1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Mỗi năm có 3.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc

(Dân trí) - Đây là thông tin đưa ra tại buổi hội thảo về quản lý và điều trị bệnh lao kháng thuốc do Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) thuộc Bộ Y tế, tổ chức tại TPHCM.

Theo PGS. TS Đinh Ngọc Sỹ, trưởng ban điều hành CTCLQG, Việt Nam là 1 trong 27 quốc gia có bệnh nhân lao đa kháng thuốc và là 1 trong 3 nước (chỉ sau Trung Quốc và Philippin) có bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao. Ngoài ra, ông Đinh Ngọc Sỹ cũng cho biết: Số lượng bệnh nhân lao có giảm nhưng lại tăng cao ở 2 lứa tuổi gồm lứa tuổi trẻ từ 15 - 24 tuổi và lứa người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.

 

Còn BS Hoàng Thị Quý, nguyên giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch (BV PNT), lý giải: Nguyên nhân hàng đầu làm cho bệnh lao gia tăng là do sự gia tăng của dịch bệnh HIV/AIDS cùng với đó là sự xuất hiện chủng vi khuẩn lao kháng thuốc. Cũng theo BS Quý, sự xuất hiện chủng vi khuẩn lao đa kháng thuốc (MDR-TB) và gần đây là chủng vi khuẩn lao cực kháng thuốc (XDR-TB) ở một số địa phương, đang trở thành một vấn đề lớn, đe dọa tính mạng người bệnh cũng như cộng đồng.

 

Theo BS Hoàng Thị Quý, có nhiều nguyên nhân gây kháng thuốc song phần lớn là do con người (trong việc quản lý, sử dụng và cung cấp thuốc chống lao không hợp lý như kê đơn không đầy đủ, thuốc cung cấp không đều, thậm chí sai liều lượng hay kết hợp thuốc không đúng, thiếu hiểu biết cũng như thời gian hướng dẫn người bệnh…).

 

Thêm nữa bệnh nhân điều trị không được giám sát chặt chẽ hay không hợp tác với BS điều trị qua việc uống thuốc không đều, không tuân thủ những chỉ dẫn của thầy thuốc… và yếu tố kinh tế xã hội như thất nghiệp, không tiền mua thuốc (đối với những người không được điều trị miễn phí)…, cũng góp phần làm bệnh nhân lao đa kháng thuốc gia tăng. 

 

ThS. BS Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc BV PNT cho biết, tình hình lao đa kháng thuốc ở nhiều nước trên thế giới đang tăng. Ở Việt Nam, bệnh nhân lao đa kháng thuốc trên số liệu khá ít nhưng thực tế thì lại nhiều. Vì thế, chương trình Phòng chống lao quốc gia đã triển khai dự án thí điểm Phòng chống lao đa kháng thuốc (PMDT) tại 5 thành phố: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thanh Hóa.

 

Bệnh nhân lao tham gia chương trình sẽ được điều trị với thời gian kéo dài hơn cách điều trị lao khác. Trong 18 tháng điều trị theo chương trình PMDT, bệnh nhân sẽ được điều trị miễn phí với 2 giai đoạn gồm 2 tháng đầu điều trị nội trú, giai đoạn 2 ngoại trú, tái khám hàng tháng, chích, uống thuốc theo liều đã xác định tại khoa MDR. Riêng TPHCM sẽ có 100 bệnh nhân đầu tiên được điều trị theo chương trình PMDT, trong đó có 60 bệnh nhân lao mới và 40 bệnh nhân lao mạn tính. 

 

Ngọc Thanh