 - 3 ngày nghỉ ngơi, nạn nhân dù muốn vẫn không thể tắt máy điện thoại di động, gác ăngten hoàn toàn. Giấc ngủ không thể sâu vì trong lúc cố tình chợp mắt vẫn vướng bận đủ thứ gút mắc trong công việc, gia đình…

 

Chính điểm làm không ra làm, nghỉ không ra nghỉ khiến “mệt nhân” không thể nào khoẻ. Mà đã không khoẻ thì có lúc phải mệt! Nghỉ ngơi theo lối này thì hành lý mang theo khi trở về thành phố chính là tình trạng vừa mệt, vừa buồn. Mệt vì chưa khoẻ, buồn vì còn… mệt, dù tiền đã trao nhưng cháo múc không đầy tô! Hội chứng “mệt mỏi kinh niên” khỏi kêu cũng đợi trước văn phòng!

 

Cả hai hình thức kể trên đều không hữu ích để phục hồi sức khoẻ. Khuyết điểm là do vận tốc hồi phục không phù hợp với nhịp sinh học, hoặc quá nhanh hoặc quá chậm, chẳng khác nào kinh tế hay chính trị.

 

Do đó, một chương trình mang tên nghỉ dưỡng nhưng quá ngắn hạn theo kiểu sáng đi chiều về là vô ích, vì chưa kịp bắt trớn thì đã phải sang số de! Kế đến, gọi là nghỉ dưỡng mà chọn nơi có bầu không khí không thích hợp cho sức khoẻ thì có ngơi nhiều ngày cũng bằng không! Ở ngoại quốc, những nơi muốn mang nhãn hiệu “nghỉ dưỡng” phải được Bộ Y tế và môi trường chính thức công nhận. Ở xứ mình thì đơn giản hơn nhiều, nơi nào cũng là… resort!

 

Sau hết, muốn nghỉ khơi khơi bao giờ cũng dễ hơn nghỉ dưỡng, vì muốn dưỡng thì người nghỉ ngơi cần chương trình phục hồi sức khoẻ đặc hiệu với thời biểu rõ ràng và hợp lý, từ chế độ ăn uống cho đến sinh hoạt thể dục thể thao, để mỗi thành viên qua đó không thụ động ngồi chơi xơi nước mà vẫn tham gia hoạt động, nhưng trong hình thức thoải mái và gây nhiều hứng thú nhằm xoá mờ dấu ấn của cuộc sống căng thẳng hàng ngày.

 

Resort nào ở nước mình hiện nay có chương trình phục hồi sức khoẻ được thiết kế trên tri thức khoa học và thực hiện bởi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp? Không lạ gì khi nghỉ dưỡng ở nước ta vẫn còn là điều gì đó thật mông lung trong ngành du lịch, cứ như tiếng cười lúc trà dư tửu hậu. Thật đáng tiếc cho một đất nước có chiều dài bờ biển hơn 2.000km!

 

Hai tiếng nghỉ dưỡng rồi đây sẽ tiếp tục nghe rất thường. Có thật hay không chưa biết, chắc chắn là được phân nửa. Bằng chứng là không thiếu người nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, rồi ngày thường cũng nghỉ, nhưng nào có dưỡng. Nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ. Cũng có trường hợp nghỉ gắn liền với khoẻ. Thiếu gì công ty cứ hễ giám đốc nghỉ thì nhân viên… khoẻ! Nghỉ thế mới hay!

 

Theo BS Lương Lễ Hoàng

Sài Gòn tiếp thị

Dòng sự kiện: Stress