1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Lần đầu tiên ứng dụng can thiệp -phẫu thuật tim mạch

(Dân trí) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, một phương pháp mới cho phép vừa tiến hành can thiệp - phẫu thuật tim mạch cùng một thời điểm, giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh, giảm chi phí nằm viện và mang lại hiệu quả điều trị cao.

Các bác sĩ thực hiện can thiệp - phẫu thuật tim mạch cho một bệnh nhân. Ảnh: BS cung cấp.
Các bác sĩ thực hiện can thiệp - phẫu thuật tim mạch cho một bệnh nhân. Ảnh: BS cung cấp.

Chiều 10/5, Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chính thức khai trương Phòng can thiệp - phẫu thuật tim mạch đầu tiên ở Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Hữu Ước, trưởng khoa Tim mạch và lồng ngực BV Việt Đức cho biết, hiện nay có bốn phương pháp chính điều trị các bệnh lý tim mạch là: nội khoa (dùng thuốc), ngoại khoa (phẫu thuật), can thiệp tim mạch, can thiệp kết hợp phẫu thuật tim mạch (Hybrid).

Tại Việt Nam, hai phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa là hai phương pháp điều trị truyền thống, đã có  nhưng bước phát triển đáng kể. Can thiệp tim mạch là một lĩnh vực tuy mới được phát triển trong những năm gần đây, song cũng đạt được những bước tiến vững chắc. Phương pháp can thiệp-phẫu thuật tim mạch, mặc dù đã phát triển rất mạnh trên thế  giới,  song mới đang trong quá trình xây dựng ở Việt Nam.

“Can thiệp-phẫu thuật tim mạch là một phương pháp điều trị bệnh tim mạch hiện đại, cho phép vừa làm can thiệp tim mạch, vừa làm phẫu thuật tim mạch ở cùng một thời điểm. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích to lớn như trong tình huống bệnh nhân có thương tổn tim mạch từ 2 vị trí khác nhau (đa thương tổn), khiến một chấn thương thì cần phẫu thuật, một chấn thương cần can thiệp. Vì vậy, việc kết hợp can thiệp-phẫu thuật sẽ giảm số lần mổ cho bệnh nhân, tiết kiệm thời gian, chi phí nằm viện và hiệu quả điều trị cao hơn,” GS.TS Ước nhấn mạnh.

GS Ước dẫn chứng về ca bệnh vừa được thực hiện cap thiệp - phẫu thuật tim mạch thành công. Bệnh nhân này bị chấn thương nặng sau tai nạn với chấn thương dập, vỡ gan, vỡ động mạch chủ. Sau khi được can thiệp - phẫu thuật tim mạch, sau 10 ngày bệnh nhân đã xuất viện khỏe mạnh. “Nếu ca này mà mổ thì tỉ lệ tử vong 99%. Nếu có sống được, thời gian hậu phẫu ít nhất 4 - 5 tháng nằm viện, chi phí vài trăm triệu. Nhưng nhờ được áp dụng phương pháp này, vừa cho phép can thiệp, vừa làm phẫu thuật cùng một thời điểm nên cơ hội hồi phục tốt hơn”, GS Ước cho biết.

Phương pháp này cũng đặc biệt có ý nghĩa với những bệnh nhân dù chỉ có thương tổn ở một nơi nhưng vị trí rất phức tạp (như quai động mạch chủ, động mạch chủ ngực - bụng), bệnh nhân già yếu… khó phẫu thuật trực tiếp vào thương tổn do có nguy cơ rủi ro quá cao.  

Tại BV Việt Đức, hệ thống can thiệp tim mạch Hybrid đã được ứng dụng từ ngày 28/2/2013. Sau hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch an toàn cho hơn 70 bệnh nhân, với nhiều thể bệnh, nhiều kỹ thuật rất đa dạng và phức tạp gồm cả bệnh tim bẩm sinh, bệnh tim người lớn, bệnh động mạch chủ, bệnh mạch máu ngoại vi…

GS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, can thiệp - phẫu thuật tim mạch sẽ là một thế mạnh của Việt Đức, bởi Việt Đức là đầu ngành về ngoại khoa tại Việt Nam, nên việc ứng dụng phương pháp này sẽ mang lại nhiều cơ hội điều trị cho người bệnh. Đơn vị Can thiệp - phẫu thuật tim mạch của khoa Tim mạch cũng là đơn vị Hybrid chính thức đầu tiên ở Việt Nam, thực hiện thành công ca quai động mạch chủ bằng Hybrid đầu tiên tại Việt Nam.

GS Ước cho biết thêm, hiện BHYT đã thanh toán cho khoảng 2/3 các can thiệp liên quan. Hiện bệnh viện đang đề nghị bảo hiểm y tế thanh toán kỹ thuật can thiệp - phẫu thuật tim mạch để tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, hiệu quả, giảm chi phí cho chính người bệnh.

Hồng Hải