Không nên đổ xô đi tiêm phòng sởi

(Dân trí) - Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng, dịch sởi xảy ra ở người lớn lần này không có gì là bất thường. Dịch có thể lan rộng, nhưng chỉ ở quy mô lẻ tẻ. Vì thế, người dân không nên quá lo lắng, đổ xô đi tiêm phòng.

Không nên đổ xô đi tiêm phòng

Tính từ tháng 10/2008 đến nay, cả nước có hơn 300 ca sởi người lớn nhưng nằm rải rác ở 66 xã, phuờng. Theo đánh giá của ông Hiển, có khả năng dịch lan rộng nhưng chỉ ở quy mô lẻ tẻ. Và việc dịch sởi phát sinh ở người lớn như lần này không có gì là bất thường. Đây là hiện tượng thường xảy ra ở những nước có tỷ lệ tiêm phòng sởi cao (chứng tỏ trẻ em đã được bảo vệ, chỉ còn lại nhóm người lớn chưa được tiêm phòng từ khi còn bé). Và điều này cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010 của Việt Nam.
Không nên đổ xô đi tiêm phòng sởi - 1
Bệnh nhân sởi nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm,
 BV Bạch Mai (Ảnh: H.Hải)
 

Vì thế, người dân không nên quá lo lắng, đổ xô đi tiêm phòng. Hơn nữa, hiện vắc xin phòng sởi chỉ có trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí dành cho trẻ em, tại các cơ sở tiêm dịch vụ không có loại vắc xin này. Nếu tiêm, chỉ có vắc xin phối hợp Sởi - quai bị - Rubella sẽ khá tốn kém và không cần thiết.

“Thực tế, ở nhiều người đã có sẵn kháng thể chống bệnh sởi trong cơ thể nên chúng tôi không khuyến cáo tất cả mọi người đi tiêm phòng. Quan trọng là khi có biểu hiện bệnh, cần đi viện ngay. Được chăm sóc tốt, đúng cách thì chỉ sau vài ngày là bệnh sẽ lành, giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm của sởi”, ông Hiển nói.

Cần chọn lọc đối tượng tiêm phòng sởi

Hôm nay, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành họp bàn về việc tổ chức uống vắc xin sởi trên diện rộng cho người dân trên địa bàn Hà Nội. Các chuyên gia đều cho rằng, trước khi quyết định tiêm cho đối tượng, nhóm tuổi nào, cần xem xét, điều tra về các đối tượng mắc bệnh hiện nay về độ tuổi, đã từng tiêm vắc xin sởi hay chưa... Tuy nhiên, việc điều tra bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn do người bệnh chỉ khai báo nơi cư trú.

Theo dự kiến, sẽ có khoảng 700 nghìn học sinh, sinh viên ở các trường học được tiêm vắc xin phòng sởi. Còn cụ thể như thế nào, sẽ được quyết định sớm nhất trong các cuộc họp bàn tiếp theo.

Còn theo quan điểm của ông Hiển, ông không khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả các đối tượng người lớn. Chỉ những người biết mình chưa từng chủng ngừa sởi, hoặc chưa từng mắc bệnh sởi này thì mới nên đi tiêm.

"Nếu cơ thể họ từng ủ bệnh và có sẵn kháng thể rồi thì việc tiêm phòng bây giờ là không cần thiết. Còn nếu chưa từng bị, tôi xin nhấn mạnh lại, khi có dấu hiện sốt, phát ban, chảy nước mắt, mắt đỏ, người dân nên đến các cơ sở y tế khám xem có phải là sởi không. Người dân không nên quá lo sợ trước dịch sởi. Đây là bệnh dễ lây nhưng nếu chẩn đoán, chăm sóc tốt hoàn toàn có thể khỏi bệnh và không để lại biến chứng", ông Hiển nói.

Hiện nay biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin đầy đủ sởi đầy đủ. Theo lịch tiêm chủng của chuẩn quốc gia, trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi được tiêm phòng sởi mũi 1, khi được 6 tuổi sẽ được tiêm mũi 2 tại trường. Với hai mũi tiêm, hiệu quả bảo vệ lên đến 95 - 98%. Nếu tiêm dư ra thì cũng không sao. Còn trẻ dưới 9 tháng tuổi chủng ngừa thì hiệu quả không cao vì trong cơ thể bé vẫn còn kháng thể mẹ truyền cho.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Dịch Sởi ở HN