1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Đồng Tháp:

Huyện vùng biên nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV

(Dân trí) - Tổng số người nhiễm HIV toàn huyện hiện nay là 519 trường hợp. Trong đó, có 187 người chuyển sang AIDS và tử vong 181 người. An Long, Phú Thành A, Phú Ninh, An Hòa và thị trấn Tràm Chim là những địa phương có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất huyện.

Thời gian qua, các địa phương trong huyện Tam Nông đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, tư vấn, không phân biệt đối xử, quan tâm chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện cho đối tượng này hoà nhập vào cộng đồng… Song, kết quả vần còn khiêm tốn, bởi các nghề được hướng nghiệp không phù hợp với đặc thù ở địa phương; đồng vốn hỗ trợ cho đối tượng lại có hạn, họ khó xây dựng cuộc sống ổn định. Trong lúc các ngành chức năng chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ nên thời gian sau đó họ lại đi nơi khác hành nghề cũ…

Trong 11 tháng đầu năm 2014, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) phát hiện mới 24 trường hợp nhiễm HIV mới, so cùng kỳ năm 2013 giảm 1 trường hợp, so năm 2012 giảm 5 trường hợp và so năm 2011 giảm 20 trường hợp người nhiễm mới.

Tổng số người nhiễm HIV toàn huyện hiện nay là 519 trường hợp. Trong đó, có 187 người chuyển sang AIDS và tử vong 181 người. An Long, Phú Thành A, Phú Ninh, An Hòa và thị trấn Tràm Chim là những địa phương có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất huyện. Đa số người nhiễm HIV/AIDS đều được đưa về cộng đồng quản lý và đã có hàng chục người nhiễm HIV/AIDS không có địa chỉ rõ ràng…

 

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm HIV cho người dân ở huyện Tam Nông
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm HIV cho người dân ở huyện Tam Nông

Bác sĩ Lâm Hùng Phong - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Nông cho biết: “Vấn đề khó khăn trong việc quản lý người nhiễm HIV ở khâu: làm thế nào để người tự nguyện đi xét nghiệm và ghi tên, họ, địa chỉ thật của mình để khi phát hiện nhiễm, chúng tôi có thể tiếp xúc trực tiếp thì mới làm tốt công tác quản lý. Ở đây, người đi xét nghiệm HIV thường không khai họ-tên-địa chỉ thật, gây khó khăn cho chúng tôi trong công tác tư vấn…”.

Chị N. T. T. - một bệnh nhân AIDS ở xã Phú Thành A tâm sự: “Lúc mới phát hiện mình nhiễm HIV do lây nhiễm từ chồng. Tôi rất buồn chán và hoang mang lắm… Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ lại rằng: nhiễm HIV chưa phải là hết, quảng đời còn lại của mình phải làm sao sống có ích ch và có ý nghĩa thiết thực… Với suy nghĩ trên, tôi không còn thất vọng, buồn chán nữa… tôi quyết tâm sử dụng thuốc trị theo phát đồ của bác sĩ nên đến nay đã trải qua 15 năm bị nhiễm bệnh mà sức khỏe của tôi vẫn ổn định và làm ăn, mua bán bình thường”.

Ông Đặng Kim Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, kêu gọi: các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong huyện hãy đồng tâm-hiệp lực bằng mọi biện pháp thiết thực để ngăn chặn hữu hiệu việc lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng; sống thủy chung một vợ-một chồng, không tiêm chích và sử dụng các chất ma túy; không quan hệ tình dục bừa bãi; hãy quan tâm, giúp đỡ, không xa lánh, kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS... Đặc biệt là phải “giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn AIDS”, nêu cao ý thức trách nhiệm “vì những đứa con không nhiễm HIV” bằng cách ngăn ngừa hữu hiệu tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và “hướng tới không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không kỳ thị, không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.

Hầu hết người nhiễm HIV đều có trình độ học vấn thấp, nhận thức còn hạn chế… nên việc vận động tránh lây bệnh cho người khác không phải là chuyện dễ thực hiện. Việc phòng chống HIV cũng như các bệnh truyền nhiễm khác luôn cần đến sự quan tâm của mọi người và của toàn xã hội.

Nguyễn Hành - Trọng Trung