Lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên nhiều địa bàn

Tú Anh

(Dân trí) - Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị tăng cường việc giám sát, lấy mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đẩy mạnh xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thanh Phong đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm diễn ra ngày 24/11, với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhiều đầu cầu trong cả nước.

Lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên nhiều địa bàn - 1

Hội nghị với sự tham gia của các Viện Pasteur TPHCM; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Y tế Công cộng TPHCM; Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Lãnh đạo Ban quản lý, Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung Ương.

Nhiều nội dung đã được phổ biến tại Hội nghị trực tuyến, như hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và có hiệu lực, gồm: Thông tư số 29/2020/TT-BYT, Thông tư số 12/2021/TT-BYT, Thông tư số 10/2021/TT-BYT, Báo cáo công tác thanh tra, hậu kiểm năm 2021, Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2021.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, khi số F0 tăng cao, dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị Covid-19 rất quan trọng. Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã có những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân dương tính đang điều trị Covid-19.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng đã đưa ra khuyến cáo về dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà và khu cách ly.

Theo đó, người bệnh cần đảm bảo được cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: tinh bột (ngũ cốc, khoai, ngô, gạo...), đạm (gồm thịt, cá, tôm, trứng...), chất béo (dầu mỡ) và chất xơ (rau xanh, hoa quả chín).

Mỗi bệnh nhân Covid-19 cần đảm bảo đủ 3 bữa chính trong ngày, với thực đơn đủ 4 nhóm thực phẩm trên nhằm cung cấp đầy đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất để giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.

Trong hướng dẫn này, mức đạm được hướng dẫn từ 200-250gram thịt, cá mỗi ngày; rau xanh từ 300-400gram/ngày; quả chín từ 200-300gram/ngày.

Bộ Y tế đặc biệt lưu ý, bệnh nhân Covid-19 thường mất vị giác dẫn đến chán ăn. Lúc này, cần chế biến đồ ăn dạng lỏng như súp, cháo, sữa, bổ sung sản phẩm dinh dưỡng giàu năng lượng... Bên cạnh đó, động viên người bệnh dù ăn không ngon miệng vẫn cố ăn đủ bữa để có cơ thể khỏe mạnh chiến đấu với bệnh tật.

Ngoài ra, tại hội nghị có nhiều tham luận về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh thành.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, trong quá trình triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, nếu gặp khó khăn, vướng mắc địa phương cần có văn bản gửi Cục để kịp thời giải quyết, xử lý.

Đặc biệt trong lĩnh vực quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn rất nóng, với hàng chục nghìn sản phẩm, cần tăng cường, giám sát quản lý, phát hiện kịp thời các sai phạm.

Ông Phong nhấn mạnh, các sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực này liên quan đến việc quảng cáo quá công dụng, quảng cáo khi chưa được cấp phép, sản phẩm không đúng hàm lượng như công bố...

Vì thế, ngoài công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang rất nóng hiện nay, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương phải tăng cường giám sát, lấy mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh/thành phố; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xử lý vi phạm quảng cáo đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tăng cường việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc do độc tố tự nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh Covid,… để các hoạt động triển khai đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Phong thông tin thêm trong lĩnh vực này, Cục An toàn thực phẩm luôn tăng cường giám sát, quản lý, tiếp nhận thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Trên website chính thức của Cục liên tục cập nhật công khai các vi phạm liên quan, cảnh báo đến người tiêu dùng.