1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Không ham ốm nghén kiểu công nương

Trong thai kỳ, người phụ nữ thường bị chứng ốm nghén ở ba tháng đầu, sang tháng thứ tư thì triệu chứng giảm dần rồi hết hẳn nhưng có những người ốm nghén nặng tới tận ngày sinh như công nương Anh quốc Kate Middleton, vợ hoàng tử William.

Thông tin trên đang khiến nhiều thai phụ Việt Nam lo ngại: nếu họ gặp trường hợp tương tự như công nương Kate Middleton, hội chứng Hyperemesis Gravidarum (HG) thì sức khoẻ có nguy hiểm?

 

Không ham ốm nghén kiểu công nương
Hoàng tử William và công nương K. Middleton. Theo báo chí nước ngoài, bị ngất ở nhà cha mẹ hôm 3.12, công nương được chồng đưa đến bệnh viện King Edward 7 tại trung tâm London. Cô được truyền muối, nước, các chất dinh dưỡng, và phải ở lại viện để tiện theo dõi. Ảnh: AFP

 

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 6/12, BS Lê Thị Lan Phương, phó khoa sanh A, bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM cho biết mỗi thai kỳ có một triệu chứng nghén khác nhau. Có thể ở thai kỳ này thai phụ bị nghén nặng, thậm chí đến lúc sinh em bé, nhưng ở thai kỳ sau họ sẽ không còn chứng này. Hiện vẫn chưa biết rõ nguyên nhân nào dẫn đến chứng HG, chỉ biết đây triệu chứng ảnh hưởng rất xấu tới sức khoẻ thai phụ.

 

Trên thế giới, cứ 100 phụ nữ mang thai thì có khoảng hai người mắc chứng ốm nghén nặng. Những người mắc chứng ốm nghén như thế thường có khả năng mang song thai. Trẻ sơ sinh có mẹ bị HG có thể sinh non hoặc nhẹ cân. Ốm nghén nặng có thể gây tử vong trong trường hợp nghiêm trọng. Một số thai phụ thậm chí đã buộc phải bỏ thai. Những phụ nữ mắc chứng nghén nặng ở lần mang thai thứ nhất thì cũng có nhiều nguy cơ mắc lại ở lần mang thai thứ hai. “Có người không thể ăn uống được bất cứ thực phẩm nào, thậm chí uống nước vào cũng bị nôn đến sạch. Kèm theo đó là các chứng mệt mỏi, tim đập nhanh, huyết áp thấp, nhức đầu, hôn mê hoặc nhầm lẫn. Tình trạng này thường kéo dài đến ba tháng giữa thai kỳ, cũng có trường hợp diễn tiến đến lúc sinh. Vì thai phụ không hấp thụ được các dưỡng chất, cơ thể luôn mất nước nên sẽ bị suy nhược, rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến nhiễm độc thai nghén, suy dinh dưỡng ở hai mẹ con, nguy cơ có khi dẫn đến đình chỉ thai kỳ”, BS Phương lưu ý.

 

Cũng theo BS Phương, vẫn có thể giữ được cả mẹ và bé khoẻ mạnh bằng việc điều trị hợp lý. Vì vậy, nếu bị nghén quá nặng, thai phụ nên kịp thời nhập viện để các bác sĩ điều trị, theo dõi, tìm các liệu pháp giúp an toàn, khoẻ mạnh cho hai mẹ con. “Thường, bác sĩ sẽ truyền dịch, chất dưỡng, bổ sung vitamin và các chỉ định ăn uống phù hợp để thai phụ giảm bớt triệu chứng khó chịu kia. Cái khó cho các thai phụ bị nghén nặng là không thể hấp thụ được thức ăn, vì vậy, họ nên ăn bất cứ thứ gì có thể để bổ sung dưỡng chất cho cả hai mẹ con. Các loại hoa quả, nước ép từ trái cây, bánh quy ngọt... là những thực phẩm giúp thai phụ dễ hấp thụ hơn. Bên cạnh đó, thai phụ cần nghỉ ngơi, đi lại vận động nhẹ nhàng ở nơi có không khí trong lành, không nên nằm quá nhiều một chỗ trên giường sẽ làm cho tình trạng nghén càng thường xuyên hơn”, BS Phương cho biết.

 

 Các nhà nghiên cứu

 

Na Uy phát hiện, các con gái của bà mẹ mắc chứng ốm nghén Hyperemesis Gravidarum có nguy cơ mắc căn bệnh này rất cao. Đây không là bệnh di truyền mà có thể được tạo ra bởi chế độ ăn uống, phương thức nhiễm trùng hoặc thậm chí lối sống giống nhau giữa bà mẹ và con gái.

Theo Nguyên Cao

 Sài Gòn tiếp thị